Nhấp chén trà ngon, tình Xuân phơi phới

Trà Xuân thường có vị ngái khi mới uống, nhưng để lại dư vị ngọt nhẹ, thanh mát trong cổ họng

Người dân vòng quanh thế giới uống trà như thế nào?

Uống trà bao nhiêu một ngày là tốt?

8 loại trà thảo mộc giúp chữa viêm họng, cảm cúm

Những loại trà thảo dược tốt cho sức khỏe người cao tuổi

Mới đây, có một câu chuyện về thưởng trà được truyền tải rộng rãi, khiến nhiều người phải nhảy vào tranh luận. Chẳng là, có một bác sỹ trẻ, tuổi ngoài 30, thích nghiên cứu, tìm hiểu về những nét văn hóa cổ. Gặp được một ông thợ gốm, tính cách cũng có phần hơi khác người, thích giữ lại những chiếc ấm nặn hỏng, vẽ mộc, nung qua lửa rồi ngâm chúng vào nước trà vài bận mới dùng. Có chiếc ông mang tặng, có chiếc thì để trưng bày, lưu giữ. Người ta bảo ông khác người, nhưng với những người thích thưởng trà, đấy là một cái thú. 
Thực, việc của ông thợ gốm cũng chẳng liên đến ai, cũng chẳng có thể khiến ai phiền lòng nếu không có anh bác sỹ trẻ đó. Rằng, những chiếc ấm anh cùng ông thợ gốm cặm cụi nặn tay, vẽ mộc, nung lửa để tự pha trà đó – cái thú chơi của riêng anh và ông bạn vọng niên lúc rảnh rỗi đó - nếu không được anh chia sẻ lên các trang mạng xã hội thì người ta đã chẳng nói hai người gàn dở. Rằng chuyện tự làm ấm, tự ủ trà để có được những hương vị tinh khiết đó trong cái xã hội mới cái gì cũng có người cung cấp sẵn khiến người ta có phần… ghen tị.
Thực, thưởng trà mà được như hai người “gàn dở” đó, cũng là chuyện chẳng mấy người làm được. Thế nên, nhân đọc Trà kinh của Lục Vũ, xin trích lại một phần của văn hóa uống trà từ hàng nghìn năm trước. 
Trà kinh là trước tác duy nhất của Lục Vũ – một trong những Trà Thánh của Trung Hoa – khảo sát về chuyện trà ngược từ hơn 2.000 năm trước, mở đầu cho văn hóa trà hơn nghìn năm sau. 
Bàn về trà ẩm (phép uống trà), Lục Vũ viết: Loài người, muốn đỡ khát thì uống lấy nước, muốn tiêu sầu thì uống lấy rượu, còn tỉnh mộng mê thì uống lấy trà. Trà vừa là thức uống trong nhà của người dân, vừa là thức đối ẩm của tao nhân mặc khách. 
Các phép chặt, đun, sấy, giã, sau cất vào bình, khi uống thì đem nước sôi là chần trà, thời gọi đó là phép yểm trà. Thế nhưng, trà có 9 cái khó: Thứ nhất là chế trà, thứ hai là giám biệt, thứ ba là trà cụ, thứ bốn là dùng lửa, thứ năm là kín nước, thứ sau là sao sấy, thứ bảy là tán mạt, thứ tám là đun pha, thứ chín là ẩm dụng. Hái râm sao tối, chẳng phải phép chế trà vậy. Nhai vị ngửi hương, chẳng phải phép giám biệt vậy. Âu tanh bát hôi, chẳng phải trà cụ vậy. Củi dầu than mỡ, chẳng phải là lửa đun vậy. Nước tù dòng xiết, chẳng phải nơi kín nước vậy. Ngoài chín trong sượng, chẳng phải phép sao sấy vậy. Hạ yêu Đông bỏ, tuyệt chẳng phép phép uống trà vậy.
Xét lẽ, thứ trà trân quý, hương vị phức nồng, muốn thưởng thức cũng muôn phần phức tạp.

Cái dụng cuả trà, vị chí hàn, hợp nhất với bậc có phẩm tính kiệm cần, đức hạnh thuần hậu

Lục Vũ viết: Trà là giống cây quý ở phương Nam, được trồng trên đất lạn thạch (chỉ thứ đất giữa các khe núi, vách đá) là thứ thượng hạng. Đại phàm gieo chẳng nảy, vun mà thưa rếch, y phép trồng 3 năm mới được thu hái. Trà phải thu hái vào buổi sớm, hái thứ lá trà mọc ở phía Nam, được tán rừng che phủ mới là thứ thượng hạng. Hái lá thì màu lá phải tía mới là thượng hạng. Không thì phải là thứ măng trà mới ngon, chứ chồi trà, lá trà đã là thứ cấp. Còn thứ trà mọc ở phương Bắc núi, chẳng nên hái về. Uống phải thứ trà này thì khó tiêu, dễ kết sỏi.
Cái dụng cuả trà, vị chí hàn, hợp nhất với bậc có phẩm tính kiệm cần, đức hạnh thuần hậu. Nếu thấy nóng khát, buồn bực, đau đầu, nhức mắt, tứ chi mỏi mệt, các khớp bải hoải, thời uống lấy bốn năm ngụm ấm, có thể sánh với nước cam lồ vậy. 
Phàm là trà thượng hạng, được thu hái buổi sớm của tháng Hai, Ba, Tư. Hái thứ măng trà dài độ bốn năm tấc, nhân lúc hơi sương chưa tỏa mà hái lấy. Hái xuống, đựng trong những chiếc giỏ tre, sau đấy chưng chín, giã nát, đập thành hình, sấy khô, xiên thành xâu, đóng gói. Trà khô, thảy loại nào cũng phải nhờ mấy công đoạn ấy mới thành. Thiếu một công đoạn, trà thiếu một vị, mất một hương. Ấy là bởi, những công đoạn ấy ảnh hưởng, làm tăng thêm cho có độ cái tinh túy của trà. Tinh túy của trà tiết ra thì trà nhẵn bóng, ấy là thứ trà ngon, được trải qua đầy đủ công đoạn của một cuộc chế trà. Thứ trà còn xô nhăn vì đọng lại cái tinh túy, là thiếu đi hoặc làm chưa đến nơi đến chốn cái công đoạn chế trà. Lại như, trà chế về đêm có màu đen quánh, trà chế vào ban ngày mang sắc vàng ươm. Điểm này của trà với các loại lá thảo mộc là như nhau.
Nước pha trà phải là thứ nước trên núi, chọn lấy nước ở dòng chảy êm nơi đìa đá. Nước giếng là hạng thứ phẩm, nhưng cũng phải chọn giếng thường xuyên sử dụng. Những thứ nước lưu cữu, ứ trệ lâu này, dùng ắt sinh tật. Nước đun nhỏ lửa, sôi vài phút trong ấm đất, để tan hết bọt cho thanh khiết.

Trà, tính kiệm, chẳng thể chêm nhiều nước, nhạt vị

Lá trà cho vào ấm đất nung, những chiếc ấm đã ngâm trong nước trà đặc vài bận cho hương trà thấm vào từng thớ đất. Làm nóng ấm trước khi cho lá trà vào, tráng qua bằng thứ nước sôi lần một. Chắt hết thứ nước tráng trà, cánh trà đã hơi bung nhẹ, hương trà vấn vít trên miệng ấm. Lúc này, nước trên bếp vẫn đang sôi, rót nhẹ vào ấm trà, cánh trà lại bung nở, thức tinh túy màu vàng nhẹ của lá tràn nhẹ nhàng hòa lẫn vào nước. Hương trà lan tỏa. Đậy nắp ấm lại, dội thêm chút nước sôi quanh ấm để giữ hương.
Phàm trà rót ra chén, mạt bột phải đều. Mạt trà là “tinh hoa” của nước trà, thứ mỏng, nhẹ nổi trên mặt chén được gọi là hoa trà. Hoa thì tự bông táo lênh đênh trên cõi ao hồ, như tấm lục bình chớm nở dập dềnh giữa chốn đầm sông, rồi lại như áng phù vân vần vảy phiêu đãng trong khoảng trời thanh mát. Mạt thì như rêu xanh phập phù mặt nước, như hoa cúc vương giữa chén quỳnh. Vớt cái mạt ấy đi, nước trong vắt, uống vào vị ắt thuần. Nước đầu gọi là tuyên vĩnh (Tuyên là mùi vị, vĩnh là lâu dài), vị trà cực ngon mới được gọi như vậy.
Phải nhân lúc trà nóng mà uống liền, để cho thứ nặng đục lắng xuống dưới, cái tinh anh nổi lên trên. Nếu như để nguội, thì tinh anh sẽ theo khí nóng bốc ra mà cùng kiệt, uống trà chẳng hết, cũng vậy mà thôi.
Trà, tính kiệm, cũng chẳng thể chêm nhiều nước, nhạt vị. Chén trà đầy, uống một nửa đã thấy vị trà loãng rồi, huống hồ là pha nhiều nước.
Sắc nước trà vàng, hương thơm thanh nhã. Vị ngọt, gọi là giả, không ngọt mà đắng gọi là suyễn. Nhấp đắng mà nuốt ngọt, gọi là trà vậy.
Ấy thế nên, chút trà ngon, pha trong ấm mộc, ngồi bên hiên nhà lúc trời mới rạng mà thưởng thức thứ hương vị thanh khiết của đất trời là một thứ lạc thú của đời người.
An Nhiên (H+)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa