Xét nghiệm máu giúp phát hiện bệnh Alzheimer trước 20 năm

Tương lai gần, chỉ một xét nghiệm máu đơn giản có thể giúp phát hiện được chính xác nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ khi bạn về già

Những loại thực phẩm đang dần "phá hủy" não bộ của bạn

Rung nhĩ có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ tới 50%

Chống sa sút trí tuệ, Alzheimer bằng vitamin và khoáng chất

Phát hiện mới về "mầm bệnh" gây ra chứng mất trí nhớ ở người bị Alzheimer

Alzheimer là bệnh thoái hóa thần kinh tiến triển, gây mất trí nhớ dần dần, xảy ra phổ biến nhất ở người cao tuổi. Một khi bệnh đã phát triển sẽ gây thiệt hại "không thể khắc phục được" trên não bộ người bệnh.

Hiện thế giới vẫn chưa tìm ra được phương thuốc chữa khỏi được hoàn toàn căn bệnh này nên việc chẩn đoán sớm nguy cơ bằng một xét nghiệm máu trước khi xuất hiện các triệu chứng mất trí nhớ đã được xem là "chìa khóa" để giải quyết căn bệnh này của các nhà thần kinh học.

Theo đó, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Y Washington (Mỹ) cho biết, họ có thể đo được mức độ protein beta amyloid tích tụ trong não chỉ bằng một xét nghiệm máu đơn giản. Đây được xem là tác nhân chính gây độc cho hệ thần kinh khi nó thâm nhập được vào não của người mắc bệnh Alzheimer.

Nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí Thần kinh học, được xem là một bước tiến lớn về xét nghiệm máu giúp chẩn đoán từ rất sớm căn bệnh Alzheimer trước khi xuất hiện các triệu chứng. Đáng ngạc nhiên, xét nghiệm này cho thấy còn "nhạy" hơn cả phương pháp quét não PET truyền thống từ lâu được xem là "tiêu chuẩn vàng" để xác định sự lắng đọng amyloid trong não.

Nghiên cứu đã được thực hiện với sự tham gia của hơn 150 người trên 50 tuổi lấy mẫu máu và quét não PET ít nhất 1 lần. Trong nỗ lực cải thiện độ chính xác của xét nghiệm, các nhà nghiên cứu đã kết hợp một số yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh Alzheimer. Tuổi là yếu tố rủi ro lớn nhất được biết đến. Cụ thể, sau 65 tuổi, cơ hội phát triển căn bệnh này tăng gấp đôi cứ sau 5 năm. Một biến thể di truyền được gọi là APOE4 làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer từ 3 đến 5 lần. Và giới tính cũng đóng một vai trò: Cứ 3 bệnh nhân Alzheimer thì 2 người là phụ nữ.

Khi nồng độ amyloid nhất định trong máu kết hợp với 2 yếu tố nguy cơ chính khác của bệnh Alzheimer, bao gồm tuổi và sự hiện diện của biến thể di truyền APOE4, bệnh có thể được chẩn đoán sớm với độ chính xác lên tới gần 94%.

"Giới tính đã ảnh hưởng đến tỷ lệ beta amyloid, nhưng không đủ để chúng ta xác định được amyloid dương tính hay amyloid âm tính, vì vậy bao gồm nó không cải thiện độ chính xác của phân tích. Xét nghiệm máu mới ở Đại học Y Washington có thể cung cấp một cách sàng lọc bệnh đơn giản mà hiệu quả cho hàng ngàn người mỗi tháng thay vì phương pháp quét não PET truyền thống tốn kém và mất thời gian", tác giả nghiên cứu, giáo sư thần kinh học Randall Beitman cho biết.

Theo Hiệp hội Alzheimer thế giới, bệnh Alzheimer là nguyên nhân đứng thứ 6 khiến người Mỹ phải tử vong hàng năm. Nếu không có những bước đột phá y tế kịp thời, ước tính có đến 13,8 triệu người Mỹ từ 65 tuổi trở lên có thể bị mất trí nhớ và dẫn đến tử vong bởi căn bệnh này vào năm 2050.

Nguyên Hương H+ (Theo Sciencedaily/Mirror)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn