Xử trí khi con sốt siêu vi

Tác nhân gây sốt siêu vi

Có nhiều loại tác nhân siêu vi có thể gây hội chứng hô hấp. Đại đa số các bệnh nhiễm này liên hệ đường hô hấp trên, nhưng bệnh đường hô hấp dưới cũng có thể phát sinh, đặc biệt ở trẻ nhỏ và một số nhóm dịch tễ. Thường gặp nhất là:

- Các rhinovirus, tác nhân chính gây hội chứng cảm lạnh (sổ mũi, nghẹt mũi, nhảy mũi), đôi khi gây biến chứng viêm tai, viêm xoang, viêm phổi hay các cơn kịch phát hen suyễn hoặc viêm phế quản.

- Coronavirus: cũng thường gây cảm lạnh.

- Adenovirus: gây cảm lạnh, viêm họng và đôi khi viêm phổi ở trẻ em, có thể phát thành dịch ở trường học và doanh trại quân đội.

- Virus cúm A, B: gây bệnh cúm, có thể gây biến chứng viêm phổi hay viêm mũi - họng

- Phó cúm: viêm thanh quản, viêm phổi ở trẻ em, viêm họng, cảm lạnh, viêm khí phế quản ở người lớn.

- RSV (virus hợp bào hô hấp): viêm phổi và viêm tiểu phế quản ở trẻ em, cảm lạnh ở người lớn, viêm phổi ở người già...

- Enterovirus (các virus Echo và Coxsackie): gây bệnh sốt cấp tính không đặc thù (“cúm mùa hè”), bệnh Bornholm (sốt, tức ngực, đau bụng trên), bệnh sốt phát ban, bệnh tay - chân - miệng (nổi mụn nước, bóng nước, loét, phát ban)...


Ảnh minh họa.

Biểu hiện khi trẻ nhiễm siêu vi

Nôn: Trẻ có thể nôn sau khi ăn. Nếu nôn khan nhiều lần thì cần chú ý thêm các vấn đề khác về não, màng não.

Sốt cao co giật: Hiện tượng này thường xảy ra khi trẻ bị sốt cao trên 38,50C, toàn thân trẻ co giật, tím môi, nếu diễn biến nặng, tái phát nhiều lần thì có thể gây thiếu ôxy não, hôn mê và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

 Sốt cao rét run: Trẻ có cảm giác toàn thân lạnh, đặc biệt là tay, chân, có thể nổi vân tím trên da.

Chảy nước mũi: Thường trẻ sẽ chảy nước mũi trong, không có mùi hôi, tăng tiết đờm dãi trong miệng.

Ho: Trẻ có thể ho khan hoặc có đờm do quá trình viêm tai mũi họng gây ra.

Rối loạn tiêu hóa: Trẻ có thể đi ngoài phân lỏng, nhiều nước, không có máu. Trẻ thường rất khát nước, nếu không chăm sóc tốt, bệnh sẽ diễn biến nặng lên và có thể gây tử vong.

Đau đầu: Trẻ lớn có thể kêu đau đầu, trẻ nhỏ thì quấy khóc, vật vã. Ngoài cơn sốt trẻ lại chơi ngoan.

 

Đau mình mẩy, đau cơ: Trẻ có cảm giác mệt mỏi, đau nhức cơ bắp toàn thân. Phát ban: Sau khi sốt vài ngày, trẻ có thể xuất hiện ban đỏ trên da và đỡ sốt.

Chăm sóc trẻ nhiễm siêu vi tại nhà

BS.Đặng Thị Kim Trinh , Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, bệnh nhiễm siêu vi không có thuốc đặc hiệu mà chỉ chữa triệu chứng và các biện pháp hỗ trợ. Những việc cần làm khi trẻ bị sốt siêu vi:

Hạ sốt: Các bậc cha mẹ cần chú ý theo dõi sát nhiệt độ của trẻ từng giờ đến khi đỡ sốt. Trong nhà nên thường xuyên có cặp nhiệt độ, thuốc hạ sốt. Khi thân nhiệt cao trên 38,5độC thì dùng một số thuốc hạ sốt như paracetamol với liều 10-15mg/kg cân nặng mỗi 4 – 6 giờ để tránh sốt cao co giật (Không dùng Aspirin vì có thể gây nguy hiểm).

Chườm mát: lau người cho trẻ bằng khăn mát, lau khô mồ hôi, nằm nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng.

Bù nước:Khi sốt cao có thể gây mất nước, gây rối loạn điện giải cơ thể. Do đó nên cho trẻ uống nhiều nước chín và bù điện giải bằng cách uống Oresol .

Chống bội nhiễm:
Vệ sinh sạch sẽ cho bé, tắm bằng nước ấm, phòng kín. Nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng Natrichlorua 0,9% để tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.Cách ly trẻ không cho đến trường (vì bệnh có thể gây thành dịch). Đồng thời phải giữ ấm cho trẻ.

Ăn uống: -Cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu, giàu dinh dưỡng.

Ngoài ra, các bậc cha mẹ có thể dùng thuốc giảm ho, long đờm hoặc một số thuốc ho có nguồn gốc thảo dược. Tiêm phòng cho trẻ đầy đủ theo lịch tiêm chủng của Chương trình TCMR, nếu có điều kiện nên tiêm phòng các loại vacxin khác ngoài chương trình.

Đưa trẻ đến khám ngay tại trung tâm y tế nếu trẻ: co giật, sốt cao không hạ sốt được nôn khan nhiều lần, tiêu chảy, lơ mơ, li bì, thở nhanh.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ