Viêm tai giữa ứ dịch

Viêm tai giữa ứ dịch là gì?

Viêm tai giữa ứ dịch (VTGƯD) là sự ứ dịch của tai giữa phía sau một màng tai không thủng, không có các triệu chứng viêm cấp. Dịch tai giữa có thể là thanh dịch, có thể là dịch nhầy, có thể là keo.

VTGƯD có thể dần dần tiến triển thành viêm tai giữa nguy hiểm, từ đó gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Vì vậy, tất cả các trường hợp VTGƯD cần phải được điều trị và theo dõi nhằm phục hồi lại sức nghe đồng thời ngăn ngừa các biến chứng và di chứng gây điếc nặng ở giai đoạn sau.


Cấu tạo tai giữa.

Nguyên nhân gây VTGƯD

Căn nguyên gây VTGƯD là đa yếu tố bao gồm nhiễm khuẩn, rối loạn chức năng vòi, dị ứng, giảm khả năng miễn dịch và các yếu tố về xã hội và môi trường. Có lẽ yếu tố quan trọng nhất gây viêm tai giữa là do sự chưa trưởng thành về cấu trúc, chức năng của vòi nhĩ ở lứa tuổi và do sự chưa trưởng thành về hệ thống miễn dịch của chúng.

Những rối loạn chức năng vòi nhĩ có thể gây ra VTGƯD là tắc vòi hay sự mở vòi bất thường. Tắc vòi nhĩ có thể là chức năng hay cơ học hoặc do cả hai. Tắc vòi chức năng gây ra do vòi nhĩ xẹp kéo dài, do vòi nhĩ quá mềm, do cơ chế mở vòi không bình thường hoặc do cả hai. Tắc vòi thường gặp ở trẻ nhũ nhi và trẻ bé do sụn vòi mềm hơn làm cho hoạt động mở vòi khó khăn. Hơn nữa, dường như có sự khác nhau giữa đáy sọ mặt trẻ em và người lớn làm cho cơ căng màn hầu hoạt động kém hiệu quả hơn ở trẻ em.

Nhận diện VTGƯD

VTGƯD là một bệnh đa hình thái, có thể có nhiều dạng lâm sàng rất khác nhau. Thường gặp nhất, VTGƯD chỉ biểu hiện bằng nghe kém, không có các dấu hiệu khác về bệnh học tai. Do vậy, bệnh thường tiềm tàng và bị bỏ qua trong nhiều tháng, nhiều năm. Sự giảm thính lực đại đa số gặp cả hai tai ở trẻ em. Trái lại, ở người lớn thường gặp nhất là bị một bên.

Mức độ suy giảm thính lực rất thay đổi, trung bình khoảng 28dB ở tần số tiếng nói. Sự suy giảm thính lực 30dB hoặc hơn ở cả hai tai có thể gây ra những hậu quả đáng lo ngại về sự phát triển tiếng nói, về việc học tập. Trong dạng tiềm tàng những triệu chứng khác hiếm gặp: cảm giác đầy tai, ít gặp và chỉ thấy ở người lớn; một số bệnh nhân phàn nàn có cảm giác dịch chuyển chỗ trong tai hoặc sự thay đổi về mức độ điếc theo vị trí của đầu.

Bệnh nhân thường nghe rõ hơn khi nằm nghiêng sang bên tai lành; trong một số trường hợp có thể có chóng mặt; đau tai là triệu chứng hiếm gặp và thường thấy trong hoặc ngay sau giai đoạn viêm cấp. VTGƯD có thể làm nền cho những đợt bội nhiễm tai tái phát làm người ta nghĩ rằng đó là viêm tai giữa cấp tái phát thông thường.

Ngoài những đợt viêm cấp, bệnh có tính chất tiềm tàng. Vì vậy, trước tất cả các viêm tai giữa cấp tái phát cần phải thăm khám tỉ mỉ màng nhĩ, nhĩ lượng trong một thời gian dài sau viêm tai giữa cấp. Việc phát hiện ra VTGƯD cho phép chỉ định điều trị và tránh được những viêm tai giữa cấp tái phát.

Ngoài ra, để chẩn đoán chính xác, cần thực hiện thêm một số phương pháp cận lâm sàng như đo thính lực, đo nhĩ lượng (một xét nghiệm bắt buộc trong chẩn đoán VTGƯD).

Hậu quả do VTGƯD

VTGƯD kéo dài nếu không được điều trị hoặc có khi dù đã được điều trị sẽ tiến triển đến túi co kéo, xẹp nhĩ, VTGƯD với màng nhĩ xanh vô căn, xơ nhĩ, viêm tai giữa mạn tính có cholesteatoma... VTGƯD là hậu quả của viêm nhiễm đường hô hấp trên bởi vi khuẩn và virut, chủ yếu là hậu quả của viêm tai giữa cấp. 65 - 78% bệnh nhân bị VTGƯD có nhiễm khuẩn đường hô hấp trên trong những ngày trước đó.

Đo thính lực và đo nhĩ lượng giúp chẩn đoán viêm tai giữa ứ dịch.

Người bệnh VTGƯD cần được điều trị như thế nào?

Điều trị VTGƯD nhằm 3 mục đích: phục hồi lại thính lực; ngăn chặn sự tiến triển đến bệnh lý mạn tính không hồi phục như: viêm tai dính, xơ nhĩ, túi co kéo màng nhĩ hay xẹp nhĩ, cholesteatoma, viêm tai giữa mạn tính; ngăn ngừa các viêm tai giữa cấp tái phát và biến chứng. Để đạt những mục đích này, tùy thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể mà người bệnh có thể được điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa.

Các thuốc được sử dụng điều trị nội khoa bao gồm kháng sinh, kháng histamin, thuốc chống phù nề, thuốc nhỏ mũi, corticoid; bơm hơi vòi nhĩ (biện pháp này thường cho phép cải thiện thính lực ngay nhưng chỉ được một thời gian rất hạn chế, không quá 1 giờ).

Do vậy, để thực hiện sự thông khí hiệu quả cho tai giữa, cần phải nhắc lại thường xuyên nghiệm pháp này, đó không phải là việc dễ dàng và có thể gây chấn thương loa vòi khi dùng ống thông cứng Itard hoặc gây nhiễm khuẩn ngược dòng. Đối với điều trị ngoại khoa, người bệnh được tiến hành nạo VA; cắt amidan khi có viêm amidan và viêm mũi họng tái đi tái lại; đặt ống thông khí là giải pháp điều trị hiệu quả nhất hiện nay.
Dongoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tai mũi họng