Viêm não cấp ở trẻ: Tử vong nếu không điều trị kịp thời

Diệt muỗi, ngủ màn để phòng viêm não cấp cho trẻ

Mùa hè, cẩn trọng với bệnh viêm não Nhật Bản

Nắng nóng bất thường: Dễ nhầm lẫn viêm não với các bệnh khác

Nắng nóng kéo dài, cẩn thận viêm não virus

Nắng nóng, nhiều trẻ bị viêm não nặng hôn mê

Bởi triệu chứng ban đầu của bệnh viêm não cấp thường giống với các bệnh sốt do virus thông thường nên các cha mẹ không phát hiện được, cho con điều trị tại nhà bằng các loại thuốc kháng sinh, hạ sốt thông thường..., bệnh không những không được chữa kịp thời mà còn bị nặng thêm và rất nguy hiểm.

Dưới đây là các thông tin cơ bản về viêm não cấp, để cha mẹ có thêm hiểu biết, chủ động đưa con đi tiêm phòng và chú ý chăm sóc điều trị tốt cho trẻ:

Viêm não cấp là gì?

Viêm não cấp là tình trạng viêm cấp tính não bộ, bệnh có tỷ lệ tử vong cao (10 - 15%) và để lại di chứng rất nặng (khoảng 35%). Viêm não cấp do một số loại siêu vi trùng gây ra, với các căn nguyên khác nhau: Virus viêm não Nhật bản, virus Herpes, virus Entero... Siêu vi trùng có thể thâm nhập vào não bộ theo đường máu (muỗi đốt), đường tiêu hóa hay đường hô hấp. Bệnh thường gặp ở trẻ em và tuổi mắc bệnh thường từ 2 - 8 tuổi. Xu hướng mắc bệnh tăng vào mùa hè (tháng 5 đến tháng 8).

Triệu chứng của viêm não cấp?

Trẻ mắc viêm não cấp ở giai đoạn khởi phát thường có các triệu chứng xảy ra đột ngột như sốt cao (38 - 40 độ C), đau đầu, ói mửa, bỏ ăn, có thể kèm theo ho, tiêu chảy... Sau 1 - 2 ngày, xuất hiện co giật, hôn mê, dẫn đến tử vong rất nhanh nếu không được điều trị kịp thời. Giai đoạn hôn mê là giai đoạn quyết định hiệu quả can thiệp của bác sỹ. Bệnh nhi bị bệnh do siêu vi gây ra nếu được điều trị qua cơn nguy kịch thì sau 7 ngày sẽ tự hồi phục.

Nên đưa trẻ nhập viện khi nào?

Viêm não cấp và sốt virus có thể giống nhau như: Sốt, nôn mửa, đau đầu... Tuy nhiên viêm não triệu chứng ngày càng tăng, trong khi sốt virus sẽ tự ổn định. Bởi vậy khi trẻ có hiện tượng sốt cao, đau đầu, ói mửa, đặc biệt là co giật, ngủ nhiều, hay nói sảng, hôn mê,... cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện, không nên tự cho trẻ uống thuốc, điều trị tại nhà.

Cách phòng bệnh như thế nào?

Phòng bệnh bằng cách diệt muỗi, ngủ màn, tiêm phòng viêm não Nhật Bản. Cần uống đủ nước, ngủ đủ giấc và đảm bảo dinh dưỡng để trẻ đủ sức đề kháng. Ngoài ra, cần chăm sóc điều trị tốt cho trẻ các bệnh lý về Tai - Mũi - Họng vì vi khuẩn thường ở vùng này tấn công vào não.

Ngoc Hoa H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ