Vì sao trẻ em Phần Lan nằm ngủ trong hộp giấy?

Chiếc nôi rất đáng yêu và thú vị như một lời hứa đầu tiên của Chính phủ đối với em bé

Bà bầu cần bổ sung vitamin gì?

3 loại thuốc giảm đau mẹ bầu nên thận trọng

Nhạc nào tốt cho thai phụ?

Việt Nam đứng thứ 93 về chăm sóc bà mẹ, trẻ em

Kể từ năm 1938, những bà mẹ tương lai tại Phần Lan đều được nhận một hộp quà từ Chính phủ. Hộp quà bao gồm nhiều vật dụng thiết yếu cho một đứa trẻ sơ sinh như quần áo, khăn trải giường, tã quấn và đồ chơi. Thậm chí, vỏ hộp quà còn được tái sử dụng như một chiếc nôi. Nhiều người cho rằng, đó là chiếc nôi may mắn giúp Phần Lan trở thành nước có tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong thấp nhất thế giới.

Đây là sáng kiến của cố Tổng thống Kyosti Kallio (1873 - 1940), ông đã lập một quỹ phúc lợi đặc biệt để trao quà cho các bà mẹ tương lai. Những năm 30 của thế kỷ trước, Phần Lan là một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu. Song song tồn tại một thực trạng đáng báo động là tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cực cao, lên tới 65/1.000 ca sinh nở, đe dọa sự phát triển của Phần Lan.

Ban đầu, quỹ chỉ tặng quà cho những sản phụ thuộc các gia đình có thu nhập thấp. Nhưng đến năm 1949, nhằm khuyến khích sự gia tăng dân số tại Phần Lan, mọi sản phụ trên cả nước đều được hưởng quyền lợi này. Theo thời gian, việc nhận quà tặng đã trở thành thứ phong tục không thể thiếu ở đất nước Phần Lan.

Hộp quà vào năm 1947 có đồ chơi, tã, quần áo sơ sinh

Quà tặng trong hộp sẽ thay đổi tương ứng với quá trình phát triển của đất nước. Ở giai đoạn đầu chủ yếu là vải vóc để các bà mẹ tự may quần áo cho trẻ. Trong Thế chiến II, vải bông và đồ len dạ ưu tiên trước hết cho quân đội nên quà cho sản phụ mới sinh chỉ có tã giấy. Vào những năm 1950 là quần áo may sẵn bằng vải dệt kim. Tới năm 1968, túi ngủ được thêm vào hộp quà dành cho các cặp vợ chồng thích đi dã ngoại, các năm tiếp theo lần đầu tiên bỉm, tã tiện dụng đã xuất hiện trong gói quà để bảo vệ môi trường.

Các bà mẹ có thể lựa chọn giữa việc nhận hộp quà này hoặc một khoản trợ cấp tiền mặt (hiện nay là 140 Euro). Vì đây là một truyền thống vô cùng tốt đẹp, nên phần lớn bà mẹ đều lựa chọn hộp quà tặng. Nó thể hiện mỗi con người sinh ra ở đây, dù ở bất cứ tầng lớp nào cũng đều được trân trọng và được quyền cơ bản nhất của con người từ khi mới sinh. Không chỉ thế, người Phần Lan tin rằng món quà này còn giúp những người mẹ đến gần với nhau hơn và động viên cha mẹ chăm sóc con cái tốt hơn. Với những gia đình khó khăn, hộp quà sẽ giúp họ tiết kiệm thời gian và chi phí mua sắm.

Cũng có một số bà mẹ chọn việc nhận tiền mặt trợ cấp thay vì hộp quà vì có thể tái sử dụng quần áo từ con đầu cho bé thứ hai.

Từ khi chính sách này ra đời, tỷ lệ trẻ tử vong sau khi sinh của Phần Lan đã giảm một cách nhanh chóng. Và cũng từ chính sách này, người ta tạo ra thêm một thói quen tốt là chia sẻ quần áo sau khi dùng xong mà chẳng cần lo giữ lại cho đứa sau.

Ngoài ra, không chỉ được nhận hộp quà thai sản hay tiền trợ cấp mà các bà mẹ cũng sẽ được thăm khám bởi các bác sỹ hoặc miễn phí khi tới phòng khám sản trước tháng thứ 4 của thai kỳ.

Hộp quà cho các em bé sắp sinh năm 2013 bao gồm: Quần áo sơ sinh, mũ, găng tay, núm vú giả, mũ tắm, khăn tắm, kéo cắt móng tay, lược, bản chải đánh răng, nhiệt kế tắm, kem tã, khăn mặt, sách ảnh…

Như vậy, hộp quà này không chỉ cung cấp cho các bà mẹ những gì họ cần để chăm sóc con mà còn là lời hứa hẹn của Chính phủ trong việc quan tâm, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Ông Panu Pulma - Giáo sư tại Đại học Helsinki, cho biết: "Những em bé trước đây thường ngủ chung giường với bố mẹ và chiếc hộp này khuyến khích họ dừng thói quen này lại. Việc xem chiếc hộp như một chiếc giường đồng nghĩa với việc mọi người bắt đầu để những đứa trẻ của họ ngủ riêng từ lúc mới sinh”. Điều này rất tốt cho việc hình thành thói quen tự lập của trẻ em.

Có một bài báo gần đây nói rằng những bà mẹ Phần Lan là những người hạnh phúc nhất trên thế giới, và hộp quà thai sản là điều ghi dấu ấn vào tâm trí của từng đứa trẻ. Điều này cho thấy, Chính phủ Phần Lan đang thực hiện rất tốt các chế độ phúc lợi xã hội.

Thanh Hà H+ (Theo BBC News)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ