Những điều bạn chưa biết về thực phẩm biến đổi gene

Thực phẩm biến đổi gene (GMO) ngày càng phổ biến trên thế giới

Thực phẩm biến đổi gene nào an toàn?

​Nên buộc dán nhãn thực phẩm biến đổi gene

Mỹ: Thông qua luật dán nhãn thực phẩm biến đổi gene

Cà chua biến đổi gene chưa có ở Việt Nam

Thực phẩm biến đổi gene là đề tài tranh luận của giới khoa học trong thời gian gần đây và có một làn sóng mạnh mẽ phản đối sử dụng GMO trong ngành công nghiệp thực phẩm cũng như thực phẩm chức năng bởi những tác hại của chúng đối với sức khỏe con người và môi trường.

Bạn biết được bao nhiêu phần trăm về thực phẩm biến đổi gene? Cùng Health+ tìm hiểu nhé!

1. Nguồn gốc của thực phẩm biến đổi gene

Theo GS.TS Shahla Wunderlich - chuyên gia về khoa học sức khỏe và dinh dưỡng tại Đại học bang Montclair (Mỹ), thực phẩm biến đổi gene là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực trước tình hình dân số thế giới tăng vọt. Sở dĩ như vậy vì thực phẩm biến đổi gene có các ưu điểm sau:

- Chống sâu bệnh, cỏ dại - những nguyên nhân hàng đầu làm giảm sản lượng lương thực, trong khi việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ trong sản xuất nông nghiệp có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người và gây ô nhiễm môi trường.

- Chịu được lạnh, hạn và mặn: Tạo ra những giống cây có khả năng sinh trưởng tốt ở vùng đất khô hạn, độ mặn cao hay khí hậu lạnh giá sẽ giúp tăng năng suất. Chẳng hạn như đưa loại gene chống lạnh của cá nước lạnh vào cây khoai tây sẽ giúp cây chịu được nhiệt độ thấp trong khi thông thường, mầm cây sẽ chết trong nhiệt độ này.

- Giàu dưỡng chất.

- Dược - thực phẩm: Vaccine và thuốc chữa bệnh thường có giá thành cao. Vì vậy, các nhà khoa học đang tìm cách tạo ra loại vaccine chứa trong khoai tây, táo hay cà chua, vừa dễ vận chuyển, bảo quản và kiểm soát hơn các loại vaccine tiêm truyền thống. Có loại thực phẩm biến đổi gene tạo ra được insulin sử dụng trong điều trị bệnh đái tháo đường.

2. GMO liệu có an toàn?

Chắc hẳn khi đọc tới đây bạn sẽ thắc mắc rằng thực phẩm biến đổi gene ưu việt và nhiều lợi ích tại sao lại bị nhiều người "ghét bỏ" như vậy? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây.

Thực phẩm biến đổi gene bắt đầu được bán trên thị trường từ những năm 90. Mặc dù vậy, các nhà khoa học vẫn chưa đủ bằng chứng để kết luận rằng việc sử dụng thực phẩm biến đổi gene có an toàn hay không. 

"Có hai điều mà người ta thường truyền tai nhau về GMO, thứ nhất là GMO gây dị ứng ở một số người, thứ hai là GMO có thể gây ung thư. Tuy nhiên, bằng chứng cho cả hai quan điểm này cho tới nay vẫn nằm ở con số 0", GS.TS Wunderlich cho biết. Hầu hết các nghiên cứu trước đó về tác động của GMO đều được tiến hành trên động vật chứ không phải con người, các con vật được ăn thực phẩm biến đổi gene và cho ra những kết quả mâu thuẫn. Năm 2012, các nhà khoa học Pháp công bố rằng nghiên cứu của họ cho thấy một loại ngô biến đổi gene có thể gây khối u ở chuột. Sự kiện này khơi mào cho một cuộc tranh cãi về GMO, làn sóng tẩy chay ngày càng dữ dội. Tuy nhiên, sau đó, kết quả nghiên cứu này được trích đăng lại trên Tạp chí Food and Chemical Toxicology và nhấn mạnh rằng kết quả không thể được công nhận, mặc dù không có sự gian lận hoặc sai sót về dữ liệu.

Cho tới nay, tính an toàn của GMO vẫn còn là chủ đề tốn không ít giấy mực của các nhà khoa học và báo giới.

3. GMO và non-GMO (thực phẩm không biến đổi gene)

Ở Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp các khu vực bán thực phẩm không biến đổi gene, thường được dán nhãn "non-GMO". Tuy nhiên, rất khó để có thể thấy được điều ngược lại: Các thực phẩm có thành phần biến đổi gene được ghi nhãn. Nhiều tổ chức bảo vệ môi trường, con người đã đấu tranh để thay đổi thực trạng này, và họ đã đạt được một vài thành công nhất định. Năm 2014, bang Vermont đã thông qua Luật dán nhãn GMO, dự kiến bắt đầu có hiệu lực vào tháng 7/2016. Trong khi đó, Hạ viện Mỹ lại thông qua một Dự luật cho phép, nhưng không bắt buộc các công ty phải ghi nhãn thành phần biến đổi gene trong sản phẩm của họ. Nếu được Thượng viện Mỹ thông qua và ký thành Luật thì nỗ lực áp dụng Luật dán nhãn GMO của bang Vermont sẽ bị thất bại. Khi đó, thành phần biến đổi gene tiếp tục được giấu kín trong một bức màn bí ẩn và người tiêu dùng vẫn sẽ gặp khó khăn trong việc tránh GMO.

Nếu bàn về việc ghi nhãn GMO, Mỹ có vẻ "tụt hậu" hơn so với 64 quốc gia trên thế giới - những nơi đã quy định ghi nhãn GMO. Đơn cử như Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu ghi nhãn GMO trong hơn một thập kỷ qua. ""Khi nói đến GMO, các quốc gia này cẩn thận hơn và có quy định rõ ràng hơn", GS.TS Wunderlich nhận định. Khi một thành phần biến đổi gene được liệt kê trên thực phẩm đóng gói, nó phải được bắt đầu bằng những từ "biến đổi gen" (genetically modified), trừ các thực phẩm có thành phần biến đổi gene dưới 0,9%. Tuy nhiên, chính sách này cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, theo một bài báo mới đăng trên Tạp chí Trends in Biotechnology, các nhà nghiên cứu Ba Lan lập luận rằng luật ghi nhãn GMO của EU "cản trở sự đổi mới của nền nông nghiệp".

Kim Chi H+ (Theo Shape)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất