Những vấn đề nổi bật của ngành y tế 2015

Ngành Y tế 2015 với rất nhiều biến động

600.000 bác sỹ yêu cầu chấm dứt bạo lực với ngành y tế

Bộ Y tế cam kết thay đổi toàn diện bộ mặt ngành y

Đến đón tiếp niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo

Bộ trưởng Bộ Y tế “bắt bệnh” mạn tính của ngành y

Cùng điểm lại những vấn đề nóng của ngành Y tế trong năm 2015.

1. Thực thi nhiều chính sách mới thiết thực

Lần đầu tiên tại bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân điều trị nội trú được nằm mỗi người một giường

2015 có thể xem là năm ngành y tế có nhiều chuyển biến tích cực, thay đổi toàn diện từ chất lượng đến dịch vụ. Điển hình nhất là kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” (bao gồm công chức, viên chức, người lao động tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn quốc)”; ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép của hơn 40 bệnh viện; thiết lập và kiểm tra liên tục, chặt chẽ hoạt động đường dây nóng tại các bệnh viện.

Đặc biệt, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Bộ luật Dân sự sửa đổi, trong đó cho phép các cá nhân có quyền xác định lại giới tính, chuyển đổi giới tính.

Một chính sách đáng chú ý là Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 với nhiều điểm mới trong đó người dân được giảm trừ dần mức đóng; thanh toán 100% khi có thời gian tham gia bảo hiểm 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở… giúp gánh nặng do viện phí tăng theo lộ trình vào năm 2016 sẽ được giảm bớt.

2. Thực hiện thành công ca ghép tạng xuyên Việt

Một trong 2 bệnh nhân của ca ghép tạng xuyên Việt

Ghép tạng tại Việt Nam không mới nhưng việc vận chuyển tạng xuyên Việt và ghép thành công cho hai bệnh nhân mắc bệnh tim và gan thực sự là một sự kiện đáng chú ý của ngành y tế năm nay. Nó cho thấy sự phối hợp của các bên liên quan và khả năng thao tác nhanh, chính xác của các bác sĩ Việt trong một ca mổ mà thành công của nó được tính bằng phút.

Đây là ca ghép đặc biệt, bởi thời gian chuẩn bị quá ngắn, chỉ trong vòng 1 ngày. Các bác sĩ cũng phải sáng tạo hơn trong khâu bảo quản quả tim do quãng đường vận chuyển quá dài (gần 7 tiếng). Theo quy chuẩn vận chuyển của Thế giới, cứ 4, 5 tiếng sẽ bơm dung dịch bảo vệ cơ tim một lần. Nhưng với quả tim này thì 2 tiếng đã phải bơm dung dịch một lần vì thời gian vẩn chuyển tiệm cận với thời gian tối đa cho phép của quốc tế.

Với ca ghép tạng đặc biệt có hành trình vận chuyển tạng dài nhất từ trước tới nay này (từ bệnh viện Chợ Rẫy - TPHCM ra bệnh viện Việt Đức – Hà Nội), trình độ ghép tạng của các bác sĩ Việt Nam được khẳng định ngang tầm thế giới.

3. Những sự cố liên quan đến vaccine

Vaccine là một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất của ngành Y trong năm 2015

Trong năm 2015 đã có 11 ca tử vong sau tiêm vaccine Quinvaxem. Mặc dù đa số các ca này được Cơ quan chức năng khẳng định là không liên quan với loại vaccine này nhưng thực tế, nhiều bậc phụ huynh đã không tin tưởng vào Quinvaxem.

Cùng với đó là tình trạng khan hiếm vaccine dịch vụ suốt trong năm 2015 đã đẩy giá vaccine dịch vụ lên gấp 6-10 lần so với giá gốc, kéo phong trào đưa con ra nước ngoài tiêm chủng cũng trở nên rầm rộ hơn.

Và cơn khát vaccine dịch vụ lên đến đỉnh điểm khi vaccine 5 trong 1 Pentaxim chính thức được nhập về vào cuối tháng 12 khiến các điểm tiêm chủng trở thành điểm nóng. Hàng trăm phụ huynh đã đội mưa, đứng từ chiều tới đêm, từ đêm tới sáng tại cổng các điểm tiêm chủng và rồi phẫn nộ khi điểm tiêm chủng huỷ kế hoạch tiêm chủng.

Các cơ quan chức năng đã phải họp bàn khẩn cấp để tìm phương án đăng ký tiêm chủng công bằng, an toàn. Cho đến nay chưa phương án nào thực sự khả thi khi sự cố nghẽn mạng đang khiến nhiều bậc phụ huynh đăng ký tiêm cho con qua website điện tử (Hà Nội), qua tổng đài 1080 (TP.HCM) bức xúc.

4. Dịch sốt xuất huyết diễn biến bất thường

Tính đến tháng 10 năm 2015 (giai đoạn đỉnh dịch) đã có 40.000 người mắc với 25 ca tử vong tăng gấp hơn 4 lần so với năm 2014 (hơn 9.000 ca mắc, 5 ca tử vong)

Mặc dù Bộ Y tế đã nhận định tình hình sốt xuất huyết năm 2015 sẽ tăng cao do chu kỳ dịch “đến hẹn lại lên” và sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế ngay từ đầu năm nhưng do nhiều yếu tố, từ thời tiết ấm bất thườn, ý thức của người dân chưa cao đã khiến dịch sốt xuất huyết xuất hiện ở hầu hết khắp các tỉnh thành trên cả nước, từ Bắc vào Nam, hoành hành tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM và kéo dài cả trong những thời điểm vốn không phải là điều kiện lý tưởng để muỗi gây sốt xuất huyết có thể phát triển.

5. Sẽ có 10 trẻ chào đời nhờ luật cho phép mang thai hộ

Ngay sau khi sửa đổi luật Hôn nhân và gia đình có hiệu lực vào tháng 3 vừa qua , Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia đã nhận được gần 100 hồ sơ đề nghị được hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp mang thai hộ.

Và theo dự kiến, đến tháng 2/2016,10 trẻ đầu tiên thụ thai nhờ mang thai hộ sẽ chào đời tại Trung tâm này. Đây là 10 trẻ đầu tiên của cả nước ra đời bằng phương thức này sau khi Luật Hôn nhân và Gia đình có hiệu lực.

6. PGS.TS Nguyễn Văn Thạch đoạt giải nhất Nhân tài Đất Việt

PGS.TS Nguyễn Văn Thạch (đứng giữa, thứ 9 từ trái sang) trong niềm vui nhận giải thưởng Nhân tài Đất Việt

Đề tài Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật cao trong phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống do Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, Viện trưởng viện Chấn thương chỉnh hình, Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống bệnh viện hữu nghị Việt Đức làm chủ, đã giành Giải Nhất Nhân tài đất Việt trong lĩnh vực Y dược năm 2015.

Giải thưởng này không chỉ có ý nghĩa với ngành y tế mà còn thắp lên niềm hy vọng cho hàng vạn bệnh nhân mắc chứng thoát vị đĩa đệm. Bởi trước đây, bị thoát vị đĩa đệm, người bệnh ngại đến cơ sở y tế mà thường điều trị “lang vườn”, ngại động vào mổ xẻ vì những lời đồn thổi mổ cột sống tỷ lệ thành công là 50 - 50.

Trăn trở trước những băn khoăn, lo lắng của người bệnh đến mức cắn răng chịu đau đớn (bởi thời điểm cách đây gần 10 năm, các phẫu thuật cột sống còn rất hạn chế) TS Thạch là người tiên phong đi học ở nước ngoài, tổ chức các lớp học trong nước do chuyên gia nước ngoài trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, thực hiện ngay trên bệnh nhân. Nhờ thế, Việt Nam là một trong các quốc gia trong khu vực áp dụng sớm nhất các kỹ thuật mổ cột sống, thoát vị đĩa đệm tiên tiến.

7. Hàng loạt các ca ngộ độc thực phẩm tập thể

Một vụ ngộ độc thực phẩm lớn trong năm 2015

Trong 10 tháng năm 2015, cả nước ghi nhận 150 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 4.077 người bị ngộ độc, 21 người tử vong. Trong số đó, riêng bếp ăn tập thể có 33 vụ, làm 2.302 người ngộ độc, 2.268 người đi viện. Trong đó, có 70% vụ ngộ độc do cơ sở cung cấp thức ăn sẵn (đặt dịch vụ) không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình vận chuyển, bảo quản thức ăn và 30% do bếp ăn tại chỗ.

Chỉ tính riêng trong tháng 10 (25/9 - 25/10), cả nước liên tiếp xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 813 người ngộ độc và đi viện. Trong đó có tới 7 vụ ngộ độc tập thể.

Mới nhất là vụ hơn 500 công nhân làm việc tại một khu công nghiệp của Hải Phòng phải nhập viện vào cuối tháng 12.

Trước vụ việc trên và nhiều vụ việc khác đã diễn ra trong năm 2015, Chủ tịch công đoàn, ông Đặng Ngọc Tùng, cho biết sẽ bỏ phiếu thông qua nghị quyết tổ chức công đoàn được quyền khởi kiện doanh nghiệp để xảy ra ngộ độc thực phẩm bắt đầu từ năm 2016.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn