Để hết bị tiêu chảy mỗi khi uống sữa

Nếu cơ thể bất dung nạp lactose, uống sữa sẽ dễ bị đầy bụng

Infographic: Chứng bất dung nạp lactose

Người cao tuổi có nên uống sữa tươi không?

Có nên cho trẻ uống sữa thay cơm?

Đi bơi đề phòng... tiêu chảy

Ở tuổi 41, chị Nguyễn Thảo Đông (Từ Liêm, Hà Nội) rất lo lắng sẽ bị loãng xương khi cận kề tuổi mãn kinh nên muốn uống sữa để bổ sung calci cho xương chắc khỏe. Tuy nhiên, chị Đông lại gặp trở ngại vì từ nhỏ đến giờ, mỗi lần uống sữa chị đều bị đi ngoài.

Cũng giống như chị Đông, chị Kim Thư (Q.3, TP.HCM) chia sẻ, mỗi khi uống sữa dê hay bò vào chị luôn cảm thấy rất khó chịu và có biểu hiện đầy bụng, khó tiêu, có cảm giác lâng lâng, mệt mỏi. Vì thế, khi được chẩn đoán có hiện tượng loãng xương, chị đã rất khổ sở khi phải tập uống sữa calci hàng ngày. Tiền bỏ ra mua sữa chị không tiếc, chỉ tiếc bao cố gắng đều thành công cóc. Dù đã được bác sỹ dinh dưỡng tư vấn cách dùng tốt nhất nhưng sau hơn 1 tháng tập uống sữa calci, chị vẫn bị rơi vào tình trạng đầy bụng, đi ngoài mỗi khi uống.

Bất dung nạp lactose

BS. Doãn Thị Tường Vy - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198, cho biết, những trường hợp như chị Thảo Đông và chị Kim Thư đều là do cơ thể không thu được đường lactose có trong sữa.

Lactose là một dạng đường có trong sữa động vật, khi vào đến ruột nó sẽ chia thành đường glucose và galuctose nhờ vào men lactase được sản xuất từ niêm mạc ruột non. Hai loại đường này hấp thụ vào máu để sản sinh ra năng lượng cung cấp cho cơ thể. Trường hợp người không dung nạp đường lactose thực chất là do cơ thể thiếu men lactase để tiêu hóa đường lactose có trong sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa.

Men lactase luôn có trong cơ thể mỗi người từ sau khi sinh và tồn tại đến khoảng 5 - 7 tuổi. Sau độ tuổi này, men lactase sẽ giảm dần, đặc biệt ở người châu Á. Theo bác sỹ Tường Vi, những người đã quen dùng sữa từ bé khi trưởng thành sẽ ít gặp phải hiện tượng đầy bụng, đi ngoài khi dùng sữa hơn những người không có thói quen uống sữa từ trước.

Ngoài ra, hiện vẫn còn nhiều người lầm tưởng trường hợp không dung nạp đường lactose với hiện tượng cơ thể bị dị ứng với sữa. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là một sai lầm. Bởi khi bị dị ứng với sữa cũng như với bất cứ loại đồ ăn, thức uống, loại thuốc nào đó… hệ miễn nhiễm trong cơ thể sẽ bài tiết ra những phản ứng có thể gây nguy hiểm với tính mạng người dùng cho dù chúng ta chỉ nạp vào cơ thể số lượng ít.

Trái lại, việc không dung nạp lactose không liên quan đến hệ miễn nhiễm. Hiện tượng trướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy thường xảy ra khoảng 15 phút đến vài giờ sau khi uống hoặc ăn các sản phẩm từ sữa có chứa đường lactose.

Chỉ vì cơ thể thiếu men lactase để tiêu hóa lactose nên lactose sẽ vẫn di chuyển trong đường ruột nhưng không được hấp thụ. Di chuyển đến đâu nó sẽ rút nước vào lòng ruột đến đó. Tại ruột già, đường lactose lên men do một loại vi khuẩn cộng sinh tạo ra acid và sinh khí hydro. Nếu cơ thể càng sản xuất nhiều khí hydro sẽ càng làm cho đầy bụng, trướng hơi kết hợp với nước trong lòng ruột tạo cảm giác đầy hơi và trong nhiều trường hợp là tiêu chảy.

Bác sỹ Tường Vy cũng cho biết, chia theo độ tuổi, có đến 46% người mắc chứng bất dung nạp lactose từ 50 tuổi trở lên. Các nghiên cứu cũng cho thấy không có sự khác biệt giới tính ở chứng này, nhưng nếu bố mẹ bị thì chắc chắn con cái cũng không tránh khỏi.

Lượng lactase trong cơ thể phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: Di truyền, bệnh tật, sau giải phẫu ruột non, bị nhiễm HIV, nghiện rượu, tiêu chảy cấp tính do nhiễm trùng, do dùng kháng sinh… Những người bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, suy dinh dưỡng hay phẫu thuật từ niêm mạc ruột non cũng bị thiếu men lactase.

Để hết khó chịu khi uống sữa

Bị tiêu chảy hay đầy hơi do uống sữa không phải hiện tượng đáng lo ngại. Bác sỹ Tường Vy đã đưa ra lời khuyên dành cho những trường hợp này như sau:

Chia nhỏ lượng sữa: Cách xử lý đơn giản nhất là giảm lượng sữa uống hoặc uống từng ít một để cơ thể làm quen dần với sữa. Đồng thời, bạn có thể pha sữa với nước cháo, uống sữa sau khi ăn để tránh bị tiêu chảy.

Dùng sữa chua: Với những trường hợp cơ thể bất dung lactose, bạn có thể dùng sữa chua trong 3 - 6 tuần. Nhờ quá trình lên men của sữa chua, đường lactose trở nên dễ hấp thụ hơn, làm giảm các biểu hiện khó dung nạp, đồng thời giúp cho cơ thể dễ dàng hấp thu calci cùng một số khoáng chất khác. Sau khoảng thời gian này, bạn có thể dùng sữa tươi trở lại.

Thay thế sữa: Để tránh hiện tượng uống sữa bị khó tiêu, đi ngoài, bạn có thể thay thế sữa bằng cách uống sữa đậu nành hoặc sữa gạo. Các loại sữa này cung cấp nhiều vitamin và muối khoáng cho cơ thể, tuy nhiên lượng calci không cao bằng sữa bò.

Uống lactase: Sử dụng men lactase thông qua đường uống trước khi uống sữa. Lactase được bán tại các hiệu thuốc dưới dạng thuốc nước hoặc dạng viên, dạng con nhộng. Đồng thời bổ sung các chế phẩm men vi sinh cũng là một phương pháp chống lại hiện tượng bất dung nạp lactose.

Những thực phẩm không nên dùng với sữa

Qu‎ýt: Không nên ăn qu‎‎ýt cũng như các loại quả có vị chua trước và sau khi uống sữa, bởi protein sẽ kết tủa với acid có trong quả này làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thụ sữa.

Chocolate: Sữa chứa hàm lượng calci và protein dồi dào còn trong chocolate lại có acid oxalic. Khi các thành phần này kết hợp với nhau sẽ tạo thành calcium oxalate không hòa tan, hợp chất cản trở quá trình hấp thụ calci vào cơ thể.

Đường: Lysine có trong sữa nóng và đường nếu kết hợp với nhau sẽ tạo ra hợp chất fructose lysine chứa độc tố, gây hại cho sức khỏe.

Nước ép hoa quả: Nếu pha quá nhiều nước ép hoa quả với sữa sẽ khiến chất casein bị ngưng tủa, gây khó khăn cho quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Dinh dưỡng