Tỷ lệ gia tăng bệnh đái tháo đường ở Việt Nam cao nhất thế giới

Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên trong buổi hội thảo “Bệnh đái tháo đường trong mối quan tâm về y tế toàn cầu” do Bộ Y tế và Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức ngày 29/5, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Xuyên chia sẻ, Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia thu nhập trung bình và thấp sẽ phải chịu nhiều tác động lớn của căn bệnh đái tháo đường, đặc biệt là tại các thành phố lớn và khu công nghiệp. Rất nhiều người bệnh và gia đình cũng như các cơ sở y tế đang phải chịu những gánh nặng về kinh tế do chi phí rất lớn để điều trị căn bệnh này”.

Bà Xuyên cũng cho biết: “Bộ Y tế Việt Nam đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống bệnh đái tháo đường từ năm 2008.”


Theo thống kê trong 10 năm qua, số bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường ở nước ta tăng 211%, Việt Nam nằm trong số quốc gia có tốc độ tăng bệnh nhân đái tháo đường cao nhất thế giới. Nghiên cứu tại các địa phương cho thấy, toàn quốc hiện có khoảng 5 triệu bệnh nhân đái tháo đường, điều đáng nói là cứ 10 ca đái tháo đường thì có 6 ca được chẩn đoán là có biến chứng cực kỳ nguy hiểm, có thể dẫn tới mù lòa, tàn phế, thậm chí là tử vong.


Bệnh đái tháo đường không được điều trị hoặc điều trị kém làm tăng nguy cơ gặp các biến chứng nghiêm trọng. Do các biến chứng này, người bị bệnh đái tháo đường có nguy cơ tử vong sớm cao hơn gần gấp 2 lần so với những người không bị bệnh đái tháo đường. Bệnh đái tháo đường đã gây ra 5,1 triệu trường hợp tử vong trên toàn cầu vào năm 2013, trong đó 1,9 triệu người ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, khoảng 150 người tử vong do các nguyên nhân liên quan đến bệnh đái tháo đường mỗi ngày, tương đương với 54.943 trường hợp tử vong của người trưởng thành mỗi năm.


Theo các chuyên gia y tế, chính thói quen sinh hoạt không khoa học đã và đang làm tăng số lượng người thừa cân, béo phì, kéo theo gánh nặng bệnh đái tháo đường ở Việt Nam cũng như trên phạm vi toàn cầu. Và ở Việt Nam, "mới chỉ có 33,4% bệnh nhân đái tháo đường được chẩn đoán, nhưng 56,3% bệnh nhân được chẩn đoán lại chưa được điều trị, đồng thời tỉ lệ bệnh tăng nhanh 5,5%", PGS.TS Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam.


Đại sứ Đan Mạch John Nielsen cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với các sáng kiến nhằm phòng và điều trị bệnh đái tháo đường: “Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ gia tăng đái tháo đường cao nhất thế giới. Căn bệnh này đã và đang ảnh hưởng tới mọi nhóm người và mọi lứa tuổi trong xã hội. Chúng tôi đánh giá cao vai trò chủ động của Bộ Y tế trong việc phòng và điều trị bệnh đái tháo đường – một vấn đề y tế nghiêm trọng ở Việt Nam”.

Và hội thảo này chính là dịp chia sẻ các ý kiến của các chuyên gia quốc tế về bệnh đái tháo đường, các vấn đề y tế toàn cầu cũng như chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam và quốc tế trong việc phòng chống và điều trị bệnh đái tháo đường. Qua đó nhằm tìm ra các khả năng hợp tác trong việc cải thiện công tác chăm sóc bệnh đái tháo đường.

Chương trình chăm sóc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam (VDCP) được thực hiện trong 3 năm (2013 – 2015), là chương trình hợp tác công tư nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam. Các đối tác của chương trình gồm có Bộ Y tế, Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam (VADE), các bệnh viện hàng đầu trên toàn quốc… tập trung vào 5 mục tiêu hành động rõ ràng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh đái tháo đường, tăng số lượng bác sỹ được đào tạo về chăm sóc bệnh đái tháo đường, thu nhập dữ liệu về tình trạng chăm sóc bệnh đái tháo đường hiện tại, cải thiện cơ sở hạ tầng chăm sóc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam và cải thiện chăm sóc bệnh đái tháo đường ở trẻ em và phụ nữ mang thai.



linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn