Nhiều người bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim do lạnh kỷ lục

Trời lạnh khiến nhiều người phải nhập viện

Biến chứng nguy hiểm của viêm phổi ở người cao tuổi

Bệnh viêm phổi: Trẻ không tha, già không thương

9 cách giữ ấm cơ thể khi đi ngoài đường lạnh dưới 10 độ C

Cách giữ ấm trong thời tiết lạnh giá

Ông Nguyễn Ngọc Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mấy ngày rét đậm vừa qua, số bệnh nhân đến viện do các bệnh liên quan đến thời tiết lạnh đột ngột như tăng huyết áp, đột quỵ, tim mạch… có xu hướng tăng lên, có cả nhiều người trẻ, có thể nghĩ mình còn trẻ khỏe nên chủ quan. 45 giường bệnh khoa Hồi sức tích cực kín bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính vào đợt cấp, viêm phế quản mạn tính. Tại khoa Cấp cứu, các bác sỹ luôn chân tay làm việc vì liên tục có bệnh nhân chuyển đến. 

Tại khoa Nhi, số trẻ đến khám xu hướng tăng lên trong mấy ngày rét đậm, chủ yếu do các bệnh hô hấp, trong đó chủ yếu là trẻ nhỏ. Có bé hơn một tháng tuổi mới bị ho, khó thở, khò khè vào cấp cứu đã bị viêm phổi

Theo ông Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai, hơn 20 bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, tăng đột biến do thời tiết lạnh đột ngột. Những trường hợp này hay gặp ở người già, có người đang trong chăn ấm dậy đi tiểu, gặp lạnh mạch máu co lại đột ngột dẫn đến tai biến.

Khi trời rét, các mạch máu co lại khiến huyết áp tăng, các biến chứng có thể xảy ra. Bên cạnh đó kèm thêm các yếu tố khác như đột ngột ra khỏi chăn ấm, gặp cơn gió lạnh, đi tiểu..., tất cả đều làm cơ thể bị mất thêm nhiệt. Chính sự thay đổi đột ngột đó của cơ thể khiến các mạch máu co lại, huyết áp càng tăng. Khi đó với những người vốn bị bệnh tim mạch thì các biến chứng như vỡ mạch máu trong não, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim... xuất hiện nhiều hơn. 

Số trẻ đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai trong 3 ngày rét đậm có xu hướng tăng lên, có nhiều trẻ dưới 6 tháng tuổi đã bị viêm phổi. Ảnh: N.Phương.  

Từ giữa tháng 12, khi dự báo có những đợt không khí lạnh bất thường, Bệnh viện Bạch Mai đã có kế hoạch phòng chống giá rét. Bệnh viện tiến hành bảo dưỡng, trang bị thêm điều hòa 2 chiều tại những khu vực quan trọng như khoa nhi, nhà đẻ, cấp cứu, hồi sức tích cực… Đồng thời sửa chữa lại nhà cửa, thay kính bị nứt vỡ, đảm bảo kín gió; Cung cấp thêm chăn, ga đệm cho bệnh nhân đảm bảo đủ ấm. Người nhà cũng được phép mang chăn, đệm vào; Trong trường hợp đặc biệt, nguồn điện đảm bảo có thể cho mang quạt sười, lò sưởi vào trong buồng bệnh.

Bà Vũ Thị Sàng, 67 tuổi, quê Ý Yên, Nam Định - chăm chồng đang nằm khoa Cấp cứu đắp cả 2 chăn để đối phó với trời rét đậm những ngày vừa qua. Ảnh: N.Phương

Dự báo trong những ngày tới, miền Bắc vẫn tiếp tục lạnh, nhiều nơi vẫn rét âm độ. Vì thế, các bác sỹ khuyến cáo, khi đi ra ngoài đường trong thời tiết lạnh thì phải mặc đủ ấm, mặc áo nhiều lớp mỏng để giữ thân nhiệt ổn định, có thể dễ dàng cởi ra lúc nóng, thích hợp thời điểm thời tiết thay đổi. Chú ý giữ ấm đầu, cổ, ngực và bàn chân. Tránh đi ra ngoài vào ban đêm và thay đổi tư thế đột ngột, tránh gió lùa. Khi ngủ dậy cần ra khỏi giường một cách từ từ, đồng thời mặc đủ quần áo ấm; Không nên dậy vào lúc 4 - 5h sáng vì lúc đó huyết áp hay tăng. 

Những người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạn tính rất cần các hoạt động thể lực. Vì thế dù trong thời tiết lạnh vẫn cố gắng duy trì tập đều đặn. Cần chú ý có giai đoạn khởi động hợp lý, đặc biệt là giai đoạn làm nóng cơ thể, sau đó bỏ bớt đồ và duy trì các bài tập thường xuyên. Những hôm trời mưa, rét đậm như mấy ngày vừa qua thì nên tập trong nhà, không nên tập thể dục ngoài trời trước 6h30 sáng để tránh bị nhiễm lạnh.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn