Triệu chứng vẩy nến ở phụ nữ có thể thay đổi do hormone?

Sự thay đổi hormone có thể tác động tới triệu chứng bệnh vẩy nến ở phụ nữ?

Bệnh vẩy nến trong thời kỳ mang thai

Theo nghiên cứu xuất bản tháng 5/2005, các nhà khoa học đã theo dõi mức độ triệu chứng bệnh vẩy nến và kiểm tra sự thay đổi của hormone progesterone, estrogen ở phụ nữ mang thai và phụ nữ không mang thai.

Trong số 47 người phụ nữ mắc bệnh vẩy nến khi mang thai, 55% thấy bệnh thuyên giảm trong thai kỳ và 23% thấy bệnh nặng lên. Số còn lại không thấy sự thay đổi nào. Nghiên cứu còn tìm ra rằng, tình trạng da sẽ tốt hơn nếu hormone estrogen cao hơn.

Sự thay đổi của da cũng có thể xảy ra sau khi sinh. Thường thì những phụ nữ có tình trạng da cải thiện khi mang thai sẽ bị các vết ửng đỏ sau sinh. Mặt khác, những phụ nữ có bệnh ngoài da trở nặng trong thời kỳ mang thai sẽ thấy tình trạng da cải thiện sau khi sinh.

Bà Kristina Callis Duffin, Giáo sư về bệnh da liễu tại Đại học Utah (TP. Salt Lake, Hoa Kỳ) cho biết, trong số các bệnh nhân mà bà theo dõi, những người có tình trạng da cải thiện khi mang thai lần đầu, lần mang thai tiếp theo cũng sẽ xảy ra tương tự. Những người có bệnh ngoài da trở nên nặng hơn trong kỳ mang thai trước cũng sẽ bị tình trạng tương tự như vậy trong kỳ mang thai tiếp theo.

Theo GS. Duffin, những người có bệnh vẩy nến cải thiện trong khi mang thai thường mang gene chính của bệnh  vẩy nến.

Một số thuốc điều trị vẩy nến sẽ không thể được sử dụng trong khi mang thai vì nó có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Nếu bạn đang mang thai hoặc có dự định mang thai, hãy hỏi ý kiến bác sỹ da liễu để nhận được phương pháp điều trị hiệu quả và an toàn.

Bệnh vẩy nến khi mãn kinh

Lượng hormone estrogen cao trong kỳ mang thai có thể giúp cải thiện triệu chứng bệnh vẩy nến. Điều này khiến nhiều phụ nữ nghĩ sự giảm estrogen khi bước vào giai đoạn mãn kinh sẽ gây nên bệnh vẩy nến.

Theo một khảo sát được công bố tháng 11/2013, sự giảm estrogen khi mãn kinh có vẻ như là một yếu tố quan trọng gây nên và làm bệnh vẩy nến nặng hơn.

Nghiên cứu cho thấy sự thay đổi hormone khi mãn kinh có thể làm triệu chứng bệnh vẩy nến thêm trầm trọng 

Một nghiên cứu khác được công bố tháng 5/2016 trên Tạp chí Da liễu đã khảo sát mối liên hệ giữa chỉ số khối cơ thể (BMI) và bệnh vẩy nến. Các nhà khoa học phát hiện tình trạng da sẽ trở nên tệ hơn đổi với những người phụ nữ có chỉ số BMI trên 60 và sự thay đổi hormone cũng là một trong các nguyên nhân góp phần gây ra tình trạng.

Trong các nghiên cứu riêng của mình, GS. Duffin không nhận thấy mối liên hệ nào giữa thời kỳ mãn kinh hay thuốc tránh thai tác động đến các triệu chứng bệnh vẩy nến. Kể cả việc sử dụng liệu pháp hormone thay thế sau mãn kinh cũng không cải thiện được gì.

Lý do các kết quả nghiên cứu không rõ ràng bởi có rất nhiều yếu tố có thể gây nên sự thay đổi của bệnh vẩy nến. Yếu tố nổi bật nhất là sự căng thẳng, vì nó thường hay xảy ra khi mang thai, sau sinh và mãn kinh.

Điều trị ở các giai đoạn khác nhau

Liệu pháp điều trị vẩy nến phải luôn được thay đổi phụ thuộc vào tình trạng da của bạn, bất kể là khi bạn mới được chẩn đoán bệnh hay giai đoạn cuối của bệnh.

Việc điều trị bằng thuốc uống hay điều trị ngoài da đều có khả năng ảnh hưởng đến người phụ nữ và thai nhi. Cho dù một số phương pháp điều trị có vẻ an toàn, ví dụ như điều trị bằng tia cực tím B, các lựa chọn phải được dựa trên tình trạng sức khỏe bệnh nhân, sự quyết định của bác sỹ da liễu và bác sỹ sản khoa.

Đối với phụ nữ đang trải qua thời kỳ mãn kinh, GS. Duffin sử dụng cùng các liệu pháp cho tất cả những ai có triệu chứng ửng đỏ da của bệnh vẩy nến, bao gồm điều trị ngoài da, thuốc uống hay chiếu xạ.

Đối với bệnh vẩy nến, chúng ta không thể dự đoán trước được da của bệnh nhân sẽ phản ứng ra sao với những độ tuổi khác nhau, nhưng nếu như có sự hiểu biết và cho bác sỹ biết về lựa chọn điều trị sẽ giúp có được biện pháp khắc phục hiệu quả nhất.

M. Hiếu H+ (Theo MedicalNewToday)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Da liễu