Trẻ chậm nói – chưa chắc đã tự kỷ!

Nhiều trẻ 3 tuổi chưa biết nói có thể do rối loạn phát triển ngôn ngữ (Ảnh minh họa)

Trẻ chậm nói: Cha mẹ phải làm sao?

Con chậm nói: Lời “tự thú” của mẹ!

Dấu hiệu phát hiện trẻ chậm nói

Vì sao con tôi chậm nói?

Bé chậm nói: Có thể do bệnh lý

Nhìn những đứa trẻ cùng lứa tuổi bi bô rôm rả: “Mẹ dẫn con đi chơi”; “Mẹ đi đâu đấy?”; “Con đói”… chị V. – vợ anh H. – thấy não cả lòng. Bé nhà chị, sinh ra đủ ngày đủ tháng, nặng 3,5kg, ăn uống ngủ nghỉ tốt, vẫn cười khi hài lòng và khóc lóc khi không vừa ý, vẫn chạy nghịch như bình thường, nhưng lại chẳng hề nói năng gì cả. Chồng trách móc, gia đình, hàng xóm xì xào, vừa khổ tâm, vừa sốt ruột, chị V. mới đưa con đi khám.

Sau quá trình thăm khám, thạc sỹ tâm lý Kiều Thanh Hà – Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, trẻ 3 tuổi nhưng vẫn chưa nói được, không hẳn đã bị tự kỷ. Nhiều trường hợp chậm nói không phải do bệnh lý tổn thương não gây ra, có thể do trẻ bị tổn thương dây thanh, bị điếc hoặc do kỹ năng ngôn ngữ của trẻ chưa phát triển.

Thạc sỹ Thanh Hà cho biết thêm, với trẻ dưới 3 tuổi, điều quan trọng không phải là bé có nói hay không mà bé có thể hiểu được những mệnh lệnh khi giao tiếp với người khác. Chẳng hạn như, dù bé chưa biết nói, nhưng khi bạn nói lấy cái này hay cái kia bé vẫn phân biệt được, nói bé không nghịch nữa, bé vẫn biết và nghe lời.

Dấu hiệu nhận biết trẻ chậm nói bình thường

Để phân biệt trẻ chậm nói bình thường hay bất thường, bạn có thể chú ý đến sự phát triển về tâm vận động của trẻ theo độ tuổi.

Trẻ 12 – 15 tháng đã bắt đầu đi được một mình do tiểu não dần dần hoàn thiện chức năng, trẻ biết tranh giành đồ chơi, nghe và làm theo các chỉ dẫn hoặc động tác đơn giản.

Trẻ 18 tháng biết chạy vững, bò được lên cầu thang, đi vệ sinh biết gọi, tự xúc thức ăn.

Trẻ 21 tháng biết bước xuống cầu thang, biết tự rửa tay.

Trẻ 24 tháng biết tự mặc quần áo, phân biệt được nơi chốn, địa điểm, con vật, màu sắc…

Nhận thức của trẻ cũng phong phú và hình tượng hóa. Trẻ nhận biết được ông bà, bố mẹ, cô dì, chú bác, người quen, người lạ, biết vẫy tay tạm biệt, bỏ rác vào thùng, cất đồ chơi đúng chỗ…

Nếu bé biểu hiện những yếu tố trên nhưng vẫn chưa phát âm thành lời bạn đừng nên quá lo lắng. Đa số trẻ vẫn phát triển ngôn ngữ bình thường khi lớn hơn và đi học.

Mẹ nên đọc sách cho bé nghe, chỉ cho bé nhận biết các con vật, màu sắc...

Trong trường hợp trẻ phản ứng chậm với âm thanh, ít vận động, không có những biểu hiện qua cử chỉ thì nên đi trẻ đi khám về răng hàm mặt (kiểm tra thanh quản có tổn thương không), tai (kiểm tra xem trẻ có bị điếc hay không)… Nếu trẻ nói được nhưng ít nói hoặc nói những câu chữ lộn xộn, cha mẹ nên cho trẻ đi khám tâm lý để kiểm tra rối loạn ngôn ngữ.

Việc khám xét còn giúp nhận biết xem trẻ có bị chậm phát triển hay tự kỷ hay không.

Khi đã xác định được nguyên nhân, tùy theo mức độ, bác sỹ sẽ có phương pháp khác nhau như tư vấn, hướng dẫn cha mẹ dạy bé tại nhà, kết hợp với chuyên gia tâm lý, ngôn ngữ để can thiệp. 

Khi thấy con chưa biết nói, cha mẹ không nên dùng mọi cách để ép con. Nên thường xuyên đọc sách cho con nghe, nói chuyện với con. Chú ý lắng nghe và khuyến khích con tập nói.

Khi nói chuyện với con, cha mẹ nên nói những câu đơn giản, tập trung để bé dễ hiểu và có thể bắt chước.

An H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ