Trẻ bú mẹ ít nguy cơ tự kỷ

Dựa trên kết quả phân tích của nhiều nghiên cứu đã công bố trước đây, Tiến sĩ y khoa, Tiến sĩ triết học, bác sĩ Gary Steinman đến từ trường đại học Touro (Mỹ) nhận thấy, nồng độ chất protein mang tên yếu tố tăng trưởng giống đường insulin (IGF) giảm có thể là một chỉ dấu sinh học giúp chẩn đoán bệnh tự kỷ.

Nghiên cứu của Steinman chỉ ra rằng, nhiều kết quả nghiên cứu trước đây đã chứng minh, nồng độ IGF liên quan chặt chẽ với vô số chức năng tăng trưởng và phát triển của não bộ trẻ. Cụ thể, IGF kích thích các tế bào thần kinh đặc biệt cung cấp myelin - chất béo bao quanh dây thần kinh. Chất béo này đóng vai trò hỗ trợ quá trình truyền thông tin quan trọng về tất cả mọi thứ do não kiểm soát, từ chức năng vận động cho đến chức năng thần kinh như nhận biết thông qua giác qua, suy nghĩ và xúc động.

Qua nghiên cứu của riêng mình kết hợp với các nghiên cứu của nhà khoa học khác, Steinma khẳng định sữa mẹ là nguồn cung cấp IGF dồi dào. IGF trong sữa mẹ có thể bù đắp tất cả khiếm khuyết bấm sinh về tăng trưởng của trẻ sơ sinh. Qua đó cho thấy, trẻ được bú mẹ càng lâu thì càng ít có nguy cơ bị bệnh tự kỷ.

Steinman kêu gọi nuôi con bằng sữa mẹ là cách bổ sung IGF đơn giản cho trẻ, góp phần nâng cao chức năng hoạt động của não bộ, tạo cơ hội cho trẻ phát triển thông minh, năng động.

Phát hiện của Steinman cũng có thể được dùng để cảnh báo phụ nữ đang mang thai hay trong độ tuổi mang thai nên cẩn trọng khi dùng các loại thuốc làm giảm hàm lượng IGF như Somavert®, Sandostatin®, Parlodel® và một số loại thuốc ức chế thụ thể IGF đang được thử nghiệm.

Đồng thời, nghiên cứu này cũng mở ra hướng điều trị bệnh tự kỷ bằng cách bổ sung IGF trước khi các triệu chứng của bệnh xuất hiện. Ngoài sữa mẹ, chúng ta có thể cung cấp IGF cho trẻ thông qua sữa bò hoặc thêm vào nhiều loại thức uống khác nhau dưới dạng thuốc uống bổ sung.

vanhuong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ