Tránh viêm phổi tái phát ở trẻ: Đừng bắt con học khuya

Viêm phổi là căn bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, kéo dài vài tuần có khi vài tháng.

Để phòng tránh bệnh, cần cho trẻ ngủ sớm, tránh làm việc quá sức, tránh học bài quá khuya; cần thức ăn có nhiều vitamin và dễ tiêu, tránh thức ăn nhiều dầu mỡ.

Viêm phổi là bệnh lý do nhiễm siêu vi, vi khuẩn hay nấm vào đường hô hấp. Nếu sức đề kháng cơ thể giảm sút ví dụ như là nhiễm siêu vi trùng thì dễ bị nhiễm trùng tiếp theo, từ đó vi khuẩn tấn công vào đường hô hấp, gây ra viêm phổi. Viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần có thể phụ thuộc vào điều trị. Bệnh này thường điều trị khoảng 5 ngày, nhưng nếu có những tác nhân khó điều trị hoặc tác nhân kháng thuốc thì thời gian kéo dài hơn từ 10-14 ngày. Có thể do điều trị ngắn ngày trên những tác nhân đã kháng thuốc hoặc trên cơ địa như: viêm phế quản bẩm sinh, viêm xoang mãn…làm viêm phổi tái đi tái lại.

Triệu chứng giúp người lớn nhận ra trẻ viêm phổi?

Rất dễ nhận biết. Đầu tiên là trẻ sốt cao, có thể rét run, kèm khó thở – mức độ khó thở phụ thuộc mức độ viêm phổi nặng hay nhẹ. Bé có thể ho khan hoặc ho đàm đục hay đàm mủ. Điều quan trọng nhất là đưa trẻ tới bác sĩ chuyên khoa hô hấp để xác định tác nhân là gì? Xác định xem cơ địa cháu bé có bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay có những bệnh hô hấp mãn tính như viêm amidan, giãn phế quản không, để có hướng điều trị đúng đắn và đầy đủ.

Trường hợp nào cần tiêm vắc xin viêm phổi?

Tiêm ngừa là biện pháp quan trọng nhưng không phải tất cả các vi khuẩn gây viêm phổi hiện nay đều có vắc xin ngừa. Phần lớn trẻ em hay người lớn tuổi cần tiêm vắc xin ngừa cúm, vì cúm là bệnh lý thông thường rất hay xảy ra. Ngừa cúm cũng là ngừa viêm phổi thứ phát sau cúm. Do vậy, tiêm ngừa cúm hàng năm giúp tỉ lệ viêm phổi ở trẻ giảm xuống rõ rệt. Ngoài ra, còn có tiêm ngừa phế cầu, mỗi 3 năm hoặc 5 năm cho trẻ em vì phế cầu là một trong những nguyên nhân gây viêm phổi, viêm tai giữa, viêm xoang ở trẻ em. Cũng còn có liệu pháp chủng ngừa bằng đường uống, những kháng nguyên thường gặp, trẻ em có thể uống mỗi tháng 10 ngày, trong 3 tháng liên tục, tăng cường sức đề kháng, chống viêm phổi.

Những điều người lớn nên tránh khi trẻ mắc viêm phổi?

Không tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị vì đây là bệnh lý rất cần chỉ định đúng đắn và chính xác của bác sĩ, cũng như thời gian điều trị như thế nào tùy thuộc cơ địa bệnh lý, mức độ bệnh, tác nhân gây bệnh. Trong sinh hoạt, cần cho trẻ ngủ sớm, ăn thức ăn có nhiều vitamin, thức ăn dễ tiêu, tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, tránh làm việc quá sức, học bài quá khuya… Môi trường sống và vệ sinh cá nhân cũng cần được chú trọng giữ gìn sạch sẽ.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn