Trầm cảm ở người già: SOS!

Số lượng người cao tuổi đến khám vì bệnh trầm cảm tăng khá nhanh trong những năm gần đây ở Việt Nam

Làm gì khi thuốc chống trầm cảm giảm tác dụng?

Trầm cảm sau sinh, điều trị như thế nào?

Trầm cảm làm gia tăng nguy cơ mắc Parkinson

Ngưng thở khi ngủ gây ra trầm cảm

Người cao tuổi: Dễ điên vì cô đơn

Những triệu chứng thường gặp

Trầm cảm ở người già chủ yếu ở dạng trầm cảm ngoại sinh. Nghĩa là khi có những biến đổi, áp lực của cuộc sống, môi trường tác động, cơ thể sẽ phản ứng và nếu tác động đó vượt quá mức chịu đựng của cơ thể, sẽ sinh ra trầm cảm. Phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh, nội tiết tố thay đổi cộng thêm các bệnh lý nội khoa (thường gặp ở người già như tim mạch, đái tháo đường, huyết áp…), ngưỡng chịu đựng của họ bị giảm thấp nên càng dễ dẫn tới trầm cảm.

Những triệu chứng thực thể ở người già bị trầm cảm nổi trội hơn so với triệu chứng tâm lý. Đa số những người đã đến khám đều có biểu hiện mất ngủ; Kế đến là cảm giác bị ngộp, khó thở, hồi hộp, đau ngực; Rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón), đau dạ dày cũng là những triệu chứng thường gặp. Khi gặp các biểu hiện này, người bệnh thường nghĩ đến các bệnh lý thực thể, trong đó các triệu chứng liên quan đến tim mạch như hồi hộp, khó thở là dễ bị nhầm lẫn nhất. Họ đến bệnh viện để tầm soát và điều trị những bệnh mình nghi ngờ nhưng không khỏi. Trong quá trình đó, họ có thể uống rất nhiều loại thuốc khác nhau. Đến khi đi khám trầm cảm, mức độ bệnh thường đã tăng nặng do thời gian và do uống thuốc không phù hợp.

Bác sỹ (BS) Lưu Quốc Thái - Trưởng khoa Khám bệnh, BV Tâm thần TP.HCM lưu ý, nếu bị bệnh lý thực thể như rối loạn tiêu hóa (thường do nhiễm trùng) thì phải kèm theo triệu chứng của nhiễm trùng, bệnh sẽ hết trong một thời gian sau khi uống thuốc chứ không lặp đi lặp lại và không liên quan đến những biến đổi tâm lý. Rối loạn tiêu hóa do trầm cảm liên quan đến những áp lực của cuộc sống, tâm lý sẽ kéo dài, không dứt, bị lặp đi lặp lại.

Điều trị và các liệu pháp hỗ trợ

Theo BS Phan Thiệu Xuân Giang - giảng viên Tâm lý học thần kinh, khoa Tâm lý, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, hiện nay có nhiều loại thuốc mới giúp điều trị trầm cảm, ít tác dụng phụ hơn so với các thuốc thế hệ trước. Tuy nhiên nếu chỉ dùng thuốc, bệnh có thể thuyên giảm nhiều nhưng rất dễ tái phát.

Từ thực tế điều trị tại BV Tâm thần TP.HCM cho thấy, có những bệnh nhân điều trị tích cực, uống thuốc đều đặn và hợp tác tốt, chỉ khoảng 1,5-2 năm là khỏi bệnh. Song đa phần bệnh nhân phải điều trị lâu dài, 10-20 năm vẫn uống thuốc, liều không giảm, thậm chí còn tăng vì không áp dụng những liệu pháp hỗ trợ khác như vận động, điều trị tâm lý…

Có nhiều mức độ nâng đỡ tùy theo tình trạng của người bệnh. Ở mức độ nhẹ, chỉ cần gia đình của người bệnh điều chỉnh lại nếp sinh hoạt, tạo một môi trường an toàn, hỗ trợ bệnh nhân bằng những thăm hỏi, quan tâm, lắng nghe và tôn trọng. Nhà có người cao tuổi cần sắp xếp đồ vật thuận tiện, trong tầm tay với, nhà cửa gọn gàng để dễ dàng sử dụng, sàn buồng vệ sinh sạch sẽ và không trơn trượt, đèn sáng… để tránh trượt ngã. Quan trọng nhất, chính sự trò chuyện, chăm sóc, thương yêu, đưa các cụ đi thăm bạn bè, đi nghỉ dưỡng sẽ củng cố trí nhớ, giảm thoái hóa khớp, trầm cảm...

Các hoạt động thể dục thể thao như đi bộ, luyện tập yoga, tập thiền… cũng có ý nghĩa quan trọng giúp cải thiện sức khỏe cho người bệnh. Nếu có kết hợp vận động, người bệnh sẽ giảm được liều thuốc đáng kể. Tùy vào sức khỏe của người bệnh, vận động lý tưởng nhất là đi bộ, nếu người bệnh khỏe hơn, có thể chạy bộ nhẹ hoặc bơi lội. Nếu có thêm những bệnh lý mạn tính, người bệnh nên tham khảo ý kiến BS chuyên khoa để chọn hình thức vận động phù hợp.

Người lớn tuổi nói chung và người bệnh trầm cảm nói riêng cũng cần lưu ý về chế độ dinh dưỡng, tránh ăn nhiều thực phẩm bột, đường, béo vì gây khó tiêu, mệt mỏi, tạo nên những cảm xúc tiêu cực. Ưu tiên cho những thực phẩm giàu chất xơ, dễ tiêu hóa. Cần tránh xa các chất kích thích, đặc biệt là rượu vì rất dễ gây nghiện và làm căn bệnh trở nên trầm trọng.

Song song đó, gia đình nên khuyến khích và tạo điều kiện để người bệnh tham gia sinh hoạt cộng đồng như: từ thiện, hoạt động ở thôn - xóm - khu phố, sinh hoạt ở chùa, nhà thờ… Người bệnh sẽ dần tự cân bằng tinh thần khi thấy bản thân hữu ích và vui vẻ, linh hoạt hơn khi giao lưu với nhiều người trong hội, nhóm, câu lạc bộ.

BS Phan Thiệu Xuân Giang, tư vấn: Ngoài việc điều trị bằng thuốc, người bệnh cần được điều trị thêm về mặt tâm lý. Có rất nhiều liệu pháp tâm lý khác nhau, nhưng cách mang lại hiệu quả rõ rệt được nhiều nhà tâm lý sử dụng là giúp người bệnh thay đổi nhận thức và hành vi đối với bản thân và cuộc sống. Sự đáp ứng với trị liệu còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau: tình trạng nhận thức, tuổi tác của bệnh nhân, các bệnh lý đi kèm, tình trạng gia đình, xã hội… Liệu pháp này cần được thực hiện nhiều lần và đòi hỏi sự hợp tác, tin tưởng của cả người bệnh lẫn gia đình trong việc chia sẻ những khó khăn người bệnh gặp phải. Tuy nhiên liệu trình điều trị bao giờ cũng bắt đầu từ việc tìm hiểu nguyên nhân và xem xét tổng trạng sức khỏe của người bệnh. Có sự tương tác giữa bệnh trầm cảm và các bệnh lý khác, nếu mắc phải các bệnh lý mãn tính, người già rất dễ bị rơi vào trầm cảm và bệnh trầm cảm lại làm tăng nặng hoặc phát sinh các bệnh lý khác.

Khi mắc bệnh trầm cảm, không những chất lượng cuộc sống của người già suy giảm nghiêm trọng mà còn tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội. Do vậy, mỗi người nên chủ động chuẩn bị để đón nhận những điều tất yếu của tuổi già. Theo BS Phan Thiệu Xuân Giang, dù nghỉ hưu, người già vẫn cần có công việc vừa sức, nhẹ nhàng, vui và ý nghĩa; tránh để bản thân rảnh rỗi quá vì sẽ dễ rơi vào trạng thái cô đơn, buồn chán. Nếu người già xuất hiện những triệu chứng trầm cảm, người nhà cần đưa đi khám bệnh sớm để được điều trị kịp thời.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Chăm già