Trầm cảm mùa đông: Kê đơn ánh sáng!

Rối loạn cảm xúc theo mùa thường xảy ra ở phụ nữ

Gia tăng bệnh trầm cảm ở người cao tuổi

Cảnh giác với những thuốc làm tăng nguy cơ trầm cảm

Giả dược công hiệu trong trị liệu trầm cảm

Trầm cảm - Làm sao trị?

Trầm cảm: bệnh hiện đại có từ thời cổ đại

Trời “buồn” người có vui đâu

Các triệu chứng SAD thường xuất hiện trong mùa thu và mùa đông, khi có sự tiếp xúc ít hơn với ánh sáng mặt trời vào ban ngày. Những người làm việc nhiều giờ trong các toà nhà văn phòng ít cửa sổ có thể trải nghiệm các triệu chứng này quanh năm, và một số cá nhân có thể nhận thấy những thay đổi về tâm trạng trong giai đoạn thời tiết âm u kéo dài. 

Trầm cảm mùa đông có thể thể kết thúc khi đông qua đi

Có khoảng 6% dân số Mỹ bị ảnh hưởng bởi rối loạn cảm xúc theo mùa. Trầm cảm theo mùa xảy ra ở cả hai giới, thường thấy ở tuổi vị thành niên và tuổi đôi mươi, tuổi càng cao thì nguy cơ càng giảm.

SAD có thể khởi phát ở bất cứ lứa tuổi nào, nhưng tuổi bắt đầu thường từ 18 – 30. Những tháng khó khăn nhất đối với những người bị SAD tháng 1 và tháng 2. Điểm khác biệt lớn nhất giữa SAD và trầm cảm thông thường là SAD có tính chất chu kỳ rõ rệt và khi qua khỏi mùa bị ảnh hưởng thì người mắc chứng bệnh này lại trở về trạng thái sức khỏe và tâm lý bình thường.

Những dấu hiệu đặc trưng

Nếu bạn có những dấu hiệu sau đây có thế bạn đang bị chứng SAD:

Buồn bã: SAD là một dạng trầm cảm, và nó có hầu hết những đặc điểm của trầm cảm. Những triệu chứng chủ yếu của SAD là cảm thấy buồn bã và mất hy vọng, mất hứng thú với các hoạt động mà bình thường bạn vẫn yêu thích. Nếu bạn trải qua các triệu chứng này trong ít nhất 2 tuần, nó là dấu hiệu của trầm cảm. Nếu bạn cảm thấy điều này chỉ có trong mùa thu và đông, và các triệu chứng đó biến mất trong thời gian còn lại của năm, nó có thể là dấu hiệu bạn bị SAD.

Buồn ngủ và mệt mỏi: Những người mắc chứng SAD thường có xu hướng cần ngủ nhiều hơn trong mùa đông, đôi khi hơn rất nhiều. Trong một nghiên cứu trên Tạp chí Psychosomatic Research, các bệnh nhân bị chứng SAD trung bình ngủ 7,5 tiếng trong mùa hè, 8,5 tiếng trong mùa xuân và thu, và cần đến 10 tiếng trong mùa đông.

Dễ cáu kỉnh: Giận dữ, cáu gắt là những triệu chứng phổ biến của trầm cảm và SAD. So với người bình thường, người mắc chứng SAD dễ bị kích thích hơn nhiều so với người khỏe mạnh. Họ cũng dễ nổi nóng hơn những người trầm cảm thông thường (không phải theo mùa).

Người bị trầm cảm mùa đông dễ bị cáu gắt

Thèm ăn hơn: Giống như trầm cảm, SAD làm tăng cảm giác ngon miệng ở một số người. 65% người bị chứng rối loạn này cảm thấy đói hơn trong những tháng trời tối, lạnh lẽo. Đây có thể là một phản ứng sinh lý của cơ thể nhằm giúp bạn "lấy lại tinh thần". Vì thế đến cuối mùa này, bạn thường tăng cân.

Thèm chất bột: Người mắc SAD có cảm giác thèm rất chất bột (như mì, bánh mì), vì chúng có tác dụng làm tăng tiết chất truyền thần kinh serotonin - giúp cải thiện tâm trạng.

Khó tập trung: Trầm cảm có ảnh hưởng đến một loạt hoạt động xử lý tâm thần trên não, như khả năng tập trung, nói, ghi nhớ... Ở người mắc SAD, tình trạng này cũng tương tự như người bị trầm cảm không theo mùa.

Mất hứng với tình dục:  Thiếu quan tâm đến sex là một triệu chứng phổ biến ở những người bị SAD và trầm cảm. Nhưng điều này chỉ đúng với người bị SAD trong mùa thu, đông. Ngược lại, nếu rối loạn này xảy ra vào mùa xuân - hè (một dạng hiếm gặp hơn nhiều, còn gọi là trầm cảm mùa hè) thì lại có các triệu chứng đối ngược, chẳng hạn gia tăng ham muốn tình dục.

Nguyên nhân do dâu?

SAD được gắn với sự mất cân bằng sinh hoá trong bộ não được thúc đẩy bởi sự rút ngắn thời gian có ánh nắng ban ngày và thiếu ánh mặt trời vào mùa đông. Cũng giống như ánh nắng mặt trời ảnh hưởng đến các hoạt động theo mùa ở loài vật, rối loạn cảm xúc ở con người có thể là từ tác động của sự thay đổi ánh sáng theo mùa. Khi các mùa thay đổi, con người trải qua một sự chuyển đổi về đồng hồ sinh học nội tại hay nhịp sinh học gây ra cho họ sự lạc bước khỏi thời gian biểu hàng ngày của mình.

Rối loạn cảm xúc theo mùa liên quan đến nhiều yếu tố

Melatonin - một nội tiết tố có liên quan đến giấc ngủ, cũng được gắn với rối loạn cảm xúc theo mùa. Nội tiết tố này (vốn liên kết với bệnh trầm cảm) được sản xuất khi cấp độ bóng tối tăng lên. Khi ngày ngắn hơn và tối hơn, melatonin được sản xuất nhiều hơn. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng ánh sáng chói tạo ra một sự khác biệt trong hoá học của não, mặc dù cơ chế chính xác chưa được kiểm định. 

Kê đơn đúng bệnh

Tăng thời gian tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có thể cải thiện các triệu chứng của SAD. Liệu pháp này bao gồm nhiều cách khác nhau để tăng mức ánh sáng cần tiếp xúc. Nếu được đánh thức trong ánh sáng tăng dần thì sẽ có một thông điệp được gửi tới não, “yêu cầu” não ngừng sản xuất hormone melatonin gây buồn ngủ, giúp chống lại thói quen ngủ nướng khi trời vào đông.

Nếu triệu chứng SAD trở nên nặng hơn, bệnh nhân nên đến gặp bác sỹ

Nếu các triệu chứng SAD trở nên nặng hơn và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày thì liệu pháp ánh sáng (phototherapy) là một lựa chọn điều trị hiệu quả. Loại hình trị liệu này có liên quan đến sự tiếp xúc với ánh sáng rất chói (thường là từ một nguồn sáng huỳnh quang đặc biệt) 30 – 90 phút mỗi ngày vào mùa đông. Các tác dụng trị liệu bổ sung cũng được tìm thấy với các phiên trị liệu tâm lý, và trong một vài trường hợp là chỉ định các thuốc chống trầm cảm.

Nếu bạn nghĩ rằng đang mắc SAD bạn nên đến gặp bác sỹ bởi SAD có thể bị chẩn đoán nhầm thành chứng nhược giáp, hạ đường huyết, tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng và các nhiễm trùng virus khác. Với một vài người, rối loạn cảm xúc theo mùa có thể bị lẫn lộn với các rối loạn nặng hơn như giai đoạn trầm cảm nặng hay rối loạn lưỡng cực. Trường hợp người bệnh cảm thấy chứng trầm cảm là nghiêm trọng hoặc nếu có ý nghĩ tự sát, hãy tham vấn một bác sỹ chuyên khoa tâm thần ngay lập tức để được điều trị hoặc tìm kiếm sự trợ giúp của một phòng cấp cứu gần nhất. Với quá trình điều trị đúng đắn, SAD có thể thuyên giảm tốt.

Theo ThS Nguyễn Hồng Vân - Trung tâm Giáo dục tâm lý Ánh sáng: "Một biện pháp hữu hiệu để không "e ngại" mùa đông chính là tập thể dục. Hãy cởi bỏ những lớp áo dày hay chiếc chăn quấn quanh người. Thay vào đó, hãy tập thể dục, vận động giúp cơ thể nóng lên, từ đó giảm tối đa chứng trầm cảm. Điều này đặc biệt cần thiết với người làm việc cường độ cao, nhiều áp lực".
Thùy Trang H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Thần kinh