Những điều nên làm, không nên làm khi tiêm vaccine COVID-19

Nắm rõ một số điều cần làm, không nên làm sẽ giúp bạn chủ động hơn khi tới lượt tiêm vaccine

Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca tử vong vì COVID-19

Đồng Tháp đề xuất thí điểm cách ly F1 tại nhà, học sinh Hà Nội chuẩn bị đi học trở lại?

Hà Nội liên tiếp ghi nhận các ca COVID-19 tại KCN Bắc Thăng Long, huyện Mỹ Đức

Hơn 1000 ca mắc COVID-19 được ghi nhận trong ngày 5/7

Trước khi tiêm vaccine COVID-19

Chuẩn bị kỹ các giấy tờ và thông tin cần thiết

- Bạn nên chuẩn bị thông tin, giấy tờ chứng minh được độ tuổi và công việc của mình. Điều này là cần thiết để chứng minh bạn đến lượt được tiêm vaccine COVID-19.

- Khai báo các thông tin cá nhân trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.

- Chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ liên quan tới tình trạng sức khỏe, các bệnh lý bạn đang mắc phải.

Tránh dùng một số loại thuốc

Các chuyên gia y tế khuyến cáo bạn nên tránh dùng steroid trong vòng 1 tuần trước và sau khi tiêm chủng. Các steroid như prednisone và dexamethasone (thường dùng trong điều trị viêm khớp dạng thấp và các bệnh lý tự miễn khác) có thể ức chế mạnh quá trình viêm, làm suy giảm miễn dịch của cơ thể và dẫn tới giảm đáp ứng đối với vaccine COVID-19.

Bạn nên trao đổi với bác sỹ nếu cần thay đổi thuốc trước khi tiêm vaccine COVID-19

Nếu nhận được kế hoạch tiêm vaccine COVID-19, bạn nên trao đổi với bác sỹ nếu đang sử dụng thuốc steroid. Bác sỹ có thể kê cho bạn một số thuốc khác có tác dụng tương tự, nhưng không làm ức chế miễn dịch của cơ thể.

Giữ sức khỏe

- Đêm trước khi tiêm, bạn nên chú ý uống đủ nước, có giấc ngủ ngon để duy trì được trạng thái tốt nhất trong ngày tiêm vaccine.

Trong ngày tiêm vaccine COVID-19

- Nếu bạn đang mắc hoặc có nguy cơ mắc một số bệnh như bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, béo phì, dị ứng thuốc… hãy thông báo với bác sỹ để được tư vấn trước khi tiêm.

- Tránh dùng các loại thuốc giảm đau không kê đơn (như ibuprofen, thuốc chống viêm không steroid…) ngay trước khi tiêm vaccine. Các loại thuốc này có thể làm giảm hiệu quả của vaccine COVID-19.

- Tránh uống rượu, bia trước (và cả sau) khi tiêm vaccine. Rượu, bia có thể ức chế miễn dịch, gây mất nước, giảm khả năng chống nhiễm trùng, tăng nguy cơ biến chứng, gây khó khăn khi phân biệt phản ứng của rượu, bia và phản ứng của vaccine.

- Tránh thức uống nhiều caffeine (như trà, cà phê, nước tăng lực) trước khi tiêm vaccine vì quá nhiều caffeine có thể gây nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, ảnh hưởng đến kết quả khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng. Thay vì các thức uống này, bạn nên uống nước lọc để ngăn ngừa sự khó chịu do vaccine COVID-19 gây ra.

- Nên chọn mặc trang phục phù hợp để tiến hành tiêm chủng một cách thuận lợi (dễ dàng tiếp cận vùng da ở phần trên cánh tay).

- Đi tiêm đúng giờ hẹn và tuân thủ thực hiện 5K tại điểm tiêm chủng: Đến chính xác địa điểm và đúng giờ, tránh bị chậm trễ. Bạn cũng cần quan sát những người cùng đi tiêm, nhằm giữ khoảng cách tối thiểu theo khuyến cáo và thực hiện 5K.

- Nên tiêm vào cánh tay không thuận để phòng trường hợp bạn bị đau ở vị trí tiêm, gây khó khăn khi cử động cánh tay, thực hiện các hoạt động thường ngày…

Sau khi tiêm vaccine COVID-19

- Sau khi tiêm vaccine phải đợi ít nhất 30 phút để xem có phản ứng hay gặp tác dụng phụ nghiêm trọng nào sau khi tiêm hay không. Nếu có bất cứ triệu chứng nào phát sinh, báo ngay cho bác sỹ tại nơi tiêm.

- Nên tránh lái xe ngay sau khi tiêm vaccine để phòng những tình huống bất ngờ.

- Bạn cần lưu giữ giấy xác nhận tiêm vaccine phòng COVID-19.

- Chủ động tìm hiểu thông tin về các phản ứng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm vaccine. Thông thường, một số tác dụng phụ có thể gặp phải bao gồm đau cánh tay, đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ bắp…

- Cập nhật trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử các phản ứng sau tiêm gặp phải nếu có. 

- Không bôi, đắp thuốc hoặc bất cứ thứ gì lên vết tiêm.

- Ghi nhớ tên, địa chỉ, số điện thoại của bác sỹ theo dõi và cơ sở y tế cần liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.

- Ngay cả sau khi đã tiêm vaccine COVID-19, bạn vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, ngừa như rửa tay, đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội để bảo vệ sức khỏe cho mình và người khác.

Vi Bùi H+ (Theo Bộ Y tê/Unicef)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội