Thực phẩm bẩn: Đâu là giới hạn cuối cùng?

Thực phẩm bẩn vẫn sinh sôi nảy nở, gieo rắc bệnh tật, chết chóc đến khắp nơi

Phát hiện thêm cơ sở chế biến thực phẩm bẩn

Thực phẩm biến đổi gene sẽ "giết" bạn như thế nào?

Chống thực phẩm bẩn: Tưởng là "ta" hóa ra lại "địch"

Chống thực phẩm bẩn: "Nói ít thôi, hành động ngay!"

Có hàng ngàn hàng vạn các cảnh báo về thực phẩm bẩn được đưa ra, hàng ngày hàng giờ các cơ quan chức năng vẫn phát hiện bắt và tiêu hủy vô số thực phẩm không an toàn, truyền thông vẫn miệt mài đưa tin, phản ánh, các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương ráo riết xây dựng và thực thi chế tài xử phạt trong khi đó thực phẩm bẩn vẫn âm thầm tuồn vào các nhà hàng, siêu thị, luồn lách đến mọi hang cùng ngõ hẻm…

Người đàn ông làm rẫy trên đồi cao chót vót giữa cái nắng bỏng rát của vùng Đông Nam bộ đã hơn nửa năm nay không tìm thấy giọt mưa nhưng những cây chuối của anh ta vẫn tốt tươi và trái chín vàng mọng nhìn đã mắt, tôi ngạc nhiên và thắc mắc không hiểu vì sao giữa vùng đồi khô như rang, đá nhiều hơn đất lại có thể nuôi sống những cây chuối và cho ra quả chín vàng. Không giấu diếm anh ta khoe bảo bối để tạo nên điều kỳ diệu là những lọ thuốc kích thích được mua về từ chợ Kim Biên (Một khu chợ hóa chất nổi tiếng Sài Gòn). Một vài ml thuốc kích thích có thể thay thế cho hàng trăm khối nước.

Ở cách xa thành phố hàng trăm cây số, tận trên đồi cao rừng sâu vẫn có bóng dáng của hóa chất trong trồng trọt canh tác thì việc tìm kiếm rau, hoa quả an toàn vùng đồng bằng, đô thị là chuyện… cổ tích! Tôi có ông bạn nhà báo nói vui rằng muốn ăn ngon thì đừng…đọc báo! Nghĩ cũng đúng bởi cứ lên báo là thế nào cũng thấy hàng lô hàng lốc những cụm tin, bài viết về thực phẩn bẩn.

Cuộc chiến với thực phẩm bẩn vẫn diễn ra quyết liệt chưa có hồi kết, người tiêu dùng khó bảo vệ mình trước sự bao vây của thịt lợn nhiễm salbutamol, rau dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trứng gà giả, mực khô giả, nước giải khát pha phẩm màu…nếu không mua biết ăn gì đây? Niềm tin của người tiêu dùng sa sút nghiêm trọng khi TP.HCM phát hiện và tiêu hủy 80 con heo nuôi bằng tiêu chuẩn VietGap “vô tư” nhiễm Salbutamol!

Thực phẩm bẩn đã trở thành vấn đề cấp thiết mang tính quốc gia, hệ thống luật, chế tài về xử phạt người buôn bán kinh doanh thực phẩn bẩn được quy định khá rõ ràng như Điều 317, Điều 195, Điều 193, Điều 191, Điều 190… Bộ luật Hình sự 2015, thậm chí mức phạt cao nhất có thể lên tới 20 năm tù nhưng người tiêu dùng vẫn ăn chất độc hàng ngày mà chưa thấy ai đi tù!?

Trong khi bên kia chiến tuyến thực phẩm bẩn vẫn sinh sôi nảy nở, gieo rắc bệnh tật, chết chóc đến khắp nơi, phía bên này các cơ quan chức năng vẫn loay hoay tìm giải pháp, “trái bóng” trách nhiệm bị đá qua đá lại rồi cuối cùng chìm vào lãng quên.

Cần giải pháp căn cơ

Đội ngũ biên chế hùng hậu, Luật, chế tài đã có nhưng vấn đề là thực hiện như thế nào cho hiệu quả, không loại trừ trường hợp “nén bạc đâm toạc tờ giấy” một bộ phận không nhỏ cán bộ bị “lỏng tay” trong xử lý thực phẩm bẩn. Thay vì hô hào khẩu hiệu như “nỗ lực”, “cố gắng”, “kiên quyết”... Bí thư Đinh La Thăng đề nghị Chính phủ nên ban hành chỉ thị phải gắn với các giải pháp cụ thể, cần xác định rõ trách nhiệm. “Nhập chất cấm, cần có 10 cân mà cho nhập 10 tấn thì hòa cả làng. Vậy phối hợp giữa các Bộ như thế nào? Phải xử lý nghiêm Bộ nào cho nhập”.

Bên cạnh việc quản lý chặt chẻ nguồn chất cấm cần quy trách nhiệm rõ ràng đến từng địa phương, xã phường, khu phố, khu dân cư, cái khó hiện nay là chưa quy được trách nhiệm cụ thể nên khi triển khai làm chồng chéo, dẫm chân nhau khi xảy ra sự cố thì nảy sinh đá “bóng trách nhiệm”.

Tăng cường tổ chức tuyên truyền tại cơ sở về mối nguy hại do thực phẩm bẩn gây nên, hiện nay các tổ chức đoàn thể được tổ chức về tận khu dân cư nên phải phát huy vai trò giám sát từ các đoàn thể này, phối hợp chặt chẻ với các ngành chức năng chuyên môn, báo cáo kịp thời đến các cơ quan này khi phát hiện sai phạm.

Các Bộ cần thống nhất chương trình hành động, tránh tình trạng “ông nói gà bà nói vịt” “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, giao cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị trong việc quản lý thực phẩm, làm cơ sở quy trách nhiệm khi có sự cố xãy ra.

Ngăn chặn đẩy lùi nạn thực phẩm bẩn không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan nhà nước mà đây là nhiệm vụ của mỗi cá nhân, thẳng thắn đấu tranh không khoan nhượng với những kẻ đầu độc đồng loại.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội