Một số quan điểm đúng sai về tiêm chủng

Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh tốt nhất

Chỉ hơn 50% trẻ được tiêm vaccine viêm gan B ngay sau sinh

Để bé không đau, sốt khi tiêm phòng

Hà Nội triển khai mỗi tháng 2 đợt tiêm chủng

11 tháng tuổi có tiêm vaccine thủy đậu được không?

BS Như Huỳnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết một số những quan niệm đúng  - sai thường gặp của các bậc phụ huynh:

Trẻ em tiêm chủng nhiều sẽ chậm lớn

- SAI. Trẻ em tiêm chủng nhiều vẫn phát triển bình thường. Tiêm chủng càng nhiều bệnh, trẻ càng được bảo vệ tốt hơn, nguy cơ mắc bệnh cũng giảm nhiều nên sẽ có sức khỏe tốt.

Trẻ bị sốt sau tiêm phòng sẽ có đáp ứng miễn dịch tốt hơn trẻ không sốt

- SAI. Tùy theo đáp ứng của cơ thể mỗi người mà trẻ có sốt hoặc không sốt sau tiêm. Điều này không ảnh hưởng gì đến đáp ứng miễn dịch.

Cần tiêm chủng cho trẻ càng sớm càng tốt

- ĐÚNG. Nên tiêm chủng cho trẻ càng sớm càng tốt theo lịch tiêm chủng của từng loại vaccine do nhà sản xuất quy định. Ví dụ: vaccine viêm màng não mủ do HIB nên bắt đầu tiêm từ 2 tháng tuổi, vaccine ngừa viêm gan siêu vi B và ngừa lao nên tiêm ngay sau khi trẻ vừa ra đời. Trẻ được tiêm chủng sớm sẽ giảm tỷ lệ mắc bệnh. 

Tiêm chủng bằng vaccine kết hợp (một mũi tiêm ngừa được cùng lúc nhiều bệnh) tốt hơn vaccine chỉ ngừa một bệnh.

- SAI. Thật ra tất cả các vaccine đều có khả năng bảo vệ tương đương nhau và mỗi loại đều có những ưu khuyết điểm riêng. Ví dụ: Tiêm vaccine kết hợp tiện hơn ở chỗ không phải đi lại nhiều lần và trẻ chỉ bị đau một lần duy nhất nhưng khuyết điểm là giá thành cao và khi trẻ xảy ra dị ứng sẽ không biết trẻ dị ứng với loại vaccine nào.

Vaccine cúm không ngừa được cúm gia cầm H5N1

- ĐÚNG. Hiện nay các vaccine cúm chỉ ngừa được bệnh cúm người chứ không ngừa được cúm gia cầm.

Trẻ đang bị bệnh thì không tiêm vaccine được

- ĐÚNG VÀ SAI. Trẻ bị bệnh nhẹ như ho, sổ mũi, rối loạn tiêu hóa vẫn có thể tiêm phòng và đáp ứng miễn dịch sẽ tương đương với trẻ mạnh. Tuy nhiên, nếu trẻ bị bệnh cấp tính trung bình hoặc nặng, sốt cao hoặc dị ứng thì nên hoãn tiêm ngừa.

Vắt chanh hoặc dùng lòng trắng trứng gà bôi vào chỗ tiêm sẽ giúp chỗ tiêm không bị tấy

- SAI. Không nên bôi bất cứ thứ gì lên chỗ tiêm vì điều đó có thể là nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng cho trẻ.

Trẻ bị dị ứng với trứng sẽ không tiêm được vaccine sởi-quai bị-rubella

- ĐÚNG. Một số vaccine sống giảm độc lực như sởi-quai bị-rubella được nuôi cấy trên phôi gà nên sẽ không tiêm được cho những trẻ bị dị ứng với trứng.

Các phản ứng sau tiêm ngừa như nổi cục, tấy đỏ nơi tiêm, sốt, quấy khóc sẽ làm mất tác dụng của vaccine

- SAI. Các biểu hiện trên chỉ là những phản ứng thông thường và nhẹ xảy ra ở một số ít trẻ sau tiêm vaccine, chỉ cần dùng thuốc hạ sốt giảm đau và chườm mát cho trẻ. Các triệu chứng này sẽ hết sau 1-2 ngày và  không làm mất đi tác dụng phòng bệnh của vaccine. 

Nếu trẻ không có sẹo BCG sau tiêm ngừa lao, sẽ phải tiêm lại

- ĐÚNG VÀ SAI. Sẹo BCG có thể xuất hiện sau tiêm một thời gian. Bạn có thể đợi đến lúc trẻ 9 tháng nếu vẫn không thấy sẹo thì có thể làm lại xét nghiệm thử phản ứng lao tố để xem xét việc tiêm lại. Nếu trong gia đình có người bị bệnh lao thì nên tiêm lại khi bé được 6 tháng tuổi.

Trẻ vẫn có thể bị thuỷ đậu sau tiêm vaccine ngừa bệnh này

- ĐÚNG VÀ SAI. Vaccine ngừa thủy đậu cần thời gian 2 tuần để  tạo miễn dịch bảo vệ trẻ. Nếu trẻ có tiếp xúc với người bệnh trong vòng 2 tuần sau tiêm thì vẫn có khả năng lây nhiễm. Trong trường hợp trẻ đã bị lây nhiễm trước khi tiêm thì vaccine cũng không thể bảo vệ trẻ khỏi bệnh. Tuy nhiên, trong những trường hợp này thì bệnh của trẻ sẽ nhẹ hơn so với không tiêm vaccine.

Trẻ vẫn có thể bị mắc bệnh đã được tiêm  phòng

ĐÚNG. Tất cả các vaccine đều không thể đảm bảo 100% khả năng bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm bệnh. Vẫn có một tỷ lệ rất nhỏ không có đáp ứng miễn dịch sau tiêm vaccine. Nhưng so với lợi ích trong việc làm giảm tỷ lệ mắc bệnh thì tiêm vaccine vẫn là một việc làm hết sức cần thiết.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ