Thuyên tắc phổi và những vấn đề điều trị


Ảnh minh họa

Những ai có nguy cơ thuyên tắc phổi?

Thuyên tắc phổi xuất hiện khi có một vật gây tắc nghẽn làm cản trở dòng máu chảy qua động mạch phổi. 90% trường hợp thuyên tắc phổi xuất phát từ cục máu đông hình thành trong bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu. Khoảng 80% các cục máu đông này sẽ tự tan biến mà không gây tắc mạch phổi, 20% còn lại có thể di chuyển đến tĩnh mạch chậu đùi và bị vỡ, cho phép một cục máu đông di chuyển lên tĩnh mạch chủ dưới và sau cùng lên phổi sẽ gây ra sự tắc nghẽn tại đó.

Nguy cơ phát triển thuyên tắc phổi tăng theo tuổi. Những người có nguy cơ cao là những người bị huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc có tiền sử thuyên tắc phổi. Đôi khi, có một số triệu chứng dễ thấy ở đầu chi - biểu hiện của huyết khối tĩnh mạch sâu như: sưng; đau hoặc tăng cảm giác; đầu chi ấm hơn; da đỏ, xanh hoặc nhợt nhạt. Một số trường hợp thuyên tắc phổi nặng có thể gây shock, bất tỉnh, ngừng tim hay tử vong.

Điều trị thế nào?

Điều trị thuyên tắc phổi nhằm mục đích làm tan cục máu đông, ngăn cục máu đông phát triển to hơn và ngăn cục máu đông mới tạo thành. Bước đầu tiên trong điều trị thuyên tắc phổi là điều trị shock và cung cấp oxy. Các thuốc chống đông máu như heparin, wafarin được sử dụng để ngăn sự tạo thành cục máu đông. Đặc biệt hiện nay hay sử dụng các heparin trọng lượng phân tử thấp như enoxaparin để thay thế cho heparin vì chúng có hiệu quả điều trị tương đương heparin, tiện dụng hơn (chỉ cần điều chỉnh liều theo cân nặng, không cần theo dõi aPTT) và an toàn với bệnh nhân (ít nguy cơ giảm tiểu cầu).

Các thuốc tiêu sợi huyết (làm tan cục máu đông đã hình thành) cũng có thể được sử dụng, nhưng chúng gây ra nguy cơ chảy máu cao cho bệnh nhân nên thường chỉ được dùng trong những trường hợp nặng.

Ngoài ra, những bệnh nhân yếu và huyết áp tụt có thể dùng thêm thuốc như dopamin để tăng huyết áp.

Do không có hoặc các triệu chứng lâm sàng không đặc trưng, các xét nghiệm cũng gặp phải những khó khăn trong chẩn đoán thuyên tắc phổi, vì vậy, việc đánh giá mức độ nguy cơ bệnh nhân đang có, từ đó biết được xác suất mắc bệnh để có biện pháp dự phòng là cách tiếp cận tốt nhất.

Bệnh nhân có nguy cơ cao có nhiều cách để phòng bệnh như dùng các thuốc chống đông máu (heparin, enoxaparin, wafarin), sử dụng tất băng nịt giảm lượng máu ứ đọng tránh tạo thành cục máu đông.

Ngoài ra, có những cách để giảm nguy cơ thuyên tắc huyết khối như: rèn luyện, luyện tập thể dục thường xuyên; không nên nằm lâu ngày sau khi phẫu thuật, sau tai biến mạch máu não; sản phụ cần đi lại, nằm đúng tư thế để tránh cho thai không gây chèn ép tĩnh mạch chậu.

90% thuyên tắc phổi bắt nguồn từ huyết khối tĩnh mạch sâu, do vậy nên đến bác sĩ chuyên khoa khám nếu thấy dấu hiệu sưng to bất thường một chân, nặng chân, đau chân, cũng có thể đến bệnh viện lớn để làm siêu âm Doppler nếu có điều kiện.

Dongoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hô hấp