Thực phẩm lậu tuồn vào Việt Nam theo trăm ngàn cách

“Lạnh gáy” với chân gà Trung Quốc

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội đang râm ran chia sẻ tấm ảnh chụp cảnh một “công trường” sản xuất chân gà tại Trung Quốc sát gần biên giới Việt - Trung. Hàng tấn chân gà được đổ ra nền đất, chuẩn bị tẩm ướp hóa chất bên cạnh bãi đỗ xe vận tải để xuất sang Việt Nam. Trong bức ảnh còn thể hiện rõ những thùng chứa hóa chất bảo quản. Theo một số nguồn thông tin, chân gà là mặt hàng khó bảo quản. Do đó, để vận chuyển xa cần phải đảm bảo một quy trình đông lạnh tốt. Tuy nhiên, lâu nay các mặt hàng thịt từ Trung Quốc đưa vào Việt Nam chủ yếu qua con đường nhập lậu, phải xé lẻ mới vận chuyển theo đường mòn được. Vì vậy phải sử dụng hóa chất để tẩm ướp.

Từ nhiều năm nay, trên thị trường nội địa đã xuất hiện rất nhiều chân gà, trong đó hầu như không ai chứng nhận được chúng có nguồn gốc xuất xứ ra sao. Chân gà cũng là món ăn khoái khẩu ở các khu ẩm thực, nhà hàng-quán nhậu trong cả nước. Trong khi đó, cơ quan chức năng liên tục bắt giữ các xe chở thực phẩm lậu, không rõ xuất xứ. Mới đây, Công an phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm - Hà Nội) phối hợp với Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an quận Hoàn Kiếm đã thu gần 1 tấn chân gà không rõ nguồn gốc tại một cơ sở kinh doanh hàng thực phẩm tươi sống. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 115 thùng đựng chân gà, trọng lượng mỗi thùng 20kg. Trước đó, Đội Cảnh sát giao thông số 5 – Công an Hà Nội phát hiện hơn 1 tấn nội tạng động vật, chân gà lậu từ hướng Bắc Ninh về Hà Nội.


Lô chân gà của Trung Quốc được một bạn trẻ chụp tại khu vực gần biên giới nước ta và đưa lên mạng xã hội thời gian gần đây đã làm nhiều người nói tẩy chay chân gà không rõ nguồn gốc.


Theo tìm hiểu của PV, hiện nay các nguồn thực phẩm bẩn được tuồn về nội địa, đi sâu vào các tỉnh miền Nam từ ba đường chính: Lào Cai, Lạng Sơn - Cao Bằng và Móng Cái. Trong đó, chủ yếu từ khu vực Lạng Sơn - Cao Bằng. Tại Lạng Sơn, “tổng kho” thịt lậu phải kể tới xã Bảo Lâm và Thụy Hùng (huyện Văn Lãng). Tại đây, luôn có hàng trăm cửu vạn được các đầu nậu thuê mướn sang Trung Quốc chuyển gia cầm lậu, thịt lậu về nội địa, sau đó các chủ nậu sẽ thu gom đưa về Bắc Giang hoặc chở thẳng về Hà Nội và đi sâu vào miền Nam.

Phóng viên cũng đã có mặt tại khu vực cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng) để tiếp cận các chủ đầu nậu chuyên buôn gia cầm lậu, thịt lậu ở đây. Khi được hỏi nguồn nhập thịt về các tỉnh, các đầu nậu đều nói rằng muốn nhập bao nhiêu cũng có vì nguồn ở bên Trung Quốc rất nhiều. Nếu nhập gia cầm đã giết mổ sẵn, đóng thùng đông lạnh và chân gà thì giá sẽ rẻ hơn khoảng 30%. Từ cửa khẩu Tà Lùng, chỉ cần đi sâu vào vài cây số là đến “tổng kho” thịt ngoại.

Nhức nhối vì chiêu bài mới


Những thùng xốp chứa nội tạng nhập lậu đã bốc mùi trên xe khách chạy tuyến Hà Nội – Quảng Ngãi – Sài Gòn bị bắt giữ gần đây

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, từ năm ngoái đến nay, sau khi cả nước triển khai mạnh chiến dịch ngăn chặn gia cầm nhập lậu trái phép theo chỉ đạo của Chính phủ thì tại các cửa ngõ như Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cái… các đối tượng lại đổi sang hình thức tinh vi mới, đó là không vận chuyển gà sống (gà lông) nữa mà đem mổ sẵn ngay từ bên kia biên giới rồi đóng thùng xốp, ướp đá lạnh và thuê cửu vạn vận chuyển vào Việt Nam theo đường mòn, sau đó vận chuyển về xuôi tiêu thụ. Bằng cách này, quá trình theo dõi và phát hiện của các cơ quan chức năng còn gặp khó khăn hơn nhiều so với trước.

Ông Nông Việt Trung, đội trưởng Đội chống buôn lậu - Chi cục Hải quan cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn) cho biết, trong năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, lực lượng chống buôn lậu ở đây đã bắt được nhiều vụ vận chuyển thịt lậu đông lạnh vào nội địa theo hình thức giết mổ sẵn đóng thùng xốp. Tang vật thu giữ được không chỉ có gà mổ sẵn mà còn vịt, chim bồ câu, thịt đà điểu… Còn theo ông Hoàng Chính Phương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lào Cai, tại các cửa khẩu ở Lào Cai vừa qua cũng đã liên tục bắt giữ các vụ vận chuyển thịt lậu (chủ yếu là gia cầm, nội tạng heo) vào nội địa. Nguyên nhân vì khoảng cách từ Lào Cai về Hà Nội quá xa nên để tiện vận chuyển, các đầu nậu thường sử dụng chiêu thuê cửu vạn giết mổ gia cầm sẵn ngay ở bên kia biên giới rồi đóng thùng đá chở về xuôi. Theo ông, điều đáng lo ngại là nếu hình thức này tiếp diễn và phát triển, các đối tượng buôn lậu sẽ tiến tới dùng các loại chất bảo quản để bảo quản thịt lậu, như vậy còn gây nguy hiểm hơn cho sức khỏe người tiêu dùng. Trong vòng 1 tháng qua, các lực lượng chống buôn lậu ở tỉnh Lào Cai đã bắt giữ gần 1 tấn thực phẩm bẩn nhập lậu qua biên giới. Hàng nhập lậu chủ yếu là nội tạng động vật như: tim, tràng heo, chân gà...

Ông Lê Hải Đăng, Đội trưởng Đội QLTT số 1 TP Lào Cai, cho biết thêm: “Trong quá trình bắt giữ các lô thịt lậu trên địa bàn, khi mở các bao tải hoặc lô thùng xốp kiểm tra, chúng tôi đều gặp hiện tượng hàng đã bốc mùi rất khó chịu, nhìn bằng mắt cũng sợ. Nhiều lô được ngâm trong thứ dung dịch sền sệt, có lẽ là chất bảo quản”. Tất cả các lô thực phẩm bắt được ngay sau đó đều phải chuyển giao nhanh cho Chi cục Thú y tỉnh Lào Cai tiêu hủy, chôn lấp để đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện tại, tình trạng nhập lậu thực phẩm bẩn trên địa bàn vẫn chưa giảm. Nguyên nhân vì nguồn hàng bên Trung Quốc nhiều lại rẻ, đem lại lợi nhuận lớn cho đầu nậu. Cũng do hàng lậu được đóng gói sẵn trong thùng xốp nên khi có “động” là các đối tượng dễ dàng vứt bỏ hoặc tẩu tán để chạy thoát. Vì thế, nhiều vụ chỉ thu được tang vật, không bắt được đối tượng.

Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế vừa cho biết, để triển khai Tháng hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2014, sắp tới sẽ thành lập 9 đoàn đi thanh, kiểm tra liên ngành tại 18 tỉnh và thành phố về công tác an toàn thực phẩm. Thời gian kiểm tra sẽ bắt đầu từ 15/4 đến 15/5.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn