Bổ sung vitamin đúng cách để tăng sức đề kháng trong mùa dịch

Nhiều người tìm đến vitamin để tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch COVID-19

10 loại vitamin và khoáng chất cần bổ sung để cải thiện chuyện “phòng the”

Bạn nên bổ sung những loại vitamin nào trong mùa dịch COVID-19?

Tại sao bạn cần bổ sung vitamin C vào mùa Hè?

Những dấu hiệu cảnh báo bạn thiếu Vitamin D

Vitamin là nhóm các vi chất được chứng minh có vai trò quan trọng với hệ miễn dịch và các chức năng khác của cơ thể. Con đường bổ sung vitamin đơn giản nhất là thông qua chế độ ăn uống hợp lý và đa dạng, giàu trái cây, rau xanh và cả thực phẩm có nguồn gốc từ động vật (sữa, trứng, thịt).

Với một số đối tượng như bà bầu, người cao tuổi, người suy dinh dưỡng, tình trạng thiếu hụt vitamin có thể nghiêm trọng hơn và khó có thể bù đắp nhờ chế độ dinh dưỡng. Khi đó, bác sỹ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng một số dạng thực phẩm bổ sung chuyên biệt như vitamin D, vitamin B...

Tuy chỉ là các yếu tố vi lượng, lạm dụng vitamin để “tẩm bổ” có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Vì lý do đó, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ về công dụng và liều dùng trước khi sử dụng các dạng thực phẩm bổ sung vitamin.

Tham khảo ý kiến bác sỹ

Phụ nữ có thai cần tham khảo ý kiến bác sỹ và thận trọng khi bổ sung vitamin

Mặc dù vitamin thường được bán tại các nhà thuốc mà không cần kê đơn, người tiêu dùng vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sỹ về tình trạng sức khỏe của mình trước khi sử dụng.

Dựa trên thể chất, độ tuổi, cân nặng, chế độ ăn uống hiện tại của bạn, bác sỹ sẽ có chỉ định cụ thể về nhóm vitamin bạn cần bổ sung. Ví dụ, phụ nữ có thai có nhu cầu folate (vitamin B9) cao hơn thông thường, trong khi người cao tuổi cần bổ sung vitamin D.

Đặc biệt, một số vi chất trong viên uống vitamin tổng hợp có thể tương tác với thuốc điều trị (bao gồm thuốc chống đông máu, một số loại thuốc kháng acid và kháng sinh). Người tiêu dùng cần cân nhắc một số vấn đề sau trước khi sử dụng sản phẩm bổ sung vitamin nhằm cải thiện sức khỏe trong mùa dịch:

Tuân thủ hướng dẫn sử dụng và liều lượng

Lạm dụng vitamin hoặc uống quá liều có thể gây ra nhiều vấn đề về tiêu hóa

Tình trạng quá liều vitamin nguy hiểm không kém tình trạng thiếu hụt vitamin, dưỡng chất. Ví dụ, sử dụng vitamin C qua đường uống quá liều có thể dẫn đến viêm loét dạ dày, tiêu chảy, buồn nôn và nhiều vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa… Dùng vitamin A liều cao kéo dài có thể gây những triệu chứng ngộ độc mạn tính như đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, đặc biệt nguy hiểm với bà bầu và trẻ nhỏ.

Người tiêu dùng nên tuân theo các khuyến nghị về liều lượng được in trên nhãn hoặc do bác sỹ chỉ dẫn khi bổ sung vitamin hàng ngày. Nhà sản xuất đã tính toán liều lượng vừa đủ với nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể trong ngày. Nếu bạn quên uống vitamin trong ngày, tuyệt đối không uống gấp đôi liều lượng vào ngày hôm sau. 

Uống vitamin đúng lúc

Hiện nay, vẫn còn rất nhiều tranh cãi về thời điểm sử dụng vitamin lý tưởng nhất. Tuy nhiên, bạn không nên uống vitamin vào buổi tối muộn. Hệ tiêu hóa sẽ nghỉ ngơi vào thời điểm này, do đó, các vi chất sẽ không được hấp thụ hiệu quả.

Bạn nên tạo thói quen uống vitamin vào 1 thời điểm cố định trong ngày để tránh tình trạng quên liều. Đồng thời, bạn cần tránh uống vitamin hoặc thực phẩm bổ sung khi bụng rỗng. Vitamin A, D, E và K là các vitamin tan trong chất béo, do đó bạn nên ăn nhẹ trước khi uống. Tương tự, bạn nên uống đủ nước khi sử dụng các vitamin dễ tan trong nước như vitamin B, C.

Tác dụng phụ có thể xảy ra khi uống vitamin

Táo bón, tiêu chảy, đau bụng có những tác dụng phụ tạm thời có thể xảy ra khi bạn bắt đầu sử dụng vitamin. Khi cơ thể thích ứng dần, tình trạng này sẽ biến mất. Tuy nhiên, nếu các phản ứng trên kéo dài nhiều ngày, đi kèm dị ứng, bạn cần ngay lập tức trao đổi với bác sỹ điều trị hoặc đến cơ sở y tế gần nhất.

Bảo quan vitamin đúng cách

Cất giữ vitamin, dược phẩm và thực phẩm chức năng tránh xa tầm tay của trẻ

Để đảm bảo an toàn khi sử dụng vitamin, nên chú ý bảo quản ở nơi khô ráo và tránh ánh sáng trực tiếp. Với gia đình có trẻ nhỏ, cha mẹ cần đặt vitamin xa khỏi tầm với của trẻ để ngăn ngừa tình trạng ngộ độc nguy hiểm.

Thực phẩm bổ sung vitamin không thể thay thế hoàn toàn cho chế độ ăn uống và thuốc điều trị. Để có hệ miễn dịch khỏe mạnh, người tiêu dùng nên kết hợp lối sống lành mạnh, dinh dưỡng cân bằng với thực phẩm chức năng phù hợp với thể trạng.

Quỳnh Trang H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Kinh doanh - Tiêu dùng