Ngành TPCN: Tiên phong xây dựng bản đồ công nghệ

Xây dựng bản đồ công nghệ đang là một yêu cầu cấp thiết đối với các ngành nghề ở Việt Nam

Chiến lược phát triển công nghiệp của một quốc gia phải có tính cạnh tranh hơn một quốc gia khác. Các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều dựa vào sự phát triển của khoa học, công nghệ. Công nghệ (như công nghệ sinh học, công nghệ chính xác, công nghệ nông nghiệp, công nghệ vũ khí…) có thể làm thay đổi diện mạo kinh tế của một quốc gia - một đất nước nhỏ bé, không có tài nguyên thiên nhiên, dân số không đông lại lọt thỏm xung quanh các quốc gia thù địch như Israel trở nên hùng cường khiến cả thế giới khâm phục. 
Làm thế nào để phát triển nhanh, bền vững? Đó là sự phát triển kinh tế phải lấy trọng tâm là công nghệ, đổi mới toàn diện về công nghệ, trong đó công nghệ về tổ chức, quản lý vĩ mô phải tái cơ cấu đầu tiên.
Việt Nam đã trở thành quốc gia có nền kinh tế đang trên đà phát triển. Đảng và Nhà nước ta đã xác định con đường cho kinh tế Việt Nam là công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng phát triển nhanh và bền vững. Làm thế nào để phát triển nhanh, bền vững? Đó là sự phát triển kinh tế phải lấy trọng tâm là công nghệ, đổi mới toàn diện về công nghệ, trong đó công nghệ về tổ chức, quản lý vĩ mô phải tái cơ cấu đầu tiên. Tiếp đó là công nghệ đào tạo nhân lực, đội ngũ tri thức, đội ngũ quản lý, trình độ tay nghề, năng suất lao động… Một phần hết sức quan trọng là công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất phải được đặt trong tầm nhìn dài hạn và các hành động cụ thể thiết thực để giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận, áp dụng các công nghệ cao để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm giá thành và tiết kiệm năng lượng. 

Với bản đồ công nghệ, không chỉ các cơ quan quản lý mà cả các doanh nghiệp cũng hiểu được cần phát triển theo hướng nào và lựa chọn công nghệ gì cho hướng phát triển đó
Vấn đề cấp thiết đặt ra là cần xây dựng một tấm bản đồ công nghệ phù hợp.
Bản đồ công nghệ là gì? 
Từ Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu tới doanh nghiệp, mỗi đối tượng tương ứng với một quy mô bản đồ công nghệ đặc thù riêng.
Bản đồ công nghệ là một kế hoạch phát triển công nghệ trong đó xác định các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của một đối tượng chủ thể (ví dụ: doanh nghiệp, ngành công nghiệp, Chính phủ, …) và những công nghệ cần được làm chủ để đáp ứng các mục tiêu này. Bản đồ công nghệ cũng đồng thời là công cụ cơ sở giúp lên kế hoạch tập trung và điều phối các nguồn lực dành cho phát triển công nghệ. Hay nói chính xác hơn, xây dựng các bản đồ công nghệ để qua đó xác định rõ các phương hướng cần nghiên cứu và giúp phân phối nguồn lực đầu tư giữa các hướng nghiên cứu một cách hợp lý. Từ Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, tới doanh nghiệp, mỗi đối tượng tương ứng với một quy mô bản đồ công nghệ đặc thù riêng.
Việc xây dựng bản đồ công nghệ cho từng lĩnh vực công nghiệp như ngành cơ khí chế tạo, năng lượng hạt nhân, viễn thông tin học, công nghiệp quốc phòng, y sinh dược học… là rất cấp thiết. Thông qua việc xác lập từng giai đoạn, ứng với khả năng và nguồn lực quốc gia (quản lý, tài chính, năng lượng, …) để Nhà nước hoạch định chiến lược phát triển cho từng ngành sao cho hiệu quả nhất. Cái quan trọng của bản đồ công nghệ quốc gia là các ngành liên quan sẽ căn cứ vào đó để xây dựng lộ trình cho ngành mình. Các doanh nghiệp cũng căn cứ vào bản đồ ngành để xây dựng cho mình bản đồ công nghệ phù hợp với quy mô, phù hợp với năng lực của từng doanh nghiệp. Ví dụ, công ty lớn, tập đoàn sẽ làm nhiệm vụ dẫn đầu thị trường về sản phẩm và công nghệ, các công ty vừa và nhỏ sẽ có chiến lược làm theo, bắt chước...

Việc xây dựng bản đồ công nghệ là yêu cầu cấp thiết hiện nay

Xây dựng bản đồ công nghệ: Lợi ích không nhỏ
Để xây dựng bản đồ công nghệ, người ta thường tìm hiểu xuất phát từ hai hướng: Thị trường đang cần sản phẩm gì, sản phẩm ấy cần công nghệ như thế nào? Và trình độ công nghệ của chúng ta đang ở đâu, có thể dùng vào mục tiêu gì và khả năng nâng cấp tới mức nào? Tư duy theo hai hướng nói trên khi gặp được nhau sẽ giúp giải đáp tiếp một loạt câu hỏi: Cần đầu tư cho ngành gì và phải nắm giữ những công nghệ nào? Cái gì thì nên tự nghiên cứu, cái gì thì nên mua sẵn, cái gì thì nên mua về tìm hiểu rồi tự mô phỏng nhân rộng?
Bản đồ công nghệ giúp công tác nghiên cứu và phát triển (Research and Development – R&D) công nghệ tránh trùng lặp hoặc tránh đầu tư dàn trải, tăng hiệu quả đầu tư R&D.
Vậy lợi ích của việc có bản đồ công nghệ là gì? Có thể chỉ ra 4 lợi ích cơ bản. Thứ nhất, các doanh nghiệp sẽ nhận diện được trọng tâm, trọng điểm, trình tự các yêu cầu phát triển của các sản phẩm hay dịch vụ, do đó xây dựng được chương trình hành động thiết thực và hiệu quả hơn. Thứ hai, doanh nghiệp có thể nhận dạng được các công nghệ quan trọng, các công nghệ sẽ đến từ tương lai để áp dụng vào quy trình chế tạo hay đổi mới sản phẩm. Thứ ba là giúp công tác nghiên cứu và phát triển (Research and Development – R&D) công nghệ tránh trùng lặp hoặc tránh đầu tư dàn trải, tăng hiệu quả đầu tư R&D. Thứ tư việc có được bản đồ công nghệ sẽ giúp Chính phủ tham gia tốt hơn, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bản đồ công nghệ ấy. Chẳng hạn, Bộ Khoa học&Công nghệ giúp kết nối cung cầu công nghệ giữa các doanh nghiệp, tổ chức khoa học, hoặc hỗ trợ đổi mới công nghệ, giúp mua bán, chuyển giao công nghệ phù hợp. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được lợi khi mà ngân sách cho công tác R&D thấp. Theo Luật khoa học & Công nghệ mới được ban hành gần đây, Chính phủ rất khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho công tác R&D, tối đa không tính thuế là 10% doanh thu, các doanh nghiệp Nhà nước thì bắt buộc đầu tư ít nhất 3%. Ngoài ra, việc thành lập các doanh nghiệp khoa học công nghệ cũng được Chính phủ ưu đãi về chính sách thuế, ưu đãi tín dụng, tiếp cận các quỹ…


Xây dựng bản đồ công nghệ thực phẩm chức năng
Thực tế cho thấy, Việt Nam chưa có một bản đồ công nghệ đúng nghĩa ở tầm ngành công nghiệp chứ chưa nói tới tầm quốc gia. Chính vì thế, chúng ta đã phạm không ít sai lầm trong việc lựa chọn công nghệ cho nghiên cứu và ứng dụng vào đầu tư sản xuất, khiến tài nguyên và cơ hội phát triển bị lãng phí. 
Nhận định được vấn đề này, Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) đã giao cho Viện Thực phẩm chức năng (VIDS) xây dựng bản đồ công nghệ cho ngành thực phẩm chức năng từ nay tới năm 2030. 

Xây dựng bản đồ công nghệ sẽ giúp ngành TPCN phát triển nhanh và bền vững
Theo các chuyên gia của Hội đồng khoa học thuộc VIDS, từ 2015 – 2020, VIDS sẽ làm chủ được công nghệ Nano-Phytoxome của các hoạt chất sinh học và đến năm 2030, ngành TPCN sẽ chủ động nghiên cứu được các hoạt chất đi từ công nghệ sinh học như công nghệ gene, ADN, nuôi cấy mô và công nghệ chiết xuất thảo dược bằng enzyme... 
Việc xác lập bản đồ công nghệ thực phẩm chức năng sẽ giúp ngành thực phẩm chức năng hiện thực hóa nhanh và bền vững Chiến lược Phát triển thực phẩm chức năng giai đoạn 2013 - 2020 và tầm nhìn 2030 mà VAFF đã xây dựng và công bố từ năm 2013.
Theo Bộ Khoa học & Công nghệ tại Hội thảo Vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ ở Việt Nam, những quyết định đầu tư liên quan tới chuyên môn khoa học công nghệ ở tầm ngành không thể chỉ xây dựng căn cứ trên ý kiến của một số nhà quản lý, công chức Nhà nước. Phải có những hội đồng hoạt động chuyên nghiệp, với những cá nhân nhà khoa học có uy tín cao trong và ngoài nước, đặc biệt là đối với những kế hoạch phát triển dài hơi, cần một nguồn ngân sách lớn.
DS. Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất