Phần cuối: Hiện đại hóa và giữ gìn bản sắc y học cổ truyền

Hiện đại hóa đem lại nhiều lợi thế cho y học cổ truyền phương Đông (ảnh minh họa)

Chúc Xuân Kỷ Hợi sẽ thăng hoa

Đầu năm nói chuyện sức khỏe: Sức khỏe là gì?

Chiêm ngưỡng những bức ảnh thiên nhiên và khoa học đẹp nhất năm 2018

8 điều bác sỹ tim mạch khuyên bạn nên làm để hạ cholesterol

Tìm đọc: Sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và y học hiện đại - Thành tựu và Hệ quả
Văn hóa phương Đông và y học cổ truyền phương Đông chứa đựng những giá trị tiềm ẩn cực kỳ quý báu nhưng chưa được nghiên cứu làm sáng tỏ. 
Y học cổ truyền là “toàn bộ kiến thức, kỹ năng và thực hành dựa trên lý luận, lòng tin và kinh nghiệm vốn có của những nền văn hóa khác nhau, dù đã được giải thích hay chưa, nhưng được sử dụng để duy trì sức khỏe, cũng như để phòng bệnh, chẩn đoán, cải thiện hoặc điều trị tình trạng đau ốm về thể xác hoặc tinh thần” (Định nghĩa về y học cổ truyền, Tổ chức Y tế Thế giới, 2000).
Lý luận y học cổ truyền phương Đông rất phong phú, độc đáo, sâu sắc, tiếp cận vấn đề sức khỏe và bệnh tật trên cơ sở phương pháp tư duy tổng thể, biện chứng, toàn diện nhưng rất tiếc là được diễn đạt một cách trừu tượng, có tính định tính và rất ít tính định lượng. Thực hành chẩn đoán và điều trị của y học cổ truyền mặc dù đã được thực nghiệm trên thực tế (field tested) trên hàng trăm triệu người trong suốt hàng ngàn năm lịch sử nhưng trong đa số trường hợp chưa được chứng minh bằng khoa học kỹ thuật hiện đại. Chính vì lý do này mà việc tìm hiểu, học tập, thừa kế, phổ biến, phát huy y học cổ truyền gặp không ít khó khăn trong đời sống và xã hội hiện đại.
Trong quá trình hình thành và phát triển nền y học cổ truyền phương Đông, ngay từ buổi sơ khai các nhà y học cổ truyền đương thời cũng đã nghĩ đến việc sử dụng phương pháp đối chứng, so sánh để đánh giá hiệu quả của dược liệu và các phương pháp chữa bệnh. Từ thế kỷ X, để đánh giá tác dụng của nhân sâm người ta đã so sánh sức bền của người sử dụng nhân sâm và người không sử dụng nhân sâm khi cùng chạy trên một quãng đường (Bencao Tujong, Atlas of Materia Medica, 1061, A.D.). Mặc dù vậy, các phương pháp đối chứng được áp dụng trong lịch sử chưa đáp ứng được các đòi hỏi và tiêu chuẩn nghiêm ngặt của các phương pháp thực nghiệm khoa học hiện đại. Vì vậy, lý luận và thực hành của y học cổ truyền chủ yếu được tổng kết từ kinh nghiệm lâm sàng, được truyền miệng và chỉ có một số ít được ghi chép, tổng kết trong một số y văn kinh điển cổ xưa. Thực ra, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn lâm sàng chỉ là một trong những nghiên cứu y khoa đơn giản. Nó còn cần được bổ sung bằng các nghiên cứu thực nghiệm khoa học thiết kế trên các mẫu nghiên cứu ngẫu nhiên có kiểm soát (RCT: Randomised Controlled Trial) để tiến tới trở thành một nền y học bằng chứng (EBM: Evidence Based Medicine).
Người xưa không phải không biết về những hạn chế của trình độ khoa học kỹ thuật đương thời. Trước rất nhiều hiện tượng thiên nhiên và xã hội, người xưa có câu: “Tri kỳ nhiên, bất tri kỳ sở hữu nhiên”, tạm dịch: Biết là thế nhưng không hiểu vì sao như thế. Trong y học cổ truyền, câu nói này thể hiện sự hạn chế của trình độ khoa học kỹ thuật đương thời, chưa giải thích và chứng minh được cơ sở khoa học của y học cổ truyền.
Y học cổ truyền cần được hiện đại hóa để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của con người
Ngày nay, y học cổ truyền cần được hiện đại hóa để tránh nguy cơ trở thành một thứ đồ cổ trong chiều sâu của thời gian mà phải trở thành một nền y học phục vụ con người trong xã hội hiện đại, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của mọi người đối với y học cổ truyền. Mặc dù người bệnh và nhân dân có thể chấp nhận sử dụng y học cổ truyền dựa trên lòng tin và kinh nghiệm lưu truyền từ ngàn năm nhưng người bệnh, thầy thuốc và các nhà quản lý y tế vẫn ngày càng mong muốn các phương pháp chữa bệnh bằng y học cổ truyền phải an toàn, có chất lượng, hiệu quả và phải được giám sát để bảo vệ lợi ích của người bệnh. Các thầy thuốc trong xã hội hiện đại đòi hỏi phải làm sáng tỏ cơ sở khoa học của y học cổ truyền để dễ dàng chấp nhận sử dụng y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, để y học cổ truyền trở thành một thành phần hữu cơ của nền y học tiên tiến. Cơ sở khoa học của y học cổ truyền cũng giúp cho các nhà hoạch định chính sách và quản lý y tế đưa ra những quyết định đúng đắn.
Hiện đại hóa y học cổ truyền là sử dụng kiến thức, công cụ và phương pháp luận nghiên cứu khoa học kỹ thuật hiện đại để tìm hiểu, chứng minh cơ sở khoa học của các nguyên lý, lý thuyết và phương pháp chữa bệnh, phòng bệnh, các vị thuốc, bài thuốc y học cổ truyền.
Để hiện đại hóa y học cổ truyền, trước tiên phải thừa kế tốt cả lý luận và các phương pháp của y học cổ truyền. Thừa kế là cơ sở để phát huy, phát triển và hiện đại hóa. Phải hiểu sâu sắc và thừa kế tốt lý luận y học cổ truyền vì hệ thống lý luận này là bản sắc của y học cổ truyền. Trên cơ sở thừa kế, cần sử dụng khoa học hiện đại làm công cụ nghiên cứu để chứng minh, giải thích và nâng cao. Có thể dùng khoa học hiện đại để tạo ra những kỹ thuật mới mà người xưa đã có lý luận và phương pháp nhưng chưa phát huy được trong xã hội hiện đại. Hiện đại hóa y học cổ truyền cũng có nghĩa là sử dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để làm cho y học cổ truyền có hiệu quả hơn. Trên ý nghĩa đó, sự tham gia nghiên cứu y học cổ truyền của các nhà y học, các nhà khoa học thuộc các ngành vật lý, hóa học, sinh học và đặc biệt là khoa học công nghệ thông tin… là vô cùng cần thiết và quan trọng.
Hiện đại hóa y học cổ truyền chắc chắn là một quá trình lâu dài
Nói đến hiện đại y học cổ truyền không thể không nói đến hiện đại hóa nhưng không làm mất bản sắc thuốc cổ truyền.
Cần thực hiện tốt công tác thừa kế các vị thuốc, các phương dược, các phương pháp chế biến, bào chế cổ truyền, kể các các cây thuốc, vị thuốc dân gian, đặc biệt là của hơn 50 dân tộc ít người trên lãnh thổ Việt Nam. Cần sưu tầm và nắm vững phương pháp và công nghệ chế biến, bào chế cổ truyền. Đặc biệt cần nghiên cứu cơ sở khoa học của phép lập phương, nghiên cứu, đánh giá độ an toàn, hiệu lực của thuốc cổ truyền. Với sự phát triển của hóa học và sinh học hiện nay, chúng ta có cơ sở để tiêu chuẩn hóa các vị thuốc và dược liệu đồng thời có thể hiện đại hóa công nghệ chế biến, bào chế thuốc cổ truyền để xây dựng một nền công nghiệp bào chế thuốc cổ truyền đặc sắc của Việt Nam. 
Hiện đại hóa nhưng vẫn giữ bản sắc chính là phải nắm vững tính năng, quy kinh và phép bổ tả của bài thuốc, phương thuốc cổ truyền, giữ gìn tôn trọng phép phối ngũ, lập phương để bảo toàn hiệu lực của những bài thuốc cổ truyền dưới những dạng bào chế mới, hiện đại, có hiệu lực cao hơn, chất lượng tốt hơn, an toàn, dễ bảo quản, tiện dùng, phù hợp với điều kiện sống của xã hội công nghiệp. Hiện đại hóa thuốc cổ truyền còn có tác dụng đẩy mạnh việc sử dụng thuốc cổ truyền ở các nước công nghiệp phát triển, tăng cường lòng tin của thầy thuốc y học hiện đại và của nhân dân đối với nền y học phương Đông, tăng cường sự giao lưu, hợp tác của hai nền y học, làm cho y học cổ truyền phương Đông ngày càng có vị trí xứng đáng trên thế giới.
Giữ gìn bản sắc của y học cổ truyền không có nghĩa là bảo thủ, không chịu cải tiến, không chịu áp dụng những tiến bộ kỹ thuật và những thành quả của khoa học hiện đại để làm sáng tỏ cơ sở khoa học và phát huy hơn nữa hiệu quả của y học cổ truyền. Giữ gìn bản sắc phải đi đôi với hiện đại hóa, nếu không y học cổ truyền sẽ thành một thứ đồ cổ trong sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ. Hiện đại hóa nhưng đánh mất bản sắc là đánh mất phép tư duy biện chứng trong nhận thức về tình trạng sức khỏe và bệnh tật của con người. 
Hiện đại hóa y học cổ truyền chắc chắn là một quá trình lâu dài. Một mặt, do nhận thức là một quá trình đồng thời với tiến trình phát triển khoa học và công nghệ. Tiêu chí để đánh giá sự thành công của quá trình hiện đại hóa y học cổ truyền là phải làm tăng tính an toàn và hiệu quả của y học cổ truyền nhằm vào việc phục vụ lợi ích của người bệnh. 
Trong bối cảnh quá trình hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển như vũ bão hiện nay, việc hiện đại hóa y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại cần được xem xét trong mối quan hệ của hai nền văn minh Đông – Tây, để y học cổ truyền phương Đông góp phần xứng đáng vào việc phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu, đảm bảo cho nhân loại có chất lượng cuộc sống và sức khỏe ngày càng cao.
PGS.TS Lê Văn Truyền
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất