6 loại trà thảo dược giảm nhanh cơn đau đầu

Uống trà gừng giúp giảm đau đầu do căng thẳng

6 loại trà thảo dược giúp giảm đầy bụng, khó tiêu

Dùng trà thảo mộc thế nào mới đúng - tốt?

Tại sao nên uống trà thảo dược?

Các loại trà tốt cho sức khỏe: Bạn đã uống được mấy loại?

Nguyên nhân chính gây đau đầu là các thụ thể đau ở đầu và cổ được kích thích do nhiều nguyên nhân như: Nhiễm trùng, nóng hoặc lạnh, tiếng ồn lớn, chấn thương ở cổ, đầu hoặc cột sống, đau mắt, tai, mũi và họng. Tăng huyết áp, tác dụng phụ của loại thuốc nào đó, chế độ ăn uống, tư thế, mất cân bằng nội tiết tố... cũng có thể gây đau đầu. 

Nếu bị cơn đau đầu hành hạ, thay vì uống thuốc giảm đau, bạn có thể thử các loại trà thảo dược dưới đây. 

1. Trà gừng 

Gừng làm giảm các cơn đau đầu do căng thẳng, do lạnh và gió. 

Cách làm: Đun sôi 1,5 bát nước trong nồi, thêm khoảng 2 thìa cà phê gừng tươi thái lát và 2 thìa cà phê đường nâu, đun nhỏ lửa trong khoảng 5 phút. Lọc trà và uống nóng. Bạn có thể cho thêm mật ong thay vì đường nâu nếu thích, nhưng không nên cho mật ong vào trà khi còn nóng. 

Bạn có thể uống khoảng 3 cốc mỗi ngày khi bị đau đầu. 

Tác dụng phụ: Uống nhiều gừng có thể gây ợ nóng, kích ứng trong miệng và tiêu chảy. Gừng có thể làm tăng sản xuất mật nên những người bị sỏi mật nên tránh gừng. Những người dùng thuốc làm loãng máu cũng nên tránh gừng. 

2. Trà hoa cúc La Mã

Cúc La Mã có chứa một hợp chất hóa học được gọi là chamazulene có đặc tính chống viêm, chống oxy hóa, giảm đau, hạ sốt và sát trùng. Trà hoa cúc La Mã là một loại thuốc tự nhiên giúp thư giãn và giảm đau. Uống trà hoa cúc sẽ giúp giảm đau đầu và căng thẳng. 

Cách làm: Đổ 1 thìa canh hoa cúc tươi hoặc 2 thìa cà phê hoa cúc khô trong cốc nước sôi, ngâm khoảng 10 - 15 phút. Lọc và để nguội bớt hãy uống. Bạn có thể uống 3 - 4 cốc trà hoa cúc mỗi ngày, giữa các bữa ăn.

Tác dụng phụ: Uống quá nhiều trà hoa cúc La Mã có thể gây buồn nôn. Nếu bạn bị dị ứng với hoa cúc, tốt nhất nên tránh. Phụ nữ mang thai cũng không nên uống trà hoa cúc La Mã vì nó làm tăng nguy cơ sảy thai. Với người đang dùng thuốc làm loãng máu, thuốc an thần, tăng huyết áp hoặc thuốc điều trị đái tháo đường, thuốc nội tiết, tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sỹ vì hoa cúc có thể tương tác với những thứ này. 

3. Trà bạc hà 

Trà bạc hà là một phương thuốc tự nhiên của người Ai Cập cổ đại và tiếp tục được sử dụng ở Trung Đông và châu Á. Trà bạc hà cũng đã được liệt kê trong Dược điển Hoa kỳ hơn 150 năm trước. Bạc hà có tác dụng làm dịu, nên giúp giảm đau đầu, lo âu, các vấn đề về dạ dày. Bạc hà có chứa tinh dầu và methyl salicylate, đều có tác dụng chống co thắt.

Cách làm: Ngâm 1 thìa cà phê lá bạc hà khô trong 1 cốc nước sôi. Lọc rồi uống. Bạn có thể uống trà bạc hà 4 - 5 lần một ngày, uống giữa các bữa ăn. 

Tác dụng phụ: Không cho trẻ dưới 12 tuổi uống trà bạc hà vì nó gây cảm giác nghẹt thở. Không uống trà bạc hà nếu bạn bị trào ngược acid dạ dày. 

4. Trà tía tô đất, bạc hà chanh (Lemon Balm) 

Tía tô đất có tác dụng giảm đau, an thần nhẹ. Khi được vò nát, lá tía tô đất tỏa ra mùi thơm dễ chịu. Các chuyên gia khuyên những người bị đau nửa đầu nên uống trà tía tô đất. 

Cách làm: Ngâm 1 thìa cà phê lá tía tô đất khô trong một cốc nước sôi. Bạn có thể uống tối đa 4 cốc trà mỗi ngày. Bạn có thể cho thêm gừng, bột nghệ vào loại trà này để tăng thêm hương vị và tăng khả năng chống viêm.

Tác dụng phụ: Tía tô đất có thể tương tác với thuốc an thần, thuốc tuyến giáp. Nếu bạn đang phải dùng những loại thuốc này, thì hãy hỏi ý kiến bác sỹ trước khi uống trà tía tô đất. Bạn cũng nên tránh uống trà tía tô đất nếu đang dùng thuốc điều trị HIV vì tương tác giữa tía tô đất với thuốc kháng virus chưa được nghiên cứu đầy đủ. 

5. Trà thảo dược hỗn hợp 

Sự kết hợp của các loại thảo dược như quế, hương thảo và bạc hà đều có tác dụng giảm đau đầu. 

Cách làm: Ngâm một lượng nhỏ quế, hương thảo và bạc hà trong nước sôi khoảng vài phút. Lọc trà và thưởng thức. Hương thảo có tác dụng làm dịu, giảm đau đầu. Quế có tác dụng rất tốt đối với bệnh đau đầu do cảm lạnh. Quế cũng tạo vị ngọt tự nhiên cho cốc trà của bạn. 

6. Trà hương nhu (Tulsi) 

Hương nhu có đặc tính chống viêm, giúp giảm đau đầu và đau nửa đầu. Trà hương nhu tía cũng rất an toàn, bất cứ ai cũng dùng được. 

Cách làm: Đun sôi 1 năm lá hương nhu trong nước. Để nguội rồi lọc trà trước khi uống. 

Vân Anh H+ (Theo curejoy)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất