Những dấu hiệu viêm họng mà mẹ phải thuộc lòng để bảo vệ bé yêu

Nhận biết viêm họng qua các dấu hiệu đơn giản

Bé đi học mẫu giáo dễ rước bệnh lây nhiễm

Bé đi học mẫu giáo dễ rước bệnh lây nhiễm

Xa rời bầu sữa mẹ, bé dễ bị bệnh đường hô hấp

Vì viêm họng dai dẳng nên bé bị viêm phế quản

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, trong số các bệnh đường hô hấp, viêm họng là bệnh dễ mắc nhất ở trẻ nhỏ, tuy không nguy hiểm, nhưng nếu không chữa trị kịp thời sẽ gây ra nhiều hậu quả về sau như viêm amidan hay phổi bị tổn thương.

Viêm họng là tình trạng viêm (sưng) hoặc nhiễm trùng của các mô và cơ cấu trong họng. Khi mắc bệnh này, trẻ sẽ có dấu hiệu đau họng, nhức đầu, hai hạch nhân to, sần sùi, tiết dịch, hạch ở cổ và dưới hàm sưng to và đau. Đối tượng dễ mắc nhất là trẻ dưới 5 tuổi do sức đề kháng và hệ miễn dịch còn yếu ớt. Bên cạnh đó, trẻ đi học mẫu giáo dễ bị lây nhiễm bệnh, virus, vi khuẩn vì tiếp xúc với bạn bị ốm hay chơi chung đồ chơi bị dính mầm bệnh.

Có nhiều nguyên nhân gây viêm họng nhưng phần lớn là do các loại virus (80%), còn lại là do vi khuẩn (chủ yếu liên cầu khuẩn tán huyết nhóm A Streptococcus) và các yếu tố nguy cơ như thay đổi thời tiết, khói bụi, hoá chất...

Dưới đây là một số thông tin quan trọng liên quan đến bệnh viêm họng ở trẻ mà các mẹ nên lưu tâm và cố gắng phòng tránh tốt cho con.

Dấu hiệu chung của viêm họng

Viêm họng đỏ: Niêm mạc hầu đỏ hơn bình thường. Là bệnh thường gặp khi thay đổi thời tiết, vào mùa lạnh. Bé bị sốt cao 39 - 40 độ C, mệt mỏi, đau mình mẩy, kém ăn, bỏ ăn. Nếu do nhiễm khuẩn thì sẽ có các biểu hiện nhiễm khuẩn như môi khô, miệng hôi, mạch nhanh, mặt bơ phờ mệt mỏi. Phổ biến là các dạng viêm họng sau:

Viêm họng đỏ xuất tiết: Loại này hay gặp nhất, chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi. Sốt, nuốt đau, đau đầu. Khám họng thấy niêm mạc hầu đỏ hơn bình thường, các amidan to nhiều hay ít. Có thể có biến chứng viêm tấy quanh amidan (apxe giữa thành hầu và amidan) gây cứng khít hàm (co cứng các cơ nhai) và khó nuốt.

Viêm họng trong các bệnh phát ban: Ðây là triệu chứng chủ yếu của các bệnh tinh hồng nhiệt (ban đỏ), sởi, rubeon.

Viêm họng do liên cầu khuẩn: Đau họng (không kèm theo chảy nước mũi), đau khi nuốt, sốt cao hơn 38 độ C, amidan và các hạch bạch huyết sưng lên, cổ họng màu đỏ tươi, xuất hiện các đốm trắng hoặc màu vàng, buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu, phát ban… Nếu không điều trị kịp thời, bé sẽ dễ bị nhiều biến chứng nguy hiểm: Thấp khớp, viêm cầu thận, viêm tai giữa, apxe quanh amidan...

Viêm họng trắng: Chỉ các loại viêm họng có niêm mạc hầu bị phủ một lớp bựa trắng, thường gây nổi hạch ở vùng cổ. Có nhiều loại viêm họng trắng:

Viêm họng bựa: Triệu chứng cũng giống như viêm họng đỏ nhưng trên mặt amidan có phủ một lớp bựa trắng có thể bóc ra một cách dễ dàng.

Viêm họng mụn nước và viêm họng herpes (mụn rộp) do virus bệnh zona và virus herpes: Khám thấy vùng khẩu hầu có màu đỏ rải rác có nhiều mụn nhỏ trắng còn lành hay đã vỡ, giống như những nốt loét nhỏ.

Viêm họng giả mạc: Chỉ chiếm 2 - 3% nhưng cần phải cảnh giác vì nó có thể là viêm họng bạch hầu. Bé bị nhợt nhạt, sốt trên 38,5 độ C. Giả mạc (mủ viêm làm thành một cái màng giả bám trên niêm mạc của amidan và họng) có màu trắng, xám, dai và rất dính.

Viêm họng loét: Niêm mạc hầu có một hay nhiều nốt loét, ít gặp hơn so với hai loại trên.

Đặc biệt, phải hết sức chú ý với những loại viêm họng sau:

Viêm họng hạt: Là viêm họng mạn tính tái phát. Bệnh không nặng nhưng gây khó chịu, nhất là trong giao tiếp. Bệnh kích thích họng gây khó chịu. Người bệnh lúc nào cũng thấy vướng trong họng, ngứa họng, phải đằng hắng hay ho nhẹ một tiếng mới hết và nhanh bị ngứa họng, lại phải đằng hắng hay ho nhẹ một cái.

Viêm họng do hội chứng trào ngược dạ dày thực quản: Hiện tượng trào ngược sẽ gây kích ứng niêm mạc thực quản, làm cho nó bị viêm. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh về đường hô hấp trên trong đó có viêm/sưng/đau ở họng, viêm thanh quản. Bé cảm thấy: Cồn cào ruột gan, nóng rát ở ngực, ăn không tiêu, đầy hơi, nấc liên tục, ợ chua, buồn nôn, khàn giọng… lâu ngày có thể để lại các biến chứng như: Hơi thở hôi, hẹp thực quản, loét thực quản, tiền ung thư thực quản...

Các mẹ nên nằm lòng những dấu hiệu nhận biết từng loại viêm họng trên đây để có giải pháp điều trị cho bé khi bé mới chớm mắc. Chỉ cho bé uống thuốc Tây khi có chỉ định điều trị, cần thực hiện nghiêm túc, uống thuốc theo toa, đúng phác đồ kháng sinh được kê toa. Cần cho trẻ uống đúng thuốc, đủ liều, đúng thời gian, không được tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị vì điều trị không đúng sẽ để lại tình trạng kháng thuốc, làm cho điều trị sau này gặp nhiều khó khăn.

Biết Tuốt H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hô hấp