Thị trường Thực phẩm chức năng: Nhìn từ góc độ quản lý

Năm 2004, Bộ Y tế (trong Thông tư 08/TT-BYT, 23/8/2004) đã đưa ra định nghĩa chính thức về TPCN: “TPCN là thực phẩm (hoặc sản phẩm) dùng để hỗ trợ (phục hồi, duy trì hoặc tăng cường) chức năng của các bộ phận trong cơ thể, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật”. Định nghĩa này như một định hướng thông tin giúp người tiêu dùng hiểu hơn và tiếp cận đúng với sản phẩm TPCN.


Theo Thông tư này, một sản phẩm được coi là TPCN phải được công bố đầy đủ về chất lượng (thành phần nguyên liệu, hàm lượng, chất lượng ổn định từ sản xuất đến tiêu dùng); phải đảm bảo tính an toàn (như có tính truyền thống, được sử dụng lâu dài, được đúc kết trên cơ sở nền y học cổ truyền hoàn toàn không độc hại…) dựa trên những cơ sở nghiên cứu khoa học đã được đánh giá, thử nghiệm lâm sang…; phải được công bố về tác dụng và công dụng tới chức năng của cơ thể nhưng phải được thông qua những chứng minh khoa học; phải ghi nhãn theo quy định và phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền có thể là: đăng ký sản phẩm, chứng nhận sản phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn, quy chuẩn, tự công bố của nhà sản xuất trên một kênh thông tin nào đó trong một khoảng thời gian nào đó. Mọi công bố về TPCN phải trung thực, rõ ràng, tránh nhầm lẫn. Các công bố về công dụng và thành phần của các sản phẩm TPCN không được công bố khả năng chữa trị bệnh mà chỉ là hỗ trợ điều trị bệnh.

Cũng theo Thông tư này, một sản phẩm TPCN được công bố có tác dụng hỗ trợ chức năng trong cơ thể, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật thì phải có báo cáo thử nghiệm lâm sàng về tác dụng của sản phẩm hoặc tài liệu chứng minh về tác dụng của thành phần sản phẩm có chức năng đó; hoặc giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước sản xuất; hoặc nước cho phép lưu hành có nội dung xác nhận công dụng của sản phẩm ghi trên nhãn. sản phẩm này bắt buộc phải ghi trên nhãn là “thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Trên nhãn sản phẩm cũng không được ghi chỉ định điều trị bất kỳ một bệnh cụ thể nào hoặc sản phẩm có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

Quy định là như vậy, nhưng đa phần sản phẩm TPCN hiện nay được thổi phồng công dụng. Dù nhãn hàng vẫn được ghi là TPCN không phải là thuốc, không có tác dụng điều trị bệnh, nhưng sự lập lờ trong việc tuyên truyền, quảng bá với người tiêu dùng của NPP khiến nhiều người dùng hiểu sai về sản phẩm, tự ý bỏ thuốc điều trị khiến bệnh nặng hơn và mức độ hiểu lầm về công dụng của TPCN bị chuyển sang chiều hướng xấu.

Những điều này đặt ra thách thức với nhà quản lý TPCN trong thời gian tới, bên cạnh việc tăng chi phí về thời gian và tài chính để thực hiện nghiên cứu lâm sàng và chứng minh về mặt khoa học của TPCN thì cần phải tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hiểu biết của người tiêu dùng bằng cách phổ cập thông tin, dữ liệu giúp người tiêu dùng hiểu biết và sử dụng đúng đắn TPCN. Đồng thời xây dựng quy chế quản lý TPCN hòa hợp với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới để loại bỏ các rào cản, định kiến không phù hợp hòng giúp thị trường TPCN phát triển lành mạnh, phục vụ có hiệu quả chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân.



Health Claims – Công bố lợi ích sức khỏe
Công bố lợi ích sức khỏe trên nhãn sản phẩm TPCN được sử dụng nhằm thông tin các lợi ích về sức khỏe cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, quy định về ghi nhãn công bố lợi ích cho sức khỏe ở mỗi quốc gia là khác nhau nên đôi khi gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Đặc biệt, ở khu vực ASEAN hiện nay chưa có định nghĩa thống nhất về TPCN và cũng chưa có sự hòa hợp về quy chế quản lý TPCN trong khối, chưa có quy định bắt buộc về ghi nhãn đối với TPCN nói chung ở các nước thành viên, trừ Malaysia. Hiện đã có quy định về ghi nhãn đối với các thực phẩm ăn kiêng (dietary foods), thực phẩm đã được làm giàu (fortified foods) và thực phẩm dinh dưỡng (nutrient foods). Việc ghi nhãn dinh dưỡng tự nguyện được khuyến khích nhưng phải theo “định dạng” (format) quy định.

Xu hướng quản lý TPCN trong tương lai ở các nước ASEAN có thể sẽ là: ban hành Dự thảo quy chế “Hướng dẫn kiểm soát công bố dinh dưỡng và lợi ích đối với sức khỏe trên nhãn thực phẩm và quảng cáo” (Indonesia); “Ghi nhãn bắt buộc về tính chất dinh dưỡng của thực phẩm” (Philippines) và “Quy chế về công bố lợi ích sức khỏe của thực phẩm” (Thái Lan)



anhvan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý