Thêm 3 vaccine vào chương trình tiêm chủng mở rộng

Chích vaccine là cách phòng bệnh hữu hiệu ở trẻ. Trong ảnh: chích vaccine viêm gan siêu vi B cho trẻ ở trạm y tế P.2, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: N.C.T.

Theo ông Nguyễn Trần Hiển, chủ nhiệm dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, hiện Liên minh Vaccine và tiêm chủng toàn cầu (GAVI) đã sẵn sàng hỗ trợ VN ba vaccine này trong những năm đầu đưa vaccine vào chương trình. Ông Hiển cho biết:

- Lý do đưa ba loại vaccine này vào chương trình vì đây là ba căn bệnh có tỉ lệ mắc cao, như tiêu chảy do virus thì 56% trẻ nhập viện ở VN do virus rota, còn viêm phổi là một trong số nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em, riêng phế cầu là một trong những tác nhân gây bệnh chính. Vaccine ngừa ung thư cổ tử cung do virus HPV có thể phòng một số bệnh đường sinh dục. Ba vaccine này được cho là ba vaccine hiệu quả và GAVI đang hỗ trợ các nước nghèo ba loại vaccine này.

"Trước khi triển khai tiêm ngừa bệnh viêm não Nhật Bản B (đầu những năm 2000), 60% trường hợp viêm não ở VN là do viêm não Nhật Bản, nhưng thống kê năm 2013 vừa qua thì tỉ lệ viêm não Nhật Bản B chỉ còn 9,1%/tổng số ca viêm não ghi nhận được. Có thêm vaccine là thêm phương tiện để phòng bệnh hiệu quả"

Ông Nguyễn Trần Hiển

* Trong số các bệnh có vaccine phòng ngừa, vì sao chương trình lại chọn ba vaccine kể trên mà không phải là vaccine phòng các bệnh như rubella chẳng hạn?

- Đây là các vaccine được cho là có hiệu quả trong phòng bệnh cho trẻ em. Còn các vaccine khác như rubella thì từ tháng 9/2014, VN sẽ triển khai chương trình tiêm ngừa cho 23 triệu trẻ em từ 1-14 tuổi tiêm mũi vaccine phối hợp sởi - rubella miễn phí, chương trình này cũng do GAVI tài trợ. Trước mắt, chiến dịch bắt đầu từ tháng 9 nhằm giảm tỉ lệ mắc, giảm lây truyền từ trẻ em sang người lớn, giảm hội chứng rubella bẩm sinh, tiến tới loại trừ căn bệnh này. Loại trừ là quan trọng, như sởi đã đặt mục tiêu loại trừ từ năm 2012 nhưng ngay cả ở Nhật vẫn có nhiều ca mắc. Vấn đề là giảm thấp số mắc ở cộng đồng nhưng vẫn phải duy trì được tỉ lệ tiêm chủng cao ngay cả khi bệnh đã được loại trừ, như bệnh bại liệt VN đã thanh toán từ năm 2000 nhưng đến nay vẫn phải tổ chức uống vaccine bổ sung ở các tỉnh có tỉ lệ uống vaccine đạt thấp.

Ông Nguyễn Trần Hiển - Ảnh: Nguyễn Khánh


* Ba vaccine kể trên đều là vaccine đắt tiền, kế hoạch triển khai ở VN như thế nào để không ảnh hưởng tài chính đến việc triển khai các vaccine đã có, thưa ông?

- Trong hỗ trợ của GAVI thì các vaccine bổ sung cũng được miễn phí trong một số năm, sau đó các nước được hỗ trợ sẽ phải chi trả chi phí này. Chắc chắn phần ngân sách cho chương trình là rất lớn, quan điểm của tôi thì triển khai sớm chừng nào hay chừng ấy, nhưng GAVI yêu cầu Chính phủ VN phải có vốn đối ứng cho chương trình. Chi phí vaccine ngừa virus HPV (giá thị trường) khoảng 80 USD (khoảng 1,6 triệu đồng)/mũi tiêm, mỗi người cần tiêm ba mũi nhân với số trẻ em gái có chỉ định tiêm lên tới hàng triệu người. Chúng ta đã có kế hoạch chi tiết và GAVI sẽ hỗ trợ đến khi VN ra khỏi danh sách các quốc gia được hỗ trợ (thu nhập bình quân đầu người trên 1.500 USD/người trở lên). Hiện VN đã tiến gần mốc này rồi nên triển khai càng sớm sẽ nhận được hỗ trợ sớm hơn.

* Trong số các bệnh có và chưa có vaccine phòng, theo ông, loại nào đang gây nhiều khó khăn trong việc phòng chống?

- Bệnh có vaccine, theo tôi, bệnh sởi là đáng ngại, còn các bệnh có vaccine khác cơ bản đã giảm so với trước khi triển khai vaccine phòng bệnh như lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván. Còn bệnh chưa có vaccine thì tiêu chảy và viêm phổi là đáng ngại hơn cả.

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn