Uống trà "thả cửa", tác hại khôn lường

Thi nhân mặc khách thích uống trà vì trà hưng phấn chức năng tư duy.

Uống trà có thể giúp ngăn ngừa bệnh đái tháo đường type 2?

Uống trà tốt cho người đau xơ cơ hóa, mệt mỏi mạn tính?

Mỗi ngày uống 1 tách trà giúp giảm nguy cơ mắc chứng u não ác tính?

Tử vong do uống trà thảo dược của người Mỹ gốc Hoa

Trà, thức uống lâu đời nhất trong lịch sử tiến hóa của con người, đã từ lâu vượt xa chân trời đến khắp năm châu để trở thành thức giải khát được tiêu thụ nhiều nhất sau... nước! Khoảng 4.700 năm trước Công nguyên, trà đã được mô tả trong cổ thư Trung Quốc như thuốc chống tuổi già xồng xộc vào nhà.

Chỉ nói riêng ở CHLB Đức, nơi người dân xưa nay mạnh miệng với cà phê, con số hơn 5.000 tấn trà tiêu thụ trong năm vừa qua cho thấy khó có phương tiện truyền bá văn hóa bản sắc phương Đông nào hiệu quả hơn chén trà xanh!

“Nhẫm xà” cũng lắm công phu!

Nhiều người khi pha trà cứ tưởng phải nước thật sôi thì trà mới ngon, pha càng đậm càng tốt. Không đúng về cả khẩu vị lẫn mục tiêu phục vụ sức khỏe. Các nhà khoa học ở ĐH Heidelberg, CHLB Đức sau công trình nghiên cứu về trà kéo dài cả chục năm đã chứng minh rõ ràng rằng:

- Liều lý tưởng để tận dụng hoạt chất chống lão hóa của trà là năm tách (150ml) mỗi ngày. Tách khác xa ly cối. Uống quá nhiều trà dễ dẫn đến rối loạn biến dưỡng do tích lũy khoáng tố sắt vốn có hàm lượng rất cao trong trà. Chính vì thế, không có gì khó hiểu khi chỉ uống vài tách trà thì tinh thần minh mẫn nhưng uống trà quá nhiều thì mệt mỏi lại là dấu hiệu thường gặp, nhất là ở người đã vướng bệnh gan.

- Nhiệt độ lý tưởng để trích ly tối đa hoạt chất trong trà là 75 - 80°C. Do đó, đừng pha trà với nước vừa nấu sôi mà nên để nguội khoảng năm phút. Để chén trà chỉ chứa toàn hoạt chất hữu ích, thời gian hãm trà cũng đừng lâu hơn bảy phút. Người có cơ tạng quá nhạy cảm nên tránh nước nhất, dù là nước nhất bao giờ cũng... ngon! Ngược lại, nếu muốn uống trà để chống bệnh thì nên pha nước nhất với nước nhì để có được hàm lượng tối đa của hoạt chất chống ung thư và lão hóa. Trà pha rồi vẫn có thể dùng thêm lần nữa nếu đừng để lâu hơn bốn giờ.

- Để ổn định chất lượng phải bảo quản trà trong chai lọ đậy thật kín vì hương vị và hoạt chất của trà dễ bị phá hủy bởi không khí và ánh sáng. Trà nên được đóng gói riêng biệt để giữ hương vị độc đáo. Tuyệt đối không nên giữ trà trong tủ lạnh vì trà sẽ tự “ướp” tất cả mùi thức ăn chứa trong tủ lạnh!

Chén trà hơn thang thuốc

Thi nhân mặc khách thích uống trà vì trà hưng phấn chức năng tư duy. Tác dụng hưng phấn thần kinh của trà dù vậy bao giờ cũng lành mạnh hơn cà phê nhờ hàm lượng hoạt chất caffein trong trà, nếu tính trên cùng trọng lượng thì không bằng phân nửa lượng caffein trong cà phê. Bên cạnh đó, nhờ có sự hiện diện của nhóm hoạt chất catechin, caffein trong trà không gây phản ứng cồn cào bao tử, cũng không kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa như với caffein trong cà phê, theo nhận định của Trung tâm Nghiên cứu ung thư ở CHLB Đức.

Bên cạnh tác dụng trên hệ thần kinh, trà là thức uống yên lòng người muốn lâu hư răng nhờ tác dụng bảo vệ men răng của khoáng tố fluor trong trà. Điểm bất lợi là trà dễ làm răng ngả màu vàng ở người uống trà quá thường xuyên nhưng lại ít chải răng, súc miệng.

Theo kết quả nghiên cứu với trên 1.000 đối tượng ở ĐH South California, Hoa Kỳ, phụ nữ thường uống trà ít bị ung thư vú. Chuyên gia ngành ung bướu ở Nhật đi xa hơn nữa khi xác minh qua một công trình theo dõi kéo dài hơn bảy năm là chỉ có 16% trong số phụ nữ có thói quen uống ba tách trà mỗi ngày là nạn nhân của ung thư vú, trong khi 24% các bà thuộc nhóm uống trà ít hơn ba lần trong ngày phải tìm đến bệnh viện ung bướu.

Trà xanh đúng là quà tặng của thiên nhiên dành cho người muốn ngăn ngừa hậu quả xơ vữa mạch máu mà không cần bơm thêm vào cơ thể dược phẩm dưới dạng hóa chất tổng hợp. Không lạ gì nếu người Nhật đang có tuổi thọ cao nhất thế giới.

Ngụm trà nào thấm thía?

Chén trà xanh, nhờ trà đạo trên đất nước mặt trời mọc, đã từ lâu nhẹ nhàng bước qua ngưỡng cửa của nghệ thuật. Thông qua việc tập trung tư tưởng trong suốt thời gian chuẩn bị thức uống rất đơn giản nhưng khéo léo chiếm trọn lòng người qua ngõ thần kinh vị giác, khứu giác và thị giác, uống trà chẳng khác nào thiền định.

Theo quy ước của trà đạo trên đảo Phù Tang, ẩm khách muốn thưởng thức trọn vẹn hương vị tuyệt vời của chén trà xanh phải lường nước sao cho đủ uống đúng ba ngụm rưỡi. Nhưng tại sao người yêu trà nên giữ cho đúng ba ngụm rưỡi? Có lẽ ba ngụm đầu để tận hưởng hương vị tích lũy của chén trà và nửa ngụm cuối để ẩm khách bất ngờ thấm thía ý nghĩa phù du của cuộc sống. Ngụm trà nửa vời sao quá ngắn ngủi, như cuộc sống nhuộm màu tranh đua trong gông cùm của công danh phú quý chợt một ngày bỗng trống vắng đìu hiu một khi sức khỏe nằm ngoài tầm tay!

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết