Suy nhược thần kinh: Hội chứng nguy hiểm

Suy nhược thần kinh là trạng thái rối loạn thần kinh phổ biến nhất, chiếm đến 60 - 70% số lượt khám bệnh tại các khoa thần kinh và tâm thần, với các lý do đi khám bệnh như: suy nhược, đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi đầu óc... Bệnh thường gặp ở những người lao động trí óc hơn là những người lao động chân tay, đặc biệt ở phụ nữ. Tuổi thường thấy bị bệnh lý này từ 18 - 45, khi mà cuộc sống vẫn còn nhiều việc để đấu tranh và phấn đấu.


Phụ nữ thường gặp phải hội chứng suy nhược thần kinh này

Stress là nguyên nhân thường gặp

Trong các nguyên nhân gây bệnh, căng thẳng (stress), nguyên nhân tâm lý quá mức làm mất cân bằng hai quá trình hưng phấn và ức chế, hoặc làm đồng tăng thêm hoặc đồng giảm đi các quá trình này dẫn đến suy nhược thần kinh. Các nguyên nhân thường dẫn đến căng thẳng quá mức như: cuộc sống khó khăn, mâu thuẫn gia đình kéo dài, thất bại trong học tập, công việc, cố gắng kiềm chế tình cảm quá mức để không thể hiện ra ngoài những ý nghĩ, mong muốn và tình cảm chân thực của bản thân… Tuy nhiên, đa phần người bệnh không nhận ra những dấu hiệu sớm của bệnh để được điều trị kịp thời.

Các dấu hiệu sớm thường là: nhanh mệt mỏi, khó tập trung vào công việc, ăn kém ngon, ngủ không sâu giấc.Đến giai đoạn điển hình, người bệnh có các triệu chứng sau: Thường kêu ca phàn nàn, mệt mỏi, dai dẳng tăng lên sau một cố gắng trí óc hoặc một cố gắng tối thiểu về thể lực. Tự nhiên đau mỏi cơ bắp, khả năng làm việc sút kém, chóng mệt, hiệu quả thấp; Kém kiên nhẫn, không chịu nổi khi phải chờ đợi, dễ kích thích, nóng nảy, cáu gắt, phản ứng quá mức. Khi có ý định làm việc gì, bệnh nhân muốn nôn nóng làm ngay nhưng khó làm, lại mau chán, mệt mỏi hay bỏ cuộc; Dễ xúc động, mủi lòng, dễ khóc, lo lắng, mất tự chủ, khí sắc giảm; Đau đầu: đau âm ỉ lan tỏa toàn bộ đầu, có cảm giác như đội mũ, thắt khăn chặt, đau đầu tăng lên khi có kích thích, suy nghĩ, lo lắng có thể kèm theo chóng mặt, choáng váng; Mất ngủ: khó đi vào giấc ngủ, ngủ không say, hay có mộng, dễ đánh thức và khó ngủ lại, đôi khi mất ngủ trắng đêm, nếu mất ngủ kéo dài thấy quầng mắt bị thâm, sáng dậy bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, ngáp vặt; Giảm trí nhớ:bệnh nhân giảm cả trí nhớ gần và trí nhớ xa nhưng đặc biệt là trí nhớ gần, học hành sút kém và khó tiếp thu cái mới; Rối loạn thần kinh thực vật như:hay hồi hộp, đánh trống ngực, mạch nhanh, khó thở, toát mồ hôi, có từng cơn nóng bừng hay lạnh toát, run chân tay, run mi mắt, giảm hoạt động tình dục, rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới.

Điều trị bằng liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý là phương pháp cơ bản trong điều trị bệnh cảnh này. Thuốc men cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm dứt các triệu chứng lâm sàng như: nhức đầu, mất ngủ, giảm mệt mỏi, suy yếu tình dục, ám ảnh, trầm cảm... Vấn đề sử dụng thuốc là của bác sỹ, bạn nên tuân thủ đúng theo toa thuốc và không được tự ý uống thêm thuốc gì khi không có ý kiến của bác sỹ. Ngoài ra, cũng nên lưu ý những điều sau:


Thư giãn giúp giảm nguy cơ stress kéo dài sẽ giúp tránh được bệnh. Xoa bóp, bấm huyệt sẽ giúp giảm triệu chứng của bệnh, hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị

Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ đủ là một trong những cách làm cho tinh thần phấn chấn, nhưng phải ngủ như thế nào để hỗ trợ điều trị suy nhược thần kinh? Ngủ tối, khi ngủ phải tắt hết đèn. Từ thập niên 1950, người ta đã biết tính an thần của melatonin và ngày nay nhắc đến rất nhiều như là thuốc “trường sinh”. Melatonin là nội tiết tố của tuyến tùng trong não, có công thức hóa học là N-acetyl-5- methoxytryptamine. Chất này được tiết ra nhiều nhất vào ban đêm trong giấc ngủ khi mí mắt không nhận được ánh sáng. Vì vậy, chúng ta nên ngủ không có ánh sáng đèn.

Giải trí: Do suy nhược thần kinh là một bệnh rối loạn cơ năng hoạt động của thần kinh cao cấp gây ra các triệu chứng nhức đầu, do đó người bệnh phải có một tinh thần thoải mái. Bằng cách lên kế hoạch cho những chuyến dã ngoại ở vùng quê, vùng biển - nơi có không khí trong lành. Đơn giản hơn, người bệnh có thể giải trí bằng cách nghe nhạc, xem phim, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh.

Vận động thường xuyên: Mỗi buổi sáng nên đi bộ bước đều lúc nhanh, lúc chậm khoảng 45 phút. Hoặc có thể tập tại chỗ các động tác tay, chân, gót, lưng, bụng, cổ, vai, gáy (như bài Thái cực quyền, Bát đoạn cẩm…) thời gian 15 phút.

5 biểu hiện của suy nhược thần kinh

Mất tập trung: Bạn tự hỏi sao lại có người không thể tập trung vào công việc hay việc nhà, tình trạng này kéo dài tới hơn 1 tuần, thậm chí họ mất một thời gian dài không thể tập trung vào một nhiệm vụ nào đó. Thực tế, đó là một trong những dấu hiệu của người đang bị suy nhược thần kinh.

Thay đổi trong chuyện ăn uống và cân nặng: Một dấu hiệu gián tiếp của sự bất ổn về tâm trạng là giảm cân hoặc tăng cân đột ngột mà không giải thích được nguyên nhân. Đó là do sự thay đổi trong chuyện ăn uống. Khi tâm trạng bất ổn, có người không muốn ăn uống gì nhưng có những người lại ăn rất nhiều, thoải mái như thể vô thức và không lo lắng đến chuyện cân nặng. Tất cả những người có những thay đổi như vậy đều cần đi kiểm tra sức khỏe và tâm lý.


Uống rượu hoặc hút thuốc nhiều hơn: Trong khi một số người "tập trung" vào việc ăn nhiều hơn thì một số người lại đối phó với bất ổn tâm trạng bằng cách thỏa thích lạm dụng chất cồn và chất kích thích (hút thuốc). Liên tục uống nhiều rượu và hút thuốc hàng ngày có thể tiếp tục làm trầm trọng thêm tình trạng tổn thương tinh thần hiện tại và dẫn đến tình trạng suy nhược thần kinh nặng nề hơn.

Xu hướng cảm thấy bị cô lập: Khi đang chán nản, một người có thể có xu hướng "rút lui vào vỏ ốc" và muốn ở một mình, không muốn giao lưu, chuyện trò hay chia sẻ cùng ai. Điều này không tốt, vì cô lập mình khỏi gia đình và bạn bè sẽ càng làm cho họ xa rời thực tế và tinh thần tồi tệ hơn. Lúc này, họ cần được hỗ trợ về mặt tâm lý để tránh bị suy nhược thần kinh quá mức.

Tự phá hoại bản thân: Gây ra bất kỳ thương tích nào cho chính mình là một dấu hiệu chứng tỏ rằng sức khỏe tâm thần của một người đang không ổn định. Đây chính là lúc họ cần được tư vấn và giúp đỡ. Bởi nếu không, họ sẽ càng cảm thấy bi quan hơn và không thể dừng việc tự hủy hoại bản thân.

thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục