Sức khỏe tâm thần ở người cao tuổi

Các bệnh lý tâm thần thường gặp

1. Sa sút tâm thần: Khoảng 60 - 80% trường hợp sa sút tâm thần do thoái hóa thần kinh não bộ như bệnh Alzheimer. Các bệnh thoái hóa thần kinh khác cũng là nguyên nhân sa sút tâm thần như bệnh Parkinson, bệnh Huntington. Một số bệnh gây tổn hại não bộ như đột quỵ do nguyên nhân mạch máu, bệnh xơ vữa mạch máu như tăng huyết áp, tăng cholesterol… hoặc các bệnh lý khác như chấn thương sọ não, u não, xơ cứng rải rác lan tỏa, sử dụng ma túy… cũng có thể dẫn tới sa sút tâm thần.


Ảnh minh họa.

2. Trầm cảm: Triệu chứng trầm cảm ở người lớn tuổi có phần khác với trầm cảm ở người ít tuổi hơn, có nhiều biểu hiện thực thể, đặc biệt triệu chứng đau. Biểu hiện giảm quan tâm hứng thú thường được bỏ qua vì quan niệm “bình thường” ở người lớn tuổi. Các biểu hiện lo lắng, sợ sệt và mất tin tưởng trở nên phổ biến hơn. Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh tình trạng stress, trầm cảm ngay sau tuổi trung niên góp phần làm tăng nguy cơ sa sút tâm thần, nhất là với phụ nữ.

Trầm cảm ở người lớn tuổi có thể chữa trị được, nhưng thách thức đầu tiên là nhận ra bệnh trầm cảm và giúp người bệnh tìm đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần sớm. Chỉ định dùng thuốc chống trầm cảm đòi hỏi cẩn thận về liều lượng và nên kết hợp chăm sóc tâm lý trị liệu. Cần lưu ý người lớn tuổi bị trầm cảm nặng không được chữa trị, có thể dẫn tới tự tử hoặc lạm dụng rượu.

3. Lo âu: Lo âu làm tăng các triệu chứng bệnh lý thực thể và việc điều trị cần kết hợp với điều trị trầm cảm cũng như với bệnh lý cơ thể kèm theo. Stress, lo âu trầm cảm và một số thể loại ám ảnh ngày nay hầu như không thể tránh được. Tuy nhiên, chúng ta có thể giảm bớt hậu quả xấu kéo dài nếu đi khám chuyên khoa sớm, đừng bao giờ tự dùng thuốc và lạm dụng thuốc chuyên khoa tâm thần vì đặc tính tương tác phức tạp của chúng.

4. Các rối loạn tâm thần khác: Các bệnh tâm thần khác, từ rối loạn khí sắc lưỡng cực đến các xung động ám ảnh, nghiện ma túy hay các bệnh ít gặp như tâm thần phân liệt vẫn có thể xảy ra ở người lớn tuổi. Các bệnh loạn thần cũng thường gặp và là nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng ảo giác, niềm tin bất thường và suy giảm khả năng tư duy. Tỷ lệ các rối loạn trên có thể lên tới 5% người lớn tuổi trong cộng đồng và cao hơn nhiều ở các nhà dưỡng lão.


Ảnh minh họa.

Để ổn định trạng thái tâm thần

Gần đây, nhiều nghiên cứu đã chứng minh giữ gìn sức khỏe thể chất góp phần “giữ gìn sức khỏe của não bộ”, hoạt động cơ thể và tiết chế ăn uống giúp giảm nồng độ cholesterol trong máu và huyết áp thấp cũng giúp “sức khỏe não bộ”, cho phép cơ thể phân phối nhiều oxy cho não bộ. Hơn nữa, các hoạt động kích thích não bộ như chơi chữ, đọc sách báo, học kỹ năng mới cũng giúp gìn giữ “sức khỏe não bộ”.

Để gìn giữ “sức khỏe não bộ” và ngăn ngừa bệnh tâm thần, chúng ta hãy chủ động hoạt động cơ thể một cách đều đặn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích như: duy trì và cải thiện trí nhớ; duy trì và cải thiện khả năng hoạt động tâm thần; phòng ngừa sa sút tâm thần (suy giảm hoạt động trí tuệ); vui vẻ, phòng ngừa và làm nhẹ trầm cảm; cải thiện sức khỏe thể lực.


doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Chăm già