Sai lầm hay gặp của bố mẹ khi trẻ bị rotavirus

Theo thạc sĩ Đặng Thúy Hà, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi trung ương, tiêu chảy cấp do rotavirus thường rầm rộ khi không khí lạnh và khô. Những ngày gần đây, nhiều trẻ phải nhập viện do bệnh này, không ít bé còn kèm viêm tiểu phế quản, viêm mũi họng.

Bác sĩ cho biết, trẻ thuộc lứa tuổi nào cũng có thể nhiễm rotavirus nhưng bệnh thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi. Tiêu chảy do nhiễm rotavirus nguy hiểm hơn tiêu chảy do các nguyên nhân khác nhiều. Trẻ nhiễm rotavirus có thễ dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Dưới đây là sai lầm hay gặp của bố mẹ khi con bị tiêu chảy cấp do rotavirus:


tieu-chay-cap-2091-1387256799.jpg
Bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương khám bệnh cho trẻ. Ảnh minh họa: MT.

Nhầm lẫn tiêu chảy do rotavirus với tiêu chảy thông thường

Tiêu chảy là biểu hiện thường gặp ở trẻ. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra như rối loạn tiêu hoá, thành ruột yếu và phổ biến nhất do nhiễm khuẩn, trong đó nguy hiểm hơn, trẻ có thể bị tiêu chảy do nhiễm rotavirus.

Sau khi trẻ nhiễm virus khoảng 24-48 giờ, bệnh bắt đầu bằng những biểu hiện như sốt, ói mửa nhiều và sau đó là đi ngoài tóe nước. Bệnh có thể kéo dài 7-10 ngày, thậm chí 15-20 ngày. Các triệu chứng nặng nhất thường có vào ngày thứ 3-4. Việc đi tiêu ra nước và nôn mửa nhiều khiến trẻ mất nước và điện giải.

Tiêu chảy do rotavirus nguy hiểm hơn các bệnh tiêu chảy khác vì hiện chưa có thuốc đặc trị. Để phân biệt tiêu chảy do rotavirus hay tác nhân khác thường dựa vào các triệu chứng nêu trên và được khẳng định bằng xét nghiệm.

Dùng kháng sinh hoặc thuốc cầm để chữa tiêu chảy do rotavirus

Vì sốt ruột khi thấy con tiêu chảy nhiều, mong con nhanh khỏi hoặc do nhầm lẫn trẻ bị tiêu chảy cấp do rotavirus với các dạng tiêu chảy thông thường khác, không ít phụ huynh cho con dùng kháng sinh hay thuốc cầm tiêu chảy.

Theo bác sĩ, khi trẻ bị nhiễm rotavirus, tuyệt đối không được cho uống thuốc kháng sinh. Việc uống kháng sinh không chỉ vô tác dụng mà còn làm trẻ có nguy cơ bị rối loạn vi khuẩn đường tiêu hóa, khiến bệnh nặng hơn hoặc gây tình trạng tiêu chảy kéo dài, chưa kể các tác dụng phụ do thuốc gây ra.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng không được cho con uống thuốc cầm tiêu chảy vì chúng không có tác dụng tiêu diệu virus mà còn làm giảm nhu động ruột, làm liệt ruột khiến phân không được thải ra ngoài. Khi đó, trẻ vẫn tiếp tục bị tiêu chảy, mà phân không được bài xuất ra ngoài, ứ đọng lại trong ruột gây chướng bụng, thủng ruột, tắc ruột, thậm chí dẫn đến tử vong.

Không chú ý phòng bệnh cho con

Nhiều cha mẹ chủ quan chỉ nghĩ việc chữa bệnh mà chưa quan tâm tới phòng bệnh cho trẻ.

Rotavirus lây nhiễm qua đường tiêu hoá và khả năng lây nhiễm rất cao. Loại virus này tồn tại trong môi trường và lưu lại trên tay vài giờ và trên bề mặt rắn như đồ chơi khoảng vài ngày. Nếu trẻ cho tay vào miệng sau khi tiếp xúc với các vật dụng mang virus thì khả năng nhiễm tiêu chảy cấp rất cao.

Biện pháp phòng ngừa chủ động và hiệu quả nhất cho trẻ hiện nay vẫn là dùng văcxin ngừa dạng uống. Văcxin này được cho trẻ uống từ 6 tuần tuổi trở đi, uống 2 lần cách nhau ít nhất là 1 tháng và nên uống trước 6 tháng tuổi. Một số trẻ uống văcxin ngừa tiêu chảy do rotavirus rồi vẫn có thể mắc bệnh, tuy nhiên thường những trẻ này ít khi có triệu chứng nặng.

Ngoài ra, cần chú ý giữ vệ sinh tay sạch sẽ để phòng bệnh cho trẻ. Nên tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi cầm thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Bên cạnh đó, cha mẹ cần đảm bảo đủ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của con để nâng cao sức đề kháng, giúp cơ thể trẻ có đủ sức chống đỡ bệnh.

Bù nước cho trẻ không đúng cách

Trong điều trị tiêu chảy cấp do rotavirus, điều quan trọng nhất là bù nước, bù điện giải và cách tốt nhất là bằng oresol. Theo bác sĩ Đặng Thúy Hà, phụ huynh cần lưu ý pha oresol đúng tỷ lệ, không loãng hay đặc quá, nếu không sẽ càng gây rối loạn nước và điện giải, làm tình trạng tiêu chảy nặng hơn.

Nên cho trẻ uống nước oresol chậm, từng ít một. Với trẻ nhỏ thì đút từng thìa. Việc uống nhiều một lúc, uống liên tục sẽ khiến trẻ dễ bị nôn, oserol không hấp thu vào đường ruột được.

Khi nào cần đưa trẻ nhập viện?

Trẻ bị tiêu chảy, nôn trớ nhưng vẫn ăn uống được, chơi bình thường thì bố mẹ có thể chăm sóc tại nhà, bù dịch cho bé bằng cách dùng nước oserol đúng, kết hợp với chế độ dinh dưỡng phù hợp. Cho bú bình thường, ăn các thức ăn dễ tiêu hóa như cháo loãng, chuối tiêu, uống sữa... và ăn nhiều bữa nhỏ. Nếu trẻ dùng sữa mà bị tiêu chảy nhiều thì nên dùng loại không có lactose.

Khi bé tiêu chảy và nôn nhiều, mệt mỏi, không ăn uống, không chơi, nằm li bì, có hiện tượng mất nước như mắt lõm, da chi nhăn nheo cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện để được truyền dịch kịp thời.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ