Phong trào vắt sữa non nguy hiểm của bà bầu

Phong trào vắt sữa non bắt đầu mấy tháng gần đây, sau khi một trang mạng xã hội đăng tải những bài viết khuyên phụ nữ mang thai từ tuần thứ 36 nên vắt sữa non trữ cho trẻ uống ngay sau sinh, phòng trường hợp mẹ chưa có sữa hoặc vì lý do nào đó không thể cho con bú, trẻ phải cách ly mẹ.

Sau một thời gian tham gia trang mạng xã hội này, chị H.L. (Đội Cấn, Hà Nội) bắt đầu vắt sữa non từ khoảng giữa tuần 35 của thai kỳ. Vài ngày đầu, chị Lam khá vất vả vì nặn mãi chỉ được một, hai giọt sữa trong, đủ dính đáy xi lanh.

Vài hôm sau, chồng chị giúp vợ cầm lọ chứa, vợ nặn vào được 1-2 ml sữa mỗi lần. Hiện ở tuần thai thứ 38, chị Lam đã vắt được 10 ống xilanh, mỗi ống 5 ml, trữ ngăn đá.

"Mình chỉ hy vọng để dành nguồn sữa non quý giá này để lỡ mình sinh mổ chưa có sữa thì con uống được ngay khi vừa chào đời, không cần phải 'tráng ruột' bằng sữa công thức", chị L. nói.


Hình ảnh xilanh chứa sữa non vừa vắt được một mẹ bầu đang mang thai ở tuần thứ 38 chia sẻ trên mạng.

Cũng như chị L., chị A.T., 30 tuổi, một thành viên của diễn đàn, đã thực hiện việc vắt sữa non khi bắt đầu bước sang tuần thứ 36 của thai kỳ. Mỗi ngày, chị T. cố gắng nặn 2 lần vào sáng và tối, được đầy xilanh 5 ml sữa.

Chị T. cho hay, lần sinh đầu không vắt sữa non, do em bé nhiễm khuẩn nước ối của mẹ, phải nằm phòng cách ly nên toàn phải uống sữa công thức. "Nghe nói không gì tốt cho bé, nhất là trẻ mới sinh bằng sữa non của mẹ nên lần mang thai này mình áp dụng ngay cách vắt sữa non", chị T. nói.

Theo bài viết của người sáng lập trang mạng này (tự nhận là chuyên gia tư vấn nuôi con sữa mẹ), cơ thể mẹ bắt đầu sản xuất sữa non từ giữa thai kỳ, tuần 16-20.

Tác giả nhấn mạnh, không gì tốt bằng việc trẻ vừa chào đời được bú mẹ ngay, nhưng trong một số tình huống đặc biệt, do quy trình của bệnh viện, do sức khỏe của mẹ hoặc con, con có thể phải cách ly khỏi mẹ, sữa non trữ sẵn của mẹ sẽ cực kỳ hữu dụng, nhất là khi: Mẹ bị tiểu đường hay tiểu đường thai kỳ, mẹ được chỉ định sinh mổ, mẹ có bất thường ở bầu vú hay đầu ti, trẻ bị hở hàm ếch...

Chủ trang mạng trên cho rằng, việc massage và vắt sữa này có thể gây co thắt tử cung nhẹ, nhưng an toàn và không kích ứng chuyển dạ (giống như những cơn chuyển dạ giả không đủ mạnh để gây sinh non), trừ khi mẹ đã ở sẵn trong tình trạng "dọa sinh sớm" từ trước tuần 36.

Việc trữ sữa non này giúp trẻ mới sinh luôn có sẵn sữa non của mẹ để việc "lập trình đầu đời" của niêm mạc ruột được hoàn hảo.

Bác sĩ sản phụ Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y khoa Thái Hà (Hà Nội), cho rằng, việc bà bầu vắt sữa non vào cuối thai kỳ là không cần thiết.

Đúng là ở giai đoạn cuối thai kỳ, phụ nữ đã có sữa non nhưng khi đó lượng sữa không nhiều và để vắt được phải nặn khá vất vả. Trong khi đó, sau khi sinh, phản xạ tiết sữa rất mạnh, kết hợp với động tác bú mút của trẻ sơ sinh sẽ giúp sữa ra nhiều hơn, đủ đáp ứng cho nhu cầu của trẻ ngay.

"Với thói quen sinh hoạt chưa đảm bảo vệ sinh như ở Việt Nam, việc trữ sữa non cho trẻ mới sinh còn tiềm ẩn nguy cơ trẻ bị nhiễm trùng khi quy trình từ lúc vắt tới bảo quản, mang ra cho trẻ bú không đảm bảo vô trùng", bác sĩ Dung nói.

Không những thế, theo bà, động tác vê, nặn núm vú còn có thể kích thích, gây cơn co tử cung, dễ khiến mẹ bầu sinh non.

"So sánh những nguy cơ có thể xảy ra với tác dụng từ lượng sữa non ít ỏi trữ cho trẻ thì việc cố nặn sữa non này hoàn toàn vô nghĩa", bà Dung bày tỏ.

Cùng quan điểm trên, tiến sĩ Lê Thị Thu Hà, Phó khoa sản A Bệnh viện Từ Dũ TP Hồ Chí Minh, cho rằng bà bầu không nên vắt sữa non với ba 3 lý do:

Thứ nhất, vắt sữa non kích thích đầu vú, gây tăng tiết oxytocin nội sinh và có nguy cơ gây sinh non. Đặc biệt với những trường hợp từng đẻ mổ hay có nhau tiền đạo, nếu có cơn gò tử cung sẽ dễ gây ra xuất huyết âm đạo ồ ạt, rất nguy hiểm.

Thứ hai, sữa non thực sự rất tốt và quý với trẻ mới sinh. Thông thường, khi sinh con, bà mẹ có cơ chế sinh lý tiết prolactin giúp tạo sữa đáp ứng vừa đủ nhu cầu của con.

Khi đó, trẻ vừa chào đời có thể bú mẹ ngay và hưởng trọn lượng sữa non quý giá. Một số trường hợp trẻ phải cách ly mẹ có thể phải bú sữa công thức. Mặc dù so với sữa mẹ thì sữa công thức không tốt bằng, nhưng cũng không có nghĩa là có thể ảnh hưởng không tốt đến trẻ.

Lý do thứ ba là khâu bảo quản sữa non nếu không đảm bảo các yếu tố như bình chứa hay bàn tay người vắt vô trùng, nhiệt độ phù hợp... thì có thể nhiễm khuẩn và trở nên nguy hiểm với hệ miễn dịch còn non yếu của trẻ sơ sinh.

Bác sĩ Lê Thị Thu Hà cho biết, thực tế có một bác sĩ nước ngoài khuyên các mẹ mang thai vắt sữa non cho trẻ trong trường hợp bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ. Khi đó, trẻ sinh ra có thể bị hạ đường huyết nhanh chóng nên cần được ăn ngay và tốt nhất là được dùng sữa non của mẹ.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về tính an toàn, hiệu quả và sự khác biệt về dinh dưỡng giữa sữa non trước sinh và sữa non được sản xuất sau sinh.

Theo bác sĩ, trong thời kỳ thai nghén, các mẹ bầu nên chăm sóc, vệ sinh đầu ti nhẹ nhàng để chuẩn bị cho việc tiết sữa tốt sau khi sinh bé, thay vì cố gắng nặn những giọt sữa non vì việc này vừa không cần thiết vừa có thể mang tới nguy cơ sinh non.

Tiến sĩ Trần Danh Cường, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương, cũng cho rằng từ trước đến nay, hầu như chưa có bác sĩ sản khoa nào khuyến khích sản phụ vắt sữa non trước sinh.

"Việc này chưa biết tác dụng đến đâu nhưng nguy cơ trước mắt có thể thấy ngay là việc nặn bóp đầu vú có thể gây cơn co tử cung và khiến phụ nữ mang thai đẻ non", ông Cường nói.


CTV3
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ