Tự ý bổ sung vitamin D quá liều có thể gây suy thận

Sử dụng quá nhiều vitamin D có thể làm tăng calci trong máu và gây suy thận

Bổ sung vitamin D: Cẩn trọng kẻo "rước họa", thêm bệnh

Thiếu vitamin D và bệnh tuyến giáp: Mối quan hệ thế nào?

Uống nhiều thuốc Tây, có nên dùng TPCN để ngừa suy thận?

Bị suy thận có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản?

Một người đàn ông Canada 54 tuổi sau khi trở về từ chuyến đi đến Đông Nam Á - nơi anh ta dành nhiều thời gian để tắm nắng, đã được chẩn đoán bị tổn thương thận. Bí ẩn liên quan đến người đàn ông này đã được giải đáp khi các bác sỹ phát hiện anh ta đã uống quá nhiều vitamin D trong hơn 2 năm.

Sau khi thăm khám và phát hiện người đàn ông này có mức độ creatinine cao gấp 4 lần bình thường, bác sỹ của anh ta đã giới thiệu anh đến gặp một chuyên gia về thận để tìm hiểu nguyên nhân. Creatinin là một sản phẩm cặn bã được đào thải duy nhất qua thận, chỉ số creatinine thường được dùng để xác định xem thận của một người có hoạt động tốt hay không. 

Các xét nghiệm cho thấy ngoài vấn đề creatinine trong máu cao, người đàn ông này cũng bị tăng calci máu. Khi bắt đầu hỏi anh ta những câu hỏi chi tiết hơn về sức khỏe, họ đã phát hiện ra nguyên nhân thực sự gây ra vấn đề trên.

Người đàn ông chia sẻ rằng một người quen của anh ta khuyên anh ta nên uống bổ sung 8 giọt vitamin D mỗi ngày, có ngày tăng lên 12 giọt trong hai năm rưỡi mặc dù anh không gặp vấn đề sức khỏe nào.

Điều này có nghĩa là anh ta đã bổ sung 8.000 đến 12.000 IU vitamin D mỗi ngày. Lượng vitamin D mà anh ta bổ sung cao hơn rất nhiều lần so với lượng bác sỹ khuyến cáo. Theo Tổ chức Loãng xương Canada, người lớn tuổi ít có nguy cơ bị loãng xương nên tiêu thụ tối đa 1.000 IU mỗi ngày, người cao tuổi có nguy cơ bị loãng xương nên bổ sung 2.000 IU.

Sau khi phát hiện tình trạng trên, các chuyên gia khuyên người đàn ông ngừng uống tất cả các chất bổ sung vitamin D và cắt giảm thực phẩm giàu calci khỏi chế độ ăn uống của mình. Anh ta cũng được kê thuốc hydroxychloroquine. Hiện mức calci và vitamin D của người đàn ông này đã trở lại bình thường sau một năm điều trị, tuy nhiên tình trạng suy thận vẫn không để đảo ngược. Anh ta đang phải tiếp tục sống với bệnh suy thận giai đoạn 3. 

Theo tiến sỹ Bourne Auguste - Chuyên gia Lâm sàng về Lọc máu tại bệnh viện của Đại học Toronto: "Mặc dù vitamin D hiếm khi gây ngộ độc nhưng sự phổ biến của nó trong nhiều sản phẩm có thể gây rủi ro đáng kể cho những bệnh nhân không hiểu biết. Do vậy, các bác sỹ lâm sàng nên cảnh báo về những rủi ro liên quan đến việc sử dụng vitamin D cho bệnh nhân của mình. Thêm vào đó, các hướng dẫn về việc bổ sung vitamin D ở những người có nguy cơ thấp nên được xem xét lại". 

Thanh Tú H+ (Theo Thehealthsite)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tiết niệu