Rối loạn cương dương – Căn bệnh thường gặp


Càng lớn tuổi thì tỷ lệ rối loạn cương dương càng cao


Rối loạn cương dương (RLCD) là thuật ngữ y khoa do Hội Nam học Quốc tế sử dụng từ năm 1997 để chỉ tình trạng dương vật cương không đủ cứng và/hay không đủ khả năng duy trì tình trạng cương để thỏa mãn hoạt động tình dục. Thuật ngữ này được dùng để thay thế cho các khái niệm trước đây như: liệt dương, bất lực, yếu sinh lý, thiểu năng tình dục của nam giới.

 

Theo Hội Y học giới tính Việt Nam, có khoảng 12 – 17% nam giới trong độ tuổi từ 20 - 70 tuổi bị rối loạn cương dương theo nhiều mức độ khác nhau.

Theo BS. Nguyễn Ngọc Tú, RLCD có biểu hiện khá đa dạng. Đó là tình trạng không có ham muốn tình dục nên dương vật không cương cứng để tiến hành giao hợp; Có ham muốn tình dục nhưng dương vật không đủ độ cương cứng để tiến hành giao hợp; Dương vật cương cứng không đúng lúc, khi định tiến hành giao hợp thì dương vật không thể cương được nhưng trong hoàn cảnh tự nhiên hoàn toàn không bị kích thích về tình dục như đang di chuyển trên đường, ngồi họp, khi đang ngủ…; Dương vật cương cứng trong thời gian ngắn nên không thực hiện được cuộc giao hợp thành công…

Về mặt dịch tễ, RLCD có liên quan chặt chẽ với tuổi tác. Bệnh có thể xảy ra từ độ tuổi bắt đầu biết quan hệ tình dục. Càng lớn tuổi thì tỷ lệ bệnh càng cao. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu về RLCD tại các nước trên thế giới và ở Việt Nam gần đây cho thấy, căn bệnh này có liên quan chặt chẽ hơn đến những căng thẳng trong công việc và cuộc sống. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, cuộc sống lao động và sinh hoạt ngày càng nhanh, càng đòi hỏi những nỗ lực không ngừng trong công cuộc hiện đại hóa thì càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng tình dục ở nam giới, RLCD càng tăng. Những người lao động trí óc có khả năng mắc RLCD nhiều hơn những người lao động đơn giản. Một số nguyên nhân khác có yếu tố tâm lý như lo lắng về khả năng hoàn thiện, thiếu kích thích ham muốn, trục trặc quan hệ vợ chồng cũng gây ra RLCD.

Ngoài ra, còn có một số yếu tố ảnh hưởng gây RLCD như rối loạn nội tiết; Một số bệnh bẩm sinh tại bộ phận sinh dục; Nhiễm độc thần kinh do nghiện rượu, thuốc lá, ma túy; Các tổn thương tủy sống; các bệnh tại não như Parkinson, Alzheimer…; Các bệnh mạn tính như đái tháo đường, cao huyết áp, tim mạch; Do sử dụng một số loại thuốc… Với nhóm nguyên nhân này, điều trị tốt bệnh lý có thể điều trị khỏi hoặc cải thiện RLCD.

Điều trị đặc hiệu & không đặc hiệu

RLCD là căn bệnh mang tính xã hội, ảnh hưởng dần dần đến cuộc sống tinh thần của con người, đến hạnh phúc gia đình và là nguồn gốc của nhiều chứng bệnh về thần kinh, tâm thần. Theo BS. Nguyễn Ngọc Tú, có hai nhóm điều trị chính với RLCD là điều trị đặc hiệu và không đặc hiệu theo nguyên nhân.


Tư vấn tâm lý là một trong những phương pháp đặc hiệu để điều trị bệnh


Phương pháp điều trị đặc hiệu là: Tư vấn tâm lý với những người bị RLCD do yếu tố tâm lý gây nên. Kiểm tra sự rối loạn của các yếu tố nội tiết để điều chỉnh những rối loạn nội tiết nếu có; Phẫu thuật mạch máu được chỉ định trong những trường hợp bị tắc/hẹp mạch máu… Phương pháp điều trị không đặc hiệu là thay đổi lối sống: Tập thể dục thường xuyên; Không hút thuốc lá; Uống ít rượu bia; Có chế độ dinh dưỡng hợp lý; Thư giãn hợp lý…

Tuy nhiên, theo BS. Tú, trong quá trình điều trị căn bệnh khó nói này, cần sự kết hợp chặt chẽ giữa bác sỹ, bệnh nhân và những người xung quanh. “Đây là một căn bệnh khó nói, có tính chất tế nhị, có tính chuyên môn sâu nên đòi hỏi người bệnh không nên giấu diếm bệnh với thầy thuốc và nên đến những nơi có bác sỹ chuyên khoa nam học hoặc tiết niệu để được khám, tư vấn và điều trị. Người bệnh cũng cần cần sự cảm thông và chia sẻ của người vợ/người tình để có thêm sự tự tin, tin tưởng khi điều trị thì hiệu quả điều trị sẽ tốt hơn”, BS. Tú chia sẻ.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nam khoa