6 phương pháp tự nhiên giúp giảm đường huyết

Kiểm soát tốt đường huyết giúp ngăn ngừa tiến triển bệnh đái tháo đường

6 dưỡng chất giúp người bệnh đái tháo đường kiểm soát biến chứng tốt hơn

Người bệnh đái tháo đường type 2 có ăn được nho khô?

Lá xoài và những tác dụng với người bệnh đái tháo đường

Dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh đái tháo đường

Tăng đường huyết là vấn đề phổ biến ở những người mắc hoặc có nguy cơ mắc đái tháo đường. Người bệnh cần đo đường huyết thường xuyên để đảm bảo bệnh này được kiểm soát tốt.

Tiền đái tháo đường là tình trạng đường glucose tăng cao trong máu hơn ngưỡng cho phép, nhưng chưa đến mức chẩn đoán thành bệnh. Nếu tích cực thay đổi chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng để giảm đường huyết, bạn có thể ngăn chặn tiền đái tháo đường tiến đến bệnh đái tháo đường type 2.

Nếu bạn đang mắc đái tháo đường hoặc ở giai đoạn tiền, hãy xin tư vấn của bác sỹ về kế hoạch điều trị giúp ổn định đường huyết. Bên cạnh đó, một số phương pháp tự nhiên dưới đây cũng sẽ giúp cải thiện vấn đề này.

Giảm cân và tập thể dục

Chương trình ngăn chặn đái tháo đường quốc gia do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tổ chức, khuyến khích người tham gia giảm 7% trọng lượng cơ thể, đồng thời tập thể thao 150 phút/tuần.

Vận động, tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ thường xuyên không chỉ giúp giảm cân mà còn có tác dụng ổn định lượng đường trong máu. Khi tập thể dục, cơ bắp đốt cháy glucose dư thừa thành năng lượng, giúp giảm đường huyết.

Uống đủ nước

Uống đủ nước giúp giữ đường huyết ổn định tự nhiên

Uống đủ nước có thể giúp kiểm soát đường huyết, giúp thận thải glucose không thể chuyển hóa ra khỏi cơ thể. Bạn không nên uống những đồ uống có đường như soda, nước ngọt. Ngoài nước lọc, nước chanh không đường, nước dừa cũng giúp bổ sung nước mà không gây tăng đường huyết. Cùng với đó, hãy tham khảo thêm ý kiến bác sĩ về thức uống phù hợp với sức khỏe của bạn.

Hạn chế carbohydrate

Tinh bột có ảnh hưởng lớn đến lượng đường trong máu. Cơ thể sẽ phân giải tinh bột thành glucose để chuyển hóa thành năng lượng. Một chế độ ăn có quá nhiều carbohydrate sẽ tạo gánh nặng cho cơ thể, cản trở hoạt động của insulin và gây ra tăng đường huyết.

Tuy nhiên, không phải tinh bột nào cũng tốt cho đường huyết. Bạn nên hạn chế nguồn tinh bột từ bánh mì, gạo trắng, bún, vì carbohydrate đơn giản trong những thực phẩm này có thể khiến đường huyết tăng vọt. Thay vào đó, hãy chọn nguồn carbohydrate ít đường và giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt.

Ăn nhiều chất xơ

Chế độ ăn uống có thực phẩm giàu chất xơ tốt cho người đái tháo đường

Hoa quả và rau củ nhiều chất xơ có thể giúp giảm đường huyết. Người mắc đái tháo đường nên ăn hoa quả tươi, hạn chế hoa quả đã qua chế biến như làm mứt, sấy khô, đóng hộp. Khẩu phần hoa quả cũng cần được tính toán cẩn thận để không vượt quá lượng đường bạn được phép tiêu thụ mỗi ngày.

Súp lơ, bông cải xanh, măng tây là rau củ có hiệu quả ổn định đường huyết.

Ăn thực phẩm với chỉ số đường huyết thấp

Chỉ số đường huyết (GI) là chỉ số phản ánh tốc độ gia tăng của đường huyết khi cơ thể hấp thụ thức ăn. Thực phẩm có chỉ số GI thấp có lợi cho sức khỏe và đặc biệt tốt cho bệnh nhân đái tháo đường. Khi ăn những thực phẩm này, lượng đường trong máu sẽ tăng chậm và giảm chậm. 

Bạn nên chọn những thực phẩm có chỉ số GI dưới 55 theo hướng dẫn của bác sỹ.  Khoai lang, yến mạch, quả mọng có chỉ số GI thấp.

Hạn chế stress

Mức độ stress có ảnh hưởng trực tiếp đến đường huyết của bạn. Khi bạn gặp áp lực, những hormone căng thẳng như cortisol sẽ làm tăng đường huyết, khiến cơ thể không thể sử dụng insulin hiệu quả. Các phương pháp giảm stress hiệu quả là tập thể dục, thiền hoặc viết ghi chép hàng ngày. 

 

Quỳnh Trang H+ (Theo Insider)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nội tiết