Những nguyên nhân khiến bạn bị chuột rút chân ban đêm

Phải làm gì khi bạn hay bị chuột rút chân ban đêm?

6 loại tinh dầu giúp ngăn ngừa chuột rút, đau nhức cơ bắp

Infographic: 10 cách trị chuột rút tự nhiên, ngay tại nhà

Chuột rút và tê đầu ngón tay có phải biến chứng của đái tháo đường không?

Dễ bị chuột rút chân phải làm sao?

Dưới đây là những nguyên nhân gây chuột rút chân ban đêm:

Mất cân bằng điện giải

Chất điện giải là các khoáng chất giúp cơ thể hoạt động tối ưu. Chúng bao gồm kali, natri, calci, phospho, magne... Nồng độ thấp của bất kỳ chất điện giải nào đều có thể kích hoạt tình trạng chuột rút ở chân. Do đó, bạn nên cố gắng giữ cân bằng điện giải bằng cách ăn chuối, rau chân vịt, khoai lang, các loại hạt và sữa chua.

Không uống đủ nước

Một nghiên cứu trong năm 2017 đã chỉ ra mối quan hệ giữa mất nước và tình trạng chuột rút chân ban đêm. Thông thường, mọi người cũng hay bị chuột rút chân trong mùa Hè hơn so với mùa Đông, nguyên nhân là do sự thay đổi về nhiệt độ và tình trạng mất nước trong cơ thể.

Không thường xuyên duỗi chân

Duỗi chân thường xuyên trong ngày có thể giúp giảm chuột rút ban đêm

Căng cơ ở nửa dưới cơ thể có thể gây ra nhiều tình trạng khó chịu như đau lưng, đau đầu gối và chuột rút ở chân. Các nhà khoa học cho rằng, tình trạng chuột rút có nhiều khả năng xảy ra khi các cơ bắp ở chân bị rút ngắn. Do đó, hãy cố gắng duỗi chân thường xuyên trong suốt cả ngày để tránh chuột rút ban đêm.

Đứng cả ngày

Ngồi cả ngày không tốt nhưng đứng cả ngày cũng có thể gây ra những tác hại nhất định. Thậm chí, một nghiên cứu năm 2012 cho rằng những người đứng cả ngày còn có nhiều khả năng bị chuột rút ban đêm hơn những người ngồi nhiều.

Tập thể dục quá nhiều

Hãy cẩn thận, tập cardio hay các bài tập tăng cường sức mạnh quá mức cũng có thể gây chuột rút ở chân. Nếu muốn cải thiện cường độ tập luyện, hãy bắt đầu chậm và tăng dần cường độ, thời gian tập luyện từng chút một.

Tác dụng phụ của một số loại thuốc

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các loại thuốc lợi tiểu (thường được dùng để điều trị bệnh huyết áp) có thể làm tăng nguy cơ chuột rút chân ban đêm. Tốt hơn hết, bạn nên trao đổi với bác sỹ để điều chỉnh liều dùng hoặc thay thế sang các loại thuốc khác phù hợp hơn.

Nằm ngủ sai tư thế

Khi nằm sấp, các cơ ở bắp chân cũng thường bị rút ngắn đi, làm tăng nguy cơ bị chuột rút khi ngủ. Tốt hơn hết, bạn nên tránh nằm sấp khi ngủ.

Làm gì để giảm đau khi bị chuột rút chân ban đêm?

Cố gắng duỗi cơ bắp bị chuột rút: Để giảm đau, hãy thử duỗi thẳng chân, nhẹ nhàng uốn cong các ngón chân về phía mình. Bạn có thể nhờ người nhà giữ chân cho mình.

Uống nước muối dưa: Điều này có thể giúp cân bằng điện giải nhanh chóng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, uống nước muối dưa trong vòng 35 giây khi bị chuột rút có thể giúp giảm đau nhanh hơn so với khi uống nước lọc.

Massage chân với tinh dầu: Bạn có thể pha vài giọt tinh dầu oải hương, tinh dầu bạc hà… với dầu nền (dầu dừa, dầu olive) để massage vùng chân bị chuột rút.

Chườm ấm: Ngâm một chiếc khăn sạch trong nước nóng, vắt ráo và chườm lên vùng bị đau do chuột rút.

Vi Bùi H+ (Theo Care2)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh thường gặp