Hắc lào: Bệnh ngoài da chớ nên xem nhẹ

1.Bệnh hắc lào - dấu hiệu nhận biết bệnh hắc lào

Hắc lào còn gọi là bệnh lác, là bệnh dovi nấm thuộc nhóm dermatophytes cạn gây nên. Hay gặp nhất là hai loại trychophyton và epidermophyton.

Dấu hiệu nổi bật nhất của bệnh là ngứa, nổi mẩn đỏ, có mụn nước, vùng có nấm thường tròn như đồng tiền. Cảm giác ngứa ngáy rất khó chịu ở vùng da bị tổn thương, cả ngày lẫn đêm, ngứa nhiều hơn khi về đêm, đổ mồ hôi, thời tiết nóng bức...

Dấu hiệu của bệnh hắc lào


Nổi mẩn đỏ một vùng có giới hạn rõ, trên bề mặt xuất hiện những mụn nước, tập trung ở phần rìa vùng nổi mẩn. Bệnh có thể gặp ở bẹn, chân tay, mặt, bụng, ngực...

2. Nguyên nhân mắc bệnh hắc lào

- Thói quen sinh hoạt không lành mạnh

+ Mặc quần áo chung với người lạ, mặc quần áo ẩm ướt: Môi trường ẩm ướt là điều kiện rất tốt cho các nấm gây bệnh phát triển. Đó cũng là môi trường dễ gây ra các bênh ngoài da khác.

+ Ít tắm giặt trong khi cơ thể có nhiều mồ hôi: Thói quen xấu này tạo điều kiện cho các nấm, vi khuẩn dễ dàng gây bệnh.

+ Bơi lội tại vùng có nước bẩn: Nước bẩn là nơi trú ẩn của nhiều loại vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh.

Bơi lội nơi có nguồn nước bẩn là nguyên nhân gây ra hắc lào


- Qua con đường lây nhiễm từ người này sang người khác:

Hắc lào là bệnh dễ lây nhiễm qua con đường tiếp xúc da thịt thông thường hay mặc chung quần áo, dùng chung đồ sinh hoạt:

+ Quan hệ tình dục với người nhiễm bệnh hay người lạ.

+ Mặc quần áo chung với người lạ.

- Có thể lây nhiễm từ động vật.

3. Tác hại của hắc lào

Hắc lào tuy không phải là căn bệnh nguy hiểm, nhưng gây ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người bệnh, đặc biệt là vấn đề thẩm mỹ… Vì vậy, cần chữa bệnh hắc lào tận gốc, tránh tái phát và lây nhiễm cho người khác.

Nếu không chữa trị kịp thời bệnh sẽ lan thêm ra những vị trí khác, tăng kích thước, chàm hóa hoặc lây sang người khác do tiếp xúc trực tiếp hay lây qua quần áo. Nếu bôi thuốc không đúng (thuốc quá mạnh, bôi dây sang da lành hay da non, thuốc không đúng bệnh... ) có thể gây ra tình trạng phỏng, chảy nước nhiều, ngứa dữ dội... Trong một số ít trường hợp có thể gây nhiễm trùng, đi lại khó khăn.

4. Cách điều trị

Bệnh hắc lào tuy gây nhiều khó chịu cho người bệnh nhưng chữa trị không khó. Nhưng nếu dùng thuốc không đúng thuốc quá mạnh, bôi sang cả vùng da lành, da non thì sẽ gây ra tình trạng phỏng, chảy nước vùng bôi thuốc, thậm chí nếu dùng theo lời mách bảo không đúng còn gây nhiễm khuẩn, sưng đau.

Ðiều trị lác, có rất nhiều loại thuốc. Trong dân gian thường dùng lá Muồng, Ô môi, Xương rồng bôi cũng có tác dụng nhưng có thể gây biến chứng nhiễm trùng, viêm tấy ... nếu dây vào vùng da non, bìu. Nhiều loại thuốc bôi cổ điển được pha chế sẫn như Antimycose, SA, ASA, BSI . . .có tác dụng tốt nhưng gây lột da nhiều, đau rát, để lại màu trên da như sạm da hoặc gây biến chứng tương tự thuốc dân gian.

Lá Muồng có tác dụng trong chữa hắc lào


Hiện nay đã có những loại thuốc mới, có thể bôi hoặc uống. Thuốc bôi như ecoconazol, miconazol, clotrimazol... Những thuốc này có ưu điểm là không có màu, mùi thơm, không gây lột da, không sưng đau nhưng cũng có thể gây ra những dị ứng nhẹ. Những dị ứng này sẽ hết khi ngừng dùng thuốc. Trong trường hợp bệnh tái phát nhiều lần có thể phải dùng thuốc chống nấm dạng uống. Tuy nhiên việc dùng thuốc cần có sự chỉ dẫn của bác sỹ.

5. Phương pháp phòng bệnh

- Việc phòng bệnh phải bắt đầu bằng lối sống vệ sinh sạch sẽ, tắm gội và giặt giũ quần áo, chăn màn thường xuyên. Những người đang bị bệnh, bên cạnh việc dùng thuốc tại chỗ phải diệt nấm ở những vật dụng cá nhân như quần áo, chăn màn... bằng cách luộc ởnướcsôi 100 độ C trong vòng 15 phút.

- Đối với người lành không mang bệnh không nên mặc quần áo chung với người khác, tránh làm việc nơi ẩm ướt, nếu ra mồ hôi nhiều cần phải thường xuyên tắm giặt và giữ khô những vùng nếp như háng, nách, bẹn.

- Tránh gần gũi, chung đụng với thú nuôi trong nhà bị rụng lông bất thường.

- Không quan hệ tình dục tùy tiện.

- Khi mắc bệnh phải đi khám để được hướng dẫn chữa trị đúng.

Những điều lưu ý khi điều trị
- Ðiều trị liên tục (ngày bôi thuốc 2-3 lần) cho đến khi da lành, sau đó cần tiếp tục thoa ít nhất 2 tuần nữa để tránh tái phát. Nếu điều trị sau 4 tuần không có dấu hiệu cải thiện thì nên đi bác sĩ khám để được chẩn đoán kỹ hơn.
- Khi tổn thương quá rộng, bác sỹ có thể cho người bệnh dùng các thuốc uống để trị vi nấm như Griseofulvin, Ketoconazol...
- Tuyệt đối không gãi, không cạo trước khi bôi thuốc. Nên tắm rửa nhẹ nhàng, không chà mạnh. Tắm bằng xà phòng diệt nấm như sastid, nizorale, kara hoặc bằng chanh hoà loãng, không nên xát chanh trực tiếp lên vùng da bệnh làm tổn thương da.
- Tuyệt đối không được bôi một trong các chế phẩm có steroid như: flucinar, gentrisone, diprosone, fobancort... vì các chế phẩm này làm cho nấm lan rộng ra và ăn sâu xuống, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn.

CTV2
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Da liễu