10 biện pháp tự nhiên giúp giảm đầy bụng, đầy hơi

Uống trà gừng là một trong những cách đơn giản nhất để giảm đầy bụng, đầy hơi

9 lý do tại sao bạn bị đầy hơi, đầy bụng

Đầy hơi ngay cả khi ăn uống lành mạnh: Chuyên gia chỉ cách khắc phục

6 loại trà thảo dược giúp cải thiện tiêu hóa

Muốn hệ tiêu hóa khỏe trong ngày Hè: Áp dụng ngay những cách này

Theo chuyên gia dinh dưỡng Jess Cording (người Mỹ), một số nguyên nhân khiến bạn hay bị đầy bụng, đầy hơi bao gồm: Ăn quá nhanh, nhai kẹo cao su, uống nhiều đồ uống có gas, ăn các thực phẩm khó tiêu, không dung nạp một số thực phẩm nhất định…

Nếu đầy bụng, đầy hơi khiến bạn cảm thấy tức bụng, khó chịu, hãy thử áp dụng một số biện pháp tự nhiên dưới đây để khắc phục tình trạng này ngay tại nhà:

Dùng tinh dầu bạc hà

Từ lâu, bạc hà đã được sử dụng để hỗ trợ tiêu hóa một cách tự nhiên. Ngày nay, các nhà khoa học cũng đã chứng minh được tinh dầu bạc hà có khả năng làm giảm đầy bụng, đầy hơi.

Nguyên nhân là do các hoạt chất flavonoid trong bạc hà có tác dụng giúp thư giãn đường tiêu hóa. Tuy nhiên, những người mắc chứng trào ngược acid dạ dày nên thận trọng khi dùng tinh dầu bạc hà.

Bổ sung probiotics

Trong ruột non và ruột già có một hệ vi khuẩn, nấm men phức tạp, giúp lên men các loại carbohydrate mà con người không thể tiêu hóa. Tuy nhiên, quá trình này có thể sản sinh ra khí đường ruột. Một số chủng vi khuẩn đường ruột có thể sản sinh ra nhiều khí hơn so với những loại khác, khiến bạn cảm thấy khó chịu.

Bổ sung probiotics giúp hỗ trợ tiêu hóa, giảm đầy bụng, đầy hơi

Theo bác sỹ Amy Shah (người Mỹ): “Cảm giác đầy bụng là do mất cân bằng lượng vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong ruột. Trên thực tế, số lượng hại khuẩn tăng lên có thể xảy ra do bạn có chế độ ăn uống kém lành mạnh, căng thẳng, sử dụng kháng sinh… Điều này có thể dẫn tới tình trạng đầy bụng, đầy hơi”.

Để giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, bác sỹ Amy Shah gợi ý bổ sung probiotics: “Nhiều nghiên cứu cho thấy, bổ sung probiotics thường xuyên có thể hỗ trợ cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, ngăn ngừa hoặc làm giảm tình trạng đầy hơi”.

Dùng gừng

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh dùng gừng có thể giúp giảm đầy hơi, khó tiêu. Theo đó, gừng có thể giúp giảm cảm giác buồn nôn, thúc đẩy hoạt động nhu động ruột và hỗ trợ đào thải khí trong cơ thể. Bạn có thể thử uống một cốc trà gừng khi thấy mình bị đầy bụng, đầy hơi, khó tiêu.

Ăn chậm hơn

Ăn quá nhanh có thể khiến bạn nuốt nhiều không khí vào cơ thể, từ đó gây ra cảm giác đầy bụng, đầy hơi. Do đó, hãy cố gắng ăn chậm, nhai kỹ thức ăn.

Hạn chế các loại rau họ cải

Ăn nhiều các loại rau họ cải có thể gây đầy bụng, đầy hơi khó chịu

Ăn nhiều các loại rau họ cải như súp lơ trắng, bắp cải, mầm cải Brussels, cải chíp, bông cải xanh… có thể gây ra sự tích tụ khí trong đường tiêu hóa. Dù chúng đều là những loại rau tốt cho sức khỏe, các loại rau họ cải có chứa nhiều hợp chất có chứa lưu huỳnh như glucosinolates, raffinose.

Khi di chuyển tới đại tràng, các vi khuẩn trong ruột sẽ lên men thức ăn, tạo ra nhiều khí và gây đầy hơi. Để khắc phục tình trạng này, bạn nên nấu chín các loại rau họ cải, hoặc tránh ăn chúng quá nhiều.

Tránh các sản phẩm có đường ăn kiêng

Các sản phẩm như kẹo cao su không đường, kẹo bạc hà và các món tráng miệng thường sử dụng các loại đường ăn kiêng (sugar alcohols) như sorbitol, mannitol, xylitol… để tạo ra vị ngọt nhưng không chứa quá nhiều calorie. Tuy nhiên, các loại đường ăn kiêng này có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến một số người.

Nguyên nhân là do cơ thể không sản sinh được các enzyme cần thiết để tiêu hóa đường ăn kiêng. Do đó, phần lớn chúng vẫn còn khá nguyên vẹn khi đến ruột. Tại đây, các loại đường ăn kiêng sẽ bị vi khuẩn đường ruột phân giải, gây ra nhiều khí và dẫn tới đầy hơi.

Ngâm đậu trước khi chế biến

Các loại đậu thường chứa nhiều carbohydrate khó tiêu như raffinose và stachyose. Điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đầy bụng, đầy hơi, khó tiêu. Do đó, trước khi chế biến, bạn có thể ngâm đậu qua đêm để làm giảm lượng đường trong đậu.

Bạn cũng có thể luộc qua đậu trước khi chế biến. Rửa sạch và luộc qua đậu với tỷ lệ 1 phần đậu, 3 phần nước. Đun sôi trong 2 - 3 phút sau đó tắt bếp, ngâm khoảng 1 giờ trước khi lọc bỏ nước. Sau đó, bạn có thể chế biến đậu như bình thường.

Ăn đu đủ

Enzyme được tìm thấy trong đu đủ có thể hỗ trợ quá trình tiêu hóa, giúp ngăn ngừa táo bón và đầy hơi. Bạn có thể thêm đu đủ vào các bữa ăn, hoặc tham khảo ý kiến bác sỹ để bổ sung 20ml enzyme đu đủ trong các loại thực phẩm chức năng trước bữa ăn.

Massage bụng

Nhiều chuyên gia cho biết, massage bụng nhẹ nhàng cũng có thể làm giảm tình trạng táo bón, đầy hơi. Tốt hơn hết, bạn nên nằm thư giãn, co đầu gối và bắt đầu massage từ vùng bụng dưới, bên phải. Massage dần theo chiều kim đồng hồ.

Ngoài massage bụng, bạn cũng nên thử tập yoga để cải thiện tiêu hóa. Các tư thế yoga yêu cầu uốn người về phía trước, vặn người… sẽ giúp kích thích hoạt động nhu động ruột, hỗ trợ đẩy khí ra ngoài.

Thử chế độ ăn ít FODMAP (Low-FODMAP)

FODMAP là viết tắt của tập hợp các phân tử thức ăn (Fermentable, Oligosaccharides, Disaccharides, Monosaccharide, Polyol), tất cả đều là các carbohydrate chuỗi ngắn lên men và hấp thụ kém trong ruột, có thể dẫn đến đầy bụng, đầy hơi.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn ít FODMAP có thể giúp giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, chướng bụng cho 70% những người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS).

Nhìn chung, bạn sẽ phải tránh một số sản phẩm như các loại đậu, các sản phẩm từ sữa, thực phẩm chế biến sẵn, mật ong… Thay vào đó, chế độ ăn ít FODMAP tập trung vào các loại rau củ, trái cây, các loại hạt…

Vi Bùi H+ (Theo MBG)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tiêu hóa