Thượng tọa Thích Minh Hiền: Muốn Tin phải Hiểu

Thượng tọa Thích Minh Hiền: Giáo lý Phật pháp gần gũi, giản dị như chân lý cuộc sống

Kỳ quan Phật giáo cổ xưa và độc đáo nhất thế giới

Bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam & Phật giáo

Đệ nhất phó pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam viên tịch

Phát hiện ngôi đền Phật giáo cổ nhất

Quan điểm của Phật giáo về đồng tính luyến ái

Health+ đã có buổi diện kiến Thượng tọa Thích Minh Hiền -  Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Xin chia sẻ cùng bạn đọc!  

Uyên bác, dày vốn sống, say mê nhiếp ảnh và rất hóm hỉnh khi đưa ra các hình ảnh, dẫn chứng minh họa cho quan điểm của mình…, Thượng tọa Thích Minh Hiền luôn làm người đối thoại cảm thấy khâm phục, kính trọng. Vẫn biết, những người quen với việc thuyết giảng luôn biết cách dẫn dắt câu chuyện để tạo sức hấp dẫn công chúng, song thứ ánh sáng lấp lánh trong những lời nói của vị trụ trì Hương Sơn cổ tự này lại đến từ những câu chuyện đời thường, điển tích thành ngữ dân gian… được trích dẫn giản dị mà vô cùng “đắt”.  

Đức Phật từng dạy: “Tin ta mà không hiểu ta tức là phỉ báng ta”. Chính vì thế, người tín tâm không phải cứ gặp chùa là vào, gặp tượng là hành lễ… Với mỗi Phật tử, tin chưa đủ, còn phải hiểu. Hiểu chưa đủ, còn phải biết “nguyện nơi tâm và hành nơi thân”.

Nhân bàn về sự lan tỏa của Phật giáo trong dân gian, thày dẫn chứng gần gụi, dễ hiểu: “Làng nào cũng có chùa, cộng đồng nào cũng có những người thành tâm tin vào Phật, cái thành ngữ đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người ta từ bao năm qua “Trẻ vui nhà, già vui chùa” cũng phần nào nói lên điều đó”.

Muốn TIN phải HIỂU

“Cần biết rằng, giáo lý Phật pháp cao thâm, vi diệu nhưng cũng lại rất đỗi gần gũi, giản dị như chân lý cuộc sống: Bốn mùa Xuân – Hạ - Thu – Đông luân chuyển nhau đến rồi lại đi, con người tuần tự trải qua Sinh – Lão – Bệnh – Tử…”, ấy là những lời chia sẻ nhẹ nhàng mà sâu sắc của Thượng tọa Thích Minh Hiền trong buổi trò chuyện.

Với kiến văn rộng rãi về tôn giáo, Thượng tọa Thích Minh Hiền chia sẻ: Người ta có thể tin vào các đấng tối cao, như Thánh Ala, Đức Chúa Jesus Christ, Đức Phật… Thậm chí, ở góc độ thấp hơn, niềm tin tôn giáo có thể là sự ký thác niềm tin vào một thứ đạo nào đó, tin vào cỏ cây hay các linh vật… Đặc biệt, khi sống trong một xã hội, con người còn có đặt niềm tin vào một chủ nghĩa, một chế độ, một lý tưởng sống hay các cá nhân lãnh tụ. “Muốn có “niềm tin”, phải có được những “cơ chế” hình thành nên nó, có đối tượng ký thác niềm tin. Từ đó, mới đến giai đoạn bồi đắp niềm tin: Nếu (ai) chưa có thì sẽ “xây” cho có; Nếu thiếu thì sẽ bồi đắp, củng cố niềm tin. Nói vậy để thấy cả một tiến trình, chứ không thể “chặt ngang” để luận bàn về việc việc “đánh mất” hay khủng hoảng niềm tin”.  

Cái gọi là “khủng hoảng niềm tin” phải chăng không chỉ giới hạn ở niềm tin tôn giáo, không chỉ ở thế hệ trẻ, mà còn thấy cả ở lớp trung niên từng đi qua thời hậu chiến và những giai đoạn khó khăn của đất nước? Trước, niềm tin của họ là lý tưởng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, là xây dựng đất nước vượt qua muôn vàn thiếu thốn gian khổ. Nhưng nay, khi đến thời bình, cuộc sống vật chất phát triển kéo theo không ít hệ quả xấu, thì họ đang ít nhiều “hoang mang”, họ tìm kiếm một thứ niềm tin như họ nhận thức – mang lại hiệu quả tức thì và như mong nguyện. Theo các nhà nghiên cứu xã hội, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự du nhập của nhiều tôn giáo, tín ngưỡng, dẫn đến nhiều hoạt động mê tín…

Đức Phật từng dạy: “Tin ta mà không hiểu ta tức là phỉ báng ta”

Và như thế, cái sự “mất niềm tin” là gì? Là thứ tưởng đánh mất nhưng thực ra lại chưa hề có. “Người ta muốn tin thì phải biết mình tin ai, ký thác niềm tin vào đâu…”, Thượng tọa nói, “Trong đạo Phật có câu “Phật pháp đại hải, tín vi năng nhập, trí vi năng độ”, nghĩa là: Biển Phật pháp bao la, phải có lòng tin mới vào được, phải có trí tuệ mới qua được. Trong cuộc sống, niềm tin thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau, từ Đức tin, Tín tâm trong tôn giáo cho đến chữ Tín trong giao thương, trong quan hệ xã hội… Việc xây dựng niềm tin đòi hỏi một quá trình lâu dài, phải có sự duy trì lòng tin, phải hướng đến các giá trị Chân - Thiện - Mỹ, rồi mới đến sự Giác ngộ và Giải thoát”.

Như vậy, có thể hiểu, con đường để thực hành điều đó chính là “Tu”. Xin đừng nhìn nhận “tu” theo nghĩa hẹp và gắn với một tôn giáo cụ thể, mà trước hết cần hiểu nó như một cách thức để con người trở nên hiểu biết hơn, thể hiện niềm tin vào các giá trị tốt đẹp qua hai thứ: “Nguyện nơi tâm và hành nơi thân”.

“Dân gian có câu “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tại chợ, thứ ba tại chùa”, từ phạm vi hẹp ra đến rộng, từ thấp đến cao. Việc “tu” ấy quy định cách hành xử và lối sống của chúng ta: Con người ở gia đình phải như thế nào, ngoài xã hội ra sao, vào chùa (trở thành Phật tử) phải thế nào. Tùy từng cá nhân, giai cấp, hay từng thế hệ… mà sẽ có cách tu tập trong từng phạm vi (gia đình, xã hội, nhà chùa)”, Thượng tọa cho biết. 

“Phật hóa nhân gian”

Trong dòng chảy của cuộc sống, khi xã hội thay đổi, nhận thức của con người thay đổi thì tôn giáo cũng ít nhiều có sự điều chỉnh về cách thể hiện hay một vài nét nghi thức… Đó chính là câu chuyện “Phật hóa nhân gian” trong xã hội hiện đại.

Theo Thượng tọa Thích Minh Hiền, Phật đã được rước ra ngoài, không còn bị bó hẹp trong chùa, ánh sáng của Từ bi và Trí tuệ đến gần với cộng đồng hơn. “Những cuộc diễu hành trang trọng với xe hoa rước tượng Đức Phật trong ngày lễ ấy có thể gọi là cách “Phật xuống đường”, “Phật hóa nhân gian”…”, Thượng tọa cho biết. 

- Xin Thượng tọa chỉ giáo rõ hơn về việc “Phật hóa nhân gian” này!

Vừa qua, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII diễn ra tại Hà Nội đã có trên 1.500 tăng ni, đại biểu về dự và thu hút sự quan tâm của Phật tử trên cả nước. Cùng với Bản tin nhanh hàng ngày được ra mắt dịp này, Đại hội có các chương trình hoạt động văn hóa thể hiện rõ tinh thần Phật giáo, với định hướng “ổn định, kế thừa và phát triển”. Cụ thể hơn, đó là việc phát huy bản sắc văn hóa của Phật giáo Việt Nam, đưa nghệ thuật Phật giáo vào cuộc sống đúng với tinh thần “Phật hóa nhân gian” (đưa Đạo vào Đời), biểu hiện qua văn học nghệ thuật, thi ca, hội họa… Đó chính là những con thuyền, cây cầu chuyên chở giáo lý và tinh thần Phật giáo đến với chúng sinh một cách nhẹ nhàng, gần gũi nhất. Với hình thức này, tinh thần Phật giáo sẽ được lan tỏa sâu rộng hơn, sâu rễ bền gốc hơn trong cộng đồng. 

- Thưa Thượng tọa, việc Phật “xuống đường” hay “Phật hóa nhân gian” cho thấy định hướng “nhập thế” khá rõ của Phật giáo Việt Nam hiện nay. Bên cạnh mặt tích cực, cũng đã xuất hiện một vài trường hợp trục lợi hay lạm dụng hình ảnh người tu hành của một vài đệ tử nhà Phật thời gian qua khiến dư luận xôn xao, ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin và sự kính ngưỡng của người dân. Xin Thượng tọa cho biết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhận định như thế nào về vấn đề này, cũng như có những định hướng cụ thể nào nhằm chấn hưng Phật giáo? 

Trong Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc vừa qua, cũng có phần nghị sự về việc xử lý, khắc phục những vấn đề nổi cộm, cá nhân đệ tử hành xử không phù hợp với tinh thần Phật giáo. Đấy là những biểu hiện lệch lạc về sự “nhập thế” của một vài cá nhân tăng – ni mà tăng chúng cần nhìn vào đó để nghiêm khắc sửa mình, sám hối và giáo quản đệ tử.

Một vấn đề của Phật giáo Việt Nam hiện nay là sự mất cân đối trong tỷ lệ tăng ni, trụ trì tự viện tại các đô thị lớn và nông thôn. Có đến ¾ số tự viện trên cả nước tập trung ở nông thôn, nhưng tăng ni, trụ trì, giới chức lãnh đạo thì lại dồn nhiều về thành phố, đô thị… dẫn đến sự phát triển không đồng bộ. Điều này đòi hỏi có sự điều chỉnh nhất định để Phật giáo được phát triển hài hòa hơn.

Phật hóa nhân gian để đưa Đạo vào Đời

Liên quan đến việc chấn hưng Phật giáo, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng niềm tin trong giới trẻ, hướng các em đến những giá trị Chân – Thiện – Mỹ. Trong những năm gần đây, tháng nào chúng tôi cũng tổ chức sinh hoạt văn hóa cho thanh niên, sinh viên phật tử. Tại địa phương, chúng tôi đã tổ chức lễ hội Đức Quan Âm trong 3 ngày (dịp 19/6 âm lịch, chương trình Hương Sen Đại bi), để các  cháu học sinh cấp tiểu học, trung học cơ sở trong huyện về dự. Mục đích của chương trình là tạo không gian văn hóa tu học cho các cháu học sinh, sinh viên Phật tử của các chùa trong vùng, hướng tới nếp sống Chân - Thiện - Mỹ, đặc biệt hướng cho các em Hạnh hiếu, biết tri ân và báo ân tới mọi người trong gia đình, ông bà, cha mẹ, thầy cô và người xung quanh.  

- Xin Thượng tọa chia sẻ vài lời khuyên giúp các độc giả của Health+ hướng tới việc “Khỏe Thân – Khỏe Trí – Khỏe Tâm”!

Trước hết, về “khỏe thân”, tôi xin mượn lời dân gian là chúng ta phải làm sao “ăn trở xuống, uống trở vào” – có chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp  tiêu hóa trôi chảy, thuận lợi theo tự nhiên; rồi thân thể “mềm như lạt, mát như nước” – sống lành mạnh, thuận tự nhiên, không sinh viêm nhiệt, khô nóng… Để làm được như vậy, ta phải luyện Thân để cho thân điều hòa, tứ đại (Địa đại, Thủy đại, Hỏa đại, Phong đại) điều hòa. Mỗi người chúng ta nên là một bác sỹ của chính mình để điều chỉnh các hành vi cho phù hợp nguyên lý sức khỏe, luyện rèn thân thể để phòng – chống bệnh tật.

Muốn “khỏe tâm”, chúng ta phải đối trị 3 độc - chính là “tham, sân, si”, phải biết tiết chế bản thân, bớt tham lam, ham muốn và tiêu trừ giận dữ, mê muội… Để đạt đến sự định Thân, định Tâm như vậy nên, việc tập Yoga, Thiền định… hết sức có ích.

Về việc định thân và định tâm, chúng ta phải rèn thông qua giới, mà với người tu hành chính là “giữ giới” (không sát sinh, không dùng chất kích thích…).

Song hành trong suốt quá trình đó chính là việc rèn cho “khỏe trí”. Trong cuộc trò chuyện này, tôi muốn nói một điều quan trọng hơn cả niềm tin tôn giáo: đó là việc xây dựng lòng tin cho con người vào chân lý, vào trí tuệ, vào sự thật cuộc sống. Chúng ta phải nhận thức được điều đó. Cuộc sống vô thường với toàn bộ quá trình phát triển của nó, với quy luật Sinh - Lão - Bệnh - Tử, với vòng luân chuyển Xuân - Hạ - Thu - Đông… là chân lý. Chỉ khi hiểu về chân lý khách quan, chân lý tuyệt đối, chúng ta mới có thể đặt niềm tin vào đúng chỗ, tức là bước đầu có được sự giác ngộ và hướng tới sự giải thoát. Trong Phật giáo, chân lý ấy được thể hiện qua những quan điểm về sự thừa nhận Sinh - Lão - Bệnh - Tử, về quá trình Khổ - Tập Diệt - Đạo, về 12 nhân duyên hay thuyết Nhân Quả… Niềm tin nằm ở đó!

“Tín - Giới - Định - Tuệ” là con đường đi từ niềm tin đến việc nhận thức, hiểu biết điều/người mình ký thác niềm tin đó. Quá trình tu tập, giữ giới sẽ giúp con người đi theo con đường đó một cách đúng hướng… (Thượng tọa Thích Minh Hiền).
Song Hà
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Trò chuyện