Những vụ cá chết hàng loạt ở Việt Nam gây chấn động dư luận!

Cá chết hàng loạt tại nhiều địa phương từ đầu năm đến nay

Vụ cá chết hàng loạt: Nghi vấn ống xả thải khổng lồ dưới biển Vũng Áng

Cá chép trị phù nề, hen suyễn

Cá chết trắng sông Bà Rén

Dân làng cá bè Đồng Nai: "Tết này trắng tay rồi"

370 tấn cá chết trắng trên sông Đồng Nai

Hàng trăm tấn cá trong bè của người dân trên nhánh sông Đồng Nai (TP Biên Hòa, Đồng Nai) chết trắng, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Theo người dân, cá bỏ ăn và nổi lên mặt nước từ đêm 3/1/2016, đến rạng sáng hôm sau thì chết hàng loạt, nổi kín mặt sông. Khúc sông đoạn qua Cù Lao Phố (xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa), xác cá chết nổi trắng lềnh bềnh, phủ kín mặt sông. Hàng trăm xác cá chết trong mấy ngày qua trương sình, bốc mùi nồng nặc, nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo thống kê sơ bộ, có 241 hộ nuôi cá trên sông Đồng Nai bị thiệt hại, người ít thì vài chục kg, người nhiều lên đến 10 tấn cá các loại.

Cá bè chết ở Đồng Nai

Theo kinh nghiệm hàng chục năm nuôi cá của những hộ dân nơi đây, nguyên nhân cá chết là do ô nhiễm dòng nước. Người dân khẳng định do nhà máy xả thải, bởi vì chỉ có dòng nước ô nhiễm hóa chất thì cá mới chết nhanh và nhiều đến như vậy, kể cả cá ngoài sông cũng không sống nổi.

Chính quyền tỉnh Đồng Nai xác định nguyên nhân cá bè chết trắng là do thủy triều bất thường và người dân nuôi không đúng cách khiến hàm lượng oxy trong nước thấp hơn nửa so với quy chuẩn.

Rét đậm rét hại khiến hàng chục tấn cá chết ở Hà Tĩnh

Cuối tháng 1/2016, giá rét khiến hàng chục hồ nuôi và lồng bè ở Hà Tĩnh lâm vào cảnh lao đao do cá sắp đến độ thu hoạch thì chết hàng loạt. Thiệt hại cho các hộ nuôi lên đến hàng chục tỷ đồng.

Rét đậm rét hại là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt ở Hà Tĩnh

Sau 8 tháng, hàng chục ngàn con cá Chẽm, cá Hồng nuôi lồng bè trên sông Hộ Độ của gần 30 hộ dân ở xóm Nam Hà, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà bắt đầu bước vào kỳ thu hoạch lại bị chết hàng loạt vì giá rét. Bình quân mỗi lồng bè thả 1.000 con cá giống với chi phí 30 triệu đồng, người dân cũng phải đầu tư cả trăm triệu đồng để mua thức ăn cho cá.

Nghề nuôi trồng thủy sản là một trong những nghề chính của nhiều hộ dân ở xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Thiệt hại do rét đậm rét hại gây ra là gánh nặng cho người dân nơi đây, đặc biệt là khi đó là thời điểm Tết Nguyên đán đang cận kề.

Hơn 1.000 tấn cá chết trên sông ở miền Tây

Từ ngày 3 - 7/2/2016, hàng trăm bè cá của người dân huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) và Phú Tân (An Giang) đột ngột chết hàng loạt.

Cá bè chết ở Đồng Tháp

Sáng 16/2, số liệu thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh An Giang và Đồng Tháp cho biết tổng lượng cá bè nuôi trên sông Cái Vừng (ranh giới của tỉnh An Giang, Đồng Tháp) bị chết là hơn 1.100 tấn, trong đó An Giang 650 tấn, Đồng Tháp 460 tấn.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, kết quả giám định phân tích mẫu cho thấy cá chết không do thức ăn hay dịch bệnh mà vì ô nhiễm môi trường. Lượng DO (oxy hòa tan) rất thấp so với ngưỡng cần thiết cho nuôi trồng thủy sản.

Bình thường giá cá he, mè từ 40.000 đồng đến 46.000 đồng/kg, nhưng cá chết chỉ còn 5.000 đồng/kg, có lúc bán 500 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua. Nhiều người dân đưa xác cá đổ ra sông. Chỉ sau vài ngày, nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn đốn.


3.000 tấn hàu chết la liệt ở Bến Tre

Đầu tháng 3/2016, hàu nuôi của các hộ dân trên địa bàn huyện Bình Đại bị chết hàng loạt, khiến nhiều hộ nuôi hàu mất trắng. Hàu còn sống cũng không bán được vì bị thương lái ép giá. Tỷ lệ hàu thiệt hại trên địa bàn huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre ước khoảng 70 - 80%, sản lượng hàu bị thiệt hại khoảng 3.000 tấn, trị giá trên 50 tỷ đồng. Địa bàn chịu thiệt hại nhiều nhất là xã Thừa Đức với trên 2.200 tấn hàu bị chết.

Hàu chết ở Bến Tre khiến bà con nông dân chết đứng

Theo nhận định ban đầu của địa phương thì nắng nóng kéo dài, độ mặn tăng cao cộng với thời tiết ban đêm lạnh xuống đột ngột khiến con hàu không thích nghi được với điều kiện sống nên xảy ra tình trạng chết hàng loạt.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bình Đại, nguyên nhân ban đầu hàu chết hàng loạt được xác định là do môi trường nuôi hàu có độ mặn quá cao. Tại cửa sông Cống Bể (khu vực người dân nuôi hàu ở xã Thừa Đức và Thới Thuận), độ mặn đo được từ 35 – 37%, cao hơn khoảng 10% so với những năm trước trong khi môi trường nước có độ mặn dưới 25% mới thích hợp cho con hàu phát triển.

Cá biển chết dọc 4 tỉnh miền Trung

Những ngày gần đây, dọc dải bờ biển chạy qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đều ghi nhận hiện tượng cá biển chết hàng loạt, trong đó có nhiều loài sống xa bờ, ở tầng sâu, trọng lượng tới 35-50 kg.

Hiện tượng cá chết lần đầu tiên được ghi nhận ở các lồng bè nuôi trên biển, gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vào đầu tháng 4. Sau đó cá biển tự nhiên, cá nuôi lồng bè và cá hồ ven biển của Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đồng loạt chết.

Ngư dân đau xót vì cá chết hàng loạt dọc 4 tỉnh miền Trung

Theo ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh (Huế), tình trạng cá chết xảy ra từ ngày 14 đến 18/4, nằm rải rác trên bờ biển trải dài gần 20km do xã quản lý. Theo người dân, đây là hiện tượng rất kỳ lạ, từ trước đến nay tại địa phương chưa hề có. Khi cá chết nhiều, chính quyền đã khuyến cáo người dân không bơm nước từ biển vào hồ nuôi, không ăn cá chết để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

 Trong khi đó, ông Trần Văn Giảng, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô (Huế) cho hay, không chỉ cá biển dạt bờ mà nhiều diện tích nuôi cá lồng của người dân ở Dốc Giềnh, thôn An Cư Đông (khu vực cửa biển Lăng Cô) cũng ghi nhận tình trạng cá chết. Gần 5 tấn cá của hơn 100 hộ dân đã chết, gây thiệt hại gần một tỷ đồng.Theo ông Giảng, không loại trừ khả năng nước biển bị ô nhiễm nặng là nguyên nhân làm cho một lượng lớn cá chết trôi dạt vào bờ trên diện tích gần 21 km đường bờ biển tại Lăng Cô.

Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc) qua kiểm tra môi trường nước, tác nhân gây bệnh, kết luận các yếu tố thông thường và khí độc do phân hủy hữu cơ không phải là nguyên nhân khiến cá chết. Nguyên nhân trực tiếp nhiều khả năng là các yếu tố gây độc trong nước, có thể từ nguồn nước thải chưa được xử lý đổ ra sông, biển.

Hiện nay, vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân cá chết của các cơ quan chức năng.

Hoài Thương H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội