Điều kỳ diệu y khoa 2015?

Hãy cùng xem y học và ngành y tế thế giới đang hi vọng vào những điều gì trong năm mới này nhé.

5 nghiên cứu mới về ý nghĩa bữa ăn sáng

Việt Nam tham gia nghiên cứu vaccine ngừa sốt xuất huyết

VAFF thành lập Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm TPCN

Mỹ lập Hội đồng nghiên cứu kháng kháng sinh

 

Em bé thụ tinh ống nghiệm “ba bố mẹ” đầu tiên chào đời
  “Thụ tinh ống nghiệm (IVF) ba bố mẹ” là một kỹ thuật được sử dụng để đối phó với các bệnh ti lạp thể. Phần lớn chất liệu di truyền của cơ thể chúng ta nằm trong nhân tế bào, là nơi chứa 23 nhiễm sắc thể được di truyền từ mẹ và 23 nhiễm sức thể từ bố. Tuy nhiên, chất liệu di truyền còn được chứa trong một cấu trúc khác của tế bào là ti lạp thể - những nhà máy sản xuất năng lượng cho tế bào.

Không như phần DNA còn lại, lượng chất liệu di truyền nhỏ này chỉ truyền từ mẹ sang con. Có một số bệnh hiếm gặp gây ra bởi các đột biến gen ở ti lạp thể. Người mẹ mang những đột biến này sẽ truyền chúng trực tiếp sang con mà không chịu ảnh hưởng từ người bố.

IVF ba bố mẹ có thể ngăn ngừa được những “bệnh ti lạp thể” này nhờ thay thế ti lạp thể của người mẹ bằng ti lạp thể khỏe mạnh từ người cho, qua đó, tạo ra phôi khỏe mạnh. Đứa trẻ sẽ mang chất liệu di truyền của 3 người - đa số vẫn là từ mẹ và bố, nhưng với khoảng 1% DNA ti lạp thể từ người cho.

Một nghiên cứu gần đây đã kết luận kỹ thuật tỏ ra an toàn. Chính phủ Anh dự kiến sẽ đưa những quy định về công nghệ này ra trước quốc hội, vì thế năm 2015 có thể chứng kiến sự ra đời của em bé IVF “ba bố mẹ” đầu tiên ở Anh.

 

“Thuốc tránh thai nam” sẽ có mặt trên thị trường

Có hai lĩnh vực nghiên cứu chính về tránh thai dành cho nam giới:

- Tránh thai hormone – trong đó các hormone tổng hợp được sử dụng để ngăn chặn sự phát triển của tinh trùng.

- Phương pháp không hormone – những kỹ thuật khác được dùng để ngăn không cho tinh trùng đi gặp trứng.

Năm 2015 có thể là năm mà các công ty dược quyết định thử nghiệm thị trường với thuốc tránh thai dành cho nam giới.

 

Sự phục hưng trong nghiên cứu tế bào gốc của Mỹ

Từ năm 2001 - 2009, chính phủ Mỹ đã cấm các khoản tài trợ liên bang dành cho nghiên cứu trên tế bào gốc phôi người.

Điều này khiến cho một thế hệ các nhà khoa học Mỹ cực kỳ thiếu nguồn lực để khám phá những đặc tính của tế bào gốc có thể giúp cứu chữa cho nhiều người. Những tế bào này có thể phát triển thành nhiều loại tế bào đặc hiệu, như tế bào não.

Các nhà khoa học Mỹ hiện đang phải đuổi theo các đồng nghiệp ở châu Âu và châu Á, những người được tiếp cận với tài trợ của chính phủ. Có bằng chứng cho thấy nhiều nhóm nghiên cứu tại Mỹ đang có những công trình rất ấn tượng trong nghiên cứu tế bào gốc.

Ví dụ, tháng 10/2014, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Harvard đã chuyển được tế bào gốc thành những tế bào có cấu trúc tương tự các tế bào tụy bình thường, có thể sản xuất insulin. Đây có thể là bước đầu tiên tiến tới việc chữa khỏi bệnh tiểu đường týp 1 – một bệnh mạn tính do tuyến tụy mất khả năng sản sinh insulin.

Hy vọng rằng đây là một trong nhiều đột phá về nghiên cứu tế bào gốc ở Mỹ.

 

Sự tăng trưởng của thị trường sàng lọc gen cá nhân

Chi phí của việc giải trình tự gen và sàng lọc DNA đã giảm mạnh kể từ sau công trình nghiên cứu nền tảng có tên là Dự án bộ gen người, được tuyên bố hoàn thành năm 2003. Việc sàng lọc DNA của cá nhân – đã có lúc tốn tới hàng triệu bảng – giờ đây chỉ có chi phí vài trăm bảng Anh.

Điều này đã dẫn tới việc rất nhiều công ty cung cấp dịch vụ sàng lọc DNA cá nhân, như 23andMe do Google sáng lập, đã bắt đầu cung cấp dịch vụ ở Anh từ hồi đầu tháng 12/2014.

Với 125 bảng Anh, công ty sẽ phân tích DNA từ nước bọt của bạn, và xác định nguy cơ di truyền đối với một số bệnh nhất định. Những bệnh này có thể từ khá là vô hại, như chứng hói đầu nam giới, cho tới những bệnh có thể gây chết người, như ung thư vú.

Những người chỉ trích các dịch vụ này cho rằng thông tin từ xét nghiệm sàng lọc gen có thể dẫn đến việc diễn giải sai và gây ra những lo lắng không có cơ sở.

Tuy nhiên, số người quan tâm đến việc sàng lọc gen đủ lớn để có thể biến nó trở thành một lĩnh vực kinh doanh phát đạt trong năm nay.

Cẩm Tú (Theo NHS/Dân trí)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất