Những điều cần biết về ngộ độc sắt

Ngộ độc sắt cấp tính có thể gây ra triệu chứng nôn mửa

Người bị thiếu máu, thiếu sắt có nên uống trà?

Thiếu hụt chất sắt làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành

Ngoài bổ sung sắt, làm thế nào để bổ máu, chống thiếu máu?

Top thực phẩm nhiều sắt hơn cả thịt đỏ

Nguyên nhân gây ngộ độc sắt là gì?

Quá liều. Ngộ độc sắt cấp tính thường là kết quả của việc uống quá liều lượng sắt cho phép. Phần lớn các trường hợp xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi vô tình nuốt phải viên bổ sung sắt hoặc đa sinh tố dành cho người trưởng thành.

Quá tải sắt. Quá tải sắt là tình trạng nhiễm độc sắt mạn tính. Nguyên nhân quá tải sắt có thể do yếu tố di truyền, một người được truyền máu với số lượng lớn, có bệnh gan như viêm gan C mạn tính hoặc mắc phải chứng nghiện rượu.

Triệu chứng của ngộ độc sắt

Khi bị ngộ độc sắt cấp tính, các triệu chứng ngộ độc sắt do quá liều thường được chia thành 5 giai đoạn dưới đây.

- Giai đoạn 1 (từ 0 đến 6 giờ): Các triệu chứng có thể bao gồm nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, khó chịu và buồn ngủ. Trong những trường hợp nghiêm trọng, hơi thở và nhịp tim trở nên nhanh, người bệnh có thể rơi vào trạng thái hôn mê, bất tỉnh, co giật và huyết áp thấp.

- Giai đoạn 2 (6 đến 48 giờ): Các triệu chứng và tình trạng chung của người bệnh có thể được cải thiện.

- Giai đoạn 3 (12 đến 48 giờ): Xuất hiện các triệu chứng sốt, chảy máu, huyết áp hạ xuống thấp, vàng da, suy gan, acid dư thừa trong máu và co giật.

- Giai đoạn 4 (2 đến 5 ngày): Các triệu chứng có thể bao gồm suy gan, chảy máu, rối loạn đông máu, khó thở và thậm chí tử vong. Giảm lượng đường trong máu có thể xảy ra, người bệnh có thể bị nhầm lẫn, lơ mơ hoặc hôn mê.

- Giai đoạn 5 (2 đến 5 tuần): Hình thành sẹo ở dạ dày hoặc ruột. Các sẹo này có thể gây tắc nghẽn, co thắt khiến người bệnh có cảm giác đau bụng và nôn mửa. Xơ gan có thể phát triển sau đó.

Ngộ độc sắt có thể gây ra tình trạng hôn mê

Khác với quá liều sắt, quá tải sắt thường diễn ra một cách âm thầm, không có triệu chứng điển hình nên gây khó khăn trong việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm. Trong một số trường hợp, quá tải sắt có thể gây đau khớp, mệt mỏi, thiếu năng lượng, đau bụng, giảm ham muốn tình dục,...

Chẩn đoán ngộ độc sắt như thế nào?

Chẩn đoán nhiễm độc sắt thường dựa trên tiền sử bệnh, triệu chứng hiện tại, sự hiện diện của acid trong máu và lượng sắt trong cơ thể. Trong quá trình chẩn đoán, người bệnh cần chia sẻ với bác sỹ về tất cả các loại thuốc hiện tại và chất bổ sung mà họ đang dùng. Việc tiết lộ đầy đủ rất quan trọng vì một số chất bổ sung như vitamin C có thể làm tăng sự hấp thu sắt trong cơ thể.

Điều trị ngộ độc sắt

Giai đoạn đầu của điều trị nhiễm độc sắt cấp tính liên quan đến việc ổn định cơ thể, bao gồm bất kỳ vấn đề về hô hấp hoặc huyết áp.

Tùy thuộc vào mức độ ngộ độc, điều trị có thể bao gồm liệu pháp làm sạch, chẳng hạn như thủ thuật tưới rửa toàn bộ ruột và phương pháp điều trị chelation. Nguyên tắc hoạt động của những phương pháp này là loại bỏ chất sắt dư thừa càng nhanh càng tốt, từ đó làm giảm triệu chứng ngộ độc sắt trên cơ thể.

Những người có triệu chứng đáng kể hoặc lượng sắt cao trong máu có thể cần phải nằm viện. Một số người có thể cần hỗ trợ hô hấp, hoặc thậm chí là theo dõi tim.

Với tình trạng quá tải sắt, việc điều trị chủ yếu là loại bỏ lượng sắt dư thừa, được gọi là lấy máu tĩnh mạch (phlebotomy). Căn cứ vào mức độ quá tải sắt mà các bác sỹ sẽ thực hiện thủ thuật này với tần suất khác nhau.

Ngộ độc sắt có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến mạng sống. Suy gan và suy tim là những nguyên nhân chính gây tử vong do ngộ độc sắt. Nếu ngộ độc sắt gây tổn thương gan nghiêm trọng, nó có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường. Suy tim có thể dẫn đến sưng chân, khó thở, hoạt động thể chất bị hạn chế, mệt mỏi, nhịp tim nhanh và buồn nôn.

Ngộ độc sắt không chủ ý có thể được ngăn ngừa bằng cách đóng bình đựng thuốc đúng cách và bằng cách bảo quản chúng khỏi tầm nhìn và tầm với của trẻ em. Bất cứ ai dự định uống bất kỳ loại vitamin tổng hợp hoặc chất bổ sung có chứa chất sắt trước tiên phải tham vấn với chuyên gia y tế. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn dự định sử dụng nhiều hơn một sản phẩm bổ sung trong cùng một thời điểm.

M. Hiếu H+ (Theo MedicalNewToday)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh thường gặp