Nhiễm khuẩn đường hô hấp: Bệnh lý phức tạp, khó điều trị


Phần lớn bệnh nhân đến khám tại các phòng khám chuyên khoa hô hấp là do nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới

Health+ đã phỏng vấn PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, Chủ tịch Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, về căn bệnh này và những khuyến cáo quan trọng trong điều trị cũng như chăm sóc đường thở để phòng ngừa nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Bệnh lý ngày càng phức tạp

Thưa PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, nhiễm trùng đường hô hấp dưới là một nhóm bệnh thường gặp ở nước ta. Tuy nhiên, không phải nhiều người có hiểu biết cụ thể về những căn bệnh này. Ông có thể chia sẻ với độc giả CN PBCĐ? 

Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới - mà trước đây cộng đồng hay gọi chung là viêm phổi - là căn bệnh thường gặp, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới thường gặp bao gồm: Viêm phế quản cấp, viêm phổi cấp, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), ung thư phổi, tràn dịch màng phổi... Ước tính, có khoảng 30 – 40% số bệnh nhân đến khám do các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và 90% bệnh nhân đến khám tại các phòng khám chuyên khoa hô hấp là do nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới.


Đâu là nguyên nhân gây bệnh chính, thưa ông?

Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới là căn bệnh do vi khuẩn, virus gây nên. Các tác nhân chính dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn này là phế cầu khuẩn, Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis, trực khuẩn gram âm (Trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn đường ruột), các vi khuẩn không điển hình (Chlamydophila pneumoniae, Mycoplasma pneumonia). Các virus hay gặp như virus cúm, á cúm, virus hợp bào hô hấp. Như mọi người cũng đã biết, hiện nay, nhiễm một số virus cúm gia cầm (H5N1, H1N1) cũng có thể gây nên viêm phổi nặng, thậm chí là dẫn đến tử vong.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới có tỷ lệ người mắc ngày càng nhiều và là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở người nhiều nhất hiện nay.


Tình trạng gia tăng nguy hiểm này có nguyên nhân là do đâu, thưa ông?

Đó là do tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề, khiến các bệnh lý hô hấp có chiều hướng gia tăng mạnh. Ngày càng có nhiều loại virus có khả năng gây nhiễm trùng đường hô hấp, với độc lực cao như virus cúm A/H5N1, H7N9… Viêm phổi do virus có thể lây lan nhanh thành dịch lớn như viêm phổi do virus SARS, virus cúm A/H1N1… Ô nhiễm khói thuốc dù không phải là nguyên nhân gây bệnh chính nhưng lại là tác nhân thúc đẩy khiến các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp ngày càng tăng nặng.

Còn tại Việt Nam, yếu tố nguy cơ là sự lạm dụng kháng sinh diễn ra trong một thời gian dài, khiến tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp ngày càng phức tạp. Các nhóm kháng sinh liều thấp hiện nay hầu như không còn tác dụng trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp.


Ông có thể giải thích rõ hơn?

 

“Đa số các kháng sinh đang được dùng để điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới hiện nay đều bị vi khuẩn kháng thuốc nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn”.

PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ

Cũng tương tự nhiều nhiều bệnh khác phải điều trị bằng kháng sinh ở Việt Nam, nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới cũng đang vấp phải hiện tượng nhờn thuốc trong cộng đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do kháng sinh hiện nay được bán tràn lan, không cần đơn thuốc của bác sỹ mà chỉ cần bán theo tư vấn của dược sỹ tại các hiệu thuốc.

Hiện nay, tại các bệnh viện tuyến cơ sở, các đầu mục kháng sinh được sử dụng hiện nay hầu như không còn tác dụng trong điều trị viêm đường hô hấp dưới, phải chuyển lên tuyến trên điều trị bằng các dòng kháng sinh có tác dụng mạnh, khiến các bệnh viện tuyến trên luôn ở tình trạng quá tải.

 

Nhiều bệnh viện cũng đã đề ra phương án khám và điều trị ban ngày, không lưu viện, nhưng cũng chỉ giảm tải được phần nào với những bệnh nhân ở gần bệnh viện. Đây là vấn đề gây “đau đầu” không chỉ cho bác sỹ mà cả những nhà quản lý y tế.

 

Điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới thường dựa theo phác đồ dựa trên kinh nghiệm

 

3 yếu tố phòng bệnh: Thoáng, sạch & ấm

Với tình trạng kháng sinh kháng thuốc như hiện nay, việc điều trị bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới được áp dụng như thế nào, thưa ông?

Về cơ bản, việc điều trị nhiễm trùng đường hô hấp dưới được áp dụng theo kháng sinh đồ trong Hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế. Một bệnh nhân nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới nhập viện, bác sỹ sẽ có những “nghi ngờ” với loại vi khuẩn gây bệnh và có thể dựa vào kháng sinh đồ để điều trị. Các xét nghiệm này cần 1 tuần để xác định chính xác tên vi khuẩn gây bệnh và loại kháng sinh điều trị phù hợp.

Tuy nhiên, như bạn đã biết, nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới thường là những căn bệnh cấp tính, cần điều trị ngay lập tức nên thường các bác sỹ sẽ điều trị triệu chứng bên ngoài theo phác đồ dựa trên kinh nghiệm. Phác đồ kinh nghiệm cũng đã được Bộ Y tế đưa vào Hướng dẫn điều trị trong vài năm gần đây. Cũng phải lưu ý rằng, phác đồ kinh nghiệm này không thống nhất ở tất cả các vùng miền của Việt Nam. Mỗi vùng có một phác đồ kinh nghiệm riêng, dựa trên những xét nghiệm xác định mức độ kháng thuốc của các chủng virus, vi khuẩn gây bệnh của từng vùng.

Bệnh nhân phải lưu ý những gì trong quá trình điều trị, thưa ông?

Tôi cho rằng, không chỉ bệnh nhân nhiễm trùng đường hô hấp dưới mà cả những người có nguy cơ nhiễm bệnh cần lưu ý: Không tự ý điều trị bệnh bằng kháng sinh. Người bệnh cần đi khám tại các cơ sở khám bệnh chuyên khoa để phát hiện đúng tác nhân gây bệnh trước khi được kê đơn kháng sinh. Tuân thủ tốt lưu ý này không chỉ giúp người bệnh được điều trị khỏi mà còn giúp ngành y tế không phải “loay hoay” tìm các loại thuốc kháng sinh liều cao để điều trị những căn bệnh đường hô hấp dưới bình thường.

Người bệnh và người muốn phòng bệnh cần đảm bảo đủ 3 yếu tố: Thoáng, sạch & ấm: Thông thoáng không khí, môi trường trong sạch và giữ ấm đường thở.

Phải chăng, “thoáng, sạch & ấm” cũng chính là những yếu tố cần lưu ý để phòng bệnh, thưa ông?

Đúng vậy! Môi trường ô nhiễm là tác nhân gây nên tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp gia tăng ở Việt Nam, đặc biệt là môi trường vi khí hậu trong mỗi gia đình. Đảm bảo môi trường vi khí hậu thông thoáng sẽ giảm bớt tác nhân gây hại cho đường thở. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy môi trường sống trong mỗi gia đình của người dân Việt Nam hiện nay chưa đảm bảo được vấn đề này. Môi trường sống ô nhiễm là yếu tố tác động khiến việc lan rộng các loại vi khuẩn, vi trùng tồn tại sẵn trong đường thở phát triển nhanh và nặng.

Thứ hai là giảm ô nhiễm môi trường nói chung. Vấn đề này dù thuộc tầm vĩ mô nhưng lại phụ thuộc vào ý thức của từng người dân, từng nhóm cộng đồng và toàn xã hội. Và cuối cùng là giữ ấm đường thở hay tự nâng cao sức đề kháng của bản thân. Lạnh như một yếu tố thuận lợi đưa đường cho vi khuẩn, vi trùng gây bệnh có cơ hội bùng phát. Không ít bệnh nhân chỉ một ngày sau khi lạnh đã biến chứng viêm phổi cấp.

 

Tiêm vaccine giúp giảm đáng kể những đợt nhiễm trùng hô hấp. Tuy nhiên, các loại vaccine tiêm phòng hiện nay khá đắt so với thu nhập của cộng đồng.

Về phòng bệnh, hiện nay, các chuyên gia y tế có khuyến cáo tiêm vaccine phòng cúm, phòng viêm phế cầu cho tất cả những trường hợp có bệnh phổi mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản...; Những trường hợp có khiếm khuyết hệ thống miễn dịch, làm cho các bệnh nhân bị nhiễm trùng hô hấp tái đi, tái lại nhiều lần...

Hiện nay, nhiều người bệnh có nhu cầu sử dụng Thực phẩm chức năng để hỗ trợ điều trị và phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp. Ông có khuyến cáo gì với những trường hợp này?

Các sản phẩm TPCN có tác dụng tốt trong hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh. Với căn bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, đặc biệt là với những bệnh mạn tính do nhiễm khuẩn, người bệnh nên lựa chọn các sản phẩm giúp tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ nhiễm trùng tăng nặng. Hơn thế nữa, những sản phẩm này nên là những sản phẩm đã được đánh giá tác dụng/hiệu quả với hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh tại các cơ sở y tế lớn. Có như vậy, sức khỏe người bệnh mới được đảm bảo an toàn, không sợ nguy cơ nhiễm độc trường diễn, bán trường diễn như các chuyên gia y tế cảnh báo trong thời gian gần đây.

Cảm ơn PGS.TS về những chia sẻ hữu ích để cộng đồng cùng phòng ngừa hiệu quả các căn bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp nguy hiểm!

Hiên Vân
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hô hấp