Chim di cư có thể lây lan virus cúm A(H7N9)?

Theo nhiều chuyên gia, chim di cư ít có khả năng phát tán cúm gia cầm

​Virus cúm H7N9 đang nguy hiểm hơn

Trung Quốc xác nhận thêm hai ca nhiễm cúm H7N9

Trung Quốc: gần 1/3 số người nhiễm cúm H7N9 đã tử vong

Vaccine ngừa cúm H7N9 bước đầu thử nghiệm thành công

Chim di cư có thể lây lan virus cúm A(H7N9)?

Hiện vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy các loài chim di cư hoang dã ở Trung Quốc bị nhiễm virus cúm H7N9, tuy nhiên các chuyên gia vẫn đang nỗ lực giám sát các loài chim hoang dã và lấy mẫu ở những vùng bị ảnh hưởng.

Theo Tổ chức Birdlife tại Việt Nam, các loài chim di cư có khả năng lây nhiễm virus cúm gia cầm, tuy nhiên nguy cơ này là không cao. Nguyên nhân là do các loài chim hoang dã có cơ chế tự bảo vệ tốt. Khi một con bị bệnh, cả đàn sẽ tách ra để tránh lây nhiễm.

Chim di cư ít lây truyền virus cúm gia cầm (Ảnh: Internet)

Nhiều chuyên gia cho rằng một trong các nguyên nhân lây lan virus cúm gia cầm giữa các loài chim chủ yếu là do nuôi tập trung, khiến chúng không có khả năng tránh và có thể bị nhiễm virus từ con chim bệnh.

Vậy đâu mới là nguồn lây nhiễm virus cúm A(H7N9) ở người?

Theo thông tin từ Bộ Y tế, hầu hết các ca lây nhiễm virus H7N9 ở người là do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các loài gia cầm đã nhiễm bệnh. Những người thường xuyên tiếp xúc với các môi trường như chợ gia cầm, nơi nuôi nhốt, giết mổ gia cầm… sẽ có nguy cơ cao nhiễm virus cúm gia cầm.

Người dân (đặc biệt là những người chăn nuôi gia cầm) cần tránh tiếp xúc trực tiếp với các con vật, hạn chế tiếp xúc với những bề mặt mà con vật đã tiếp xúc.

Gia cầm nuôi nhốt mới là nguy cơ lây nhiễm virus cúm H7N9 chủ yếu

Người dân chăn nuôi gia cầm cần chủ động duy trì vệ sinh nơi ở tốt, đặc biệt là tại nơi chế biến, tiêu thụ thực phẩm. Cần báo ngay cho chính quyền địa phương trong trường hợp trong đàn gia cầm có con ốm, chết. Tuyệt đối không giết mổ, tiêu thụ các con gia cầm ốm.

Liệu Việt Nam có nguy cơ lây nhiễm virus H7N9 không?

Cho đến nay vẫn chưa có trường hợp nào được báo cáo nhiễm virus cúm H7N9 ở gia cầm tại Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình dịch cúm gia cầm đang có xu hướng bùng phát mạnh tại một số tỉnh phía Nam, Đông Nam Trung Quốc, đặc biệt 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (giáp với biên giới 4 tỉnh nước ta) đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh trên người.

Nếu các con gia cầm nhiễm virus H7N9 từ Trung Quốc được vận chuyển vào các chợ ở Việt Nam, nguy cơ lây nhiễm virus cúm H7N9 cả ở gia cầm và người đều có thể tăng cao. Hiện Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  đã có các công điện, công văn chỉ đạo ngăn chặn nhập lậu gia cầm vào nước ta; Kiểm soát chặt chẽ các chợ gia cầm, nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán gia cầm và các sản phẩm liên quan không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch trên thị trường.

Ngoài nguồn lây nhiễm chính là các loài gia cầm nuôi nhốt, không thể lơ là với các loài chim di cư hoang dã. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) khuyến cáo vì các loài chim di cư vẫn có khả năng lây lan virus cúm gia cầm (dù ít), người dân không nên ăn thịt các loài chim hoang dã. Gia cầm nuôi nhốt và các vật nuôi khác nên được cách ly với các loài chim di cư.

Người dân tại các khu vực chim di cư nên chủ động theo dõi tin tức về cúm gia cầm, tránh tiếp xúc với các loài chim và cảnh báo sớm với các cơ quan chức năng nếu có hiện tượng lạ như chim ốm, chết.

Vi Bùi H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn