Ngải cứu - Rau ăn, vị thuốc quý

Ngải cứu - Rau ăn, vị thuốc quý

Quy trình biến tỏi thành thuốc quý

Vị thuốc quý điều trị bệnh run

Hoa đậu ván trắng: Món ăn ngon, bài thuốc quý

Đấu thầu thuốc "quy về một mối": có khả thi?


Ngải cứu có nhiều tác dụng đối với sức khỏe
Ngải cứu hay còn gọi là thuốc cứu, ngải diệp, nhả ngải (tiếng Tày), quá sú (H'Mông), cỏ linh chi (Thái), tên khoa học là Artemisia Vulgaris, là một loài thực vật thuộc họ Cúc (Asteraceae).

Ngải cứu là cây thân thảo, sống lâu năm, lá mọc so le, chẻ lông chim, phiến men theo cuống đến gốc, dính vào thân như có bẹ, mặt trên màu lục sậm, mặt dưới phủ lông nhung màu trắng. Những lá ở đầu ngọn có hoa không chẻ.

Lá ngải cứu chứa tinh dầu tanin, các flavanoid, các acid amin như adenin, cholin. Ngải cứu có vị đắng, mùi thơm nồng, không chỉ được sử dụng để chế biến các món ăn mà còn được Đông y sử dụng làm thuốc. Dù dùng ở bất kỳ hình thức nào thì cây ngải cứu cũng có nhiều tác dụng đối với sức khỏe

Công dụng của ngải cứu

Tiến sỹ Lê Thị Kim Loan, nguyên trưởng khoa Bào chế - Chế biến, Viện Dược liệu quốc gia, Bộ Y tế cho biết, ngải cứu có thể dùng toàn bộ phần trên của cây, dùng tươi hoặc phơi khô đều được.



Điều hòa kinh nguyệt: Ngải cứu có tác dụng điều trị kinh nguyệt không đều, kinh nguyệt nhiều, thống kinh (đau bụng kinh). Sau 1-2 ngày uống hoặc ăn ngải cứu, cơ thể đỡ mệt mỏi, máu kinh đỏ và ít hơn.

Một tuần trước ngày kinh dự kiến, hoặc đang trong kỳ kinh nguyệt, mỗi ngày lấy 6 - 12gr (tối đa 20gr) ngải cứu, sắc với nước hoặc hãm với nước sôi như trà, chia làm 3 lần uống trong ngày. Có thể uống dưới dạng bột hoặc dạng cao đặc. Với những người kinh nguyệt không đều, có thể lấy lá ngải cứu khô 10g, thêm 200ml nước, sắc còn 100ml uống, chia 2 lần/ngày.

Giảm đau: Dùng trong các trường hợp đau thần kinh tọa, đau nhức xương cơ khớp, chóng mặt, đau đầu hoa mắt...

Lấy 300gr ngải cứu rửa sạch, giã nát, thêm 2 muỗng cafe mật ong, chắt lấy nước uống vào buổi trưa, chiều. Dùng liên tục trong 1-2 tuần.

Trị mụn, mẩn ngứa: TS. Lê Thị Kim Loan cho biết, ngải cứu là dược liệu thuộc họ Cúc, kháng khuẩn tốt, nên có tác dụng điều trị mụn nhọt hiệu quả. Với người bị nổi mẩn ngứa, mụn nhọt: Lấy lá ngải cứu tươi giã nát, đắp lên mặt, để khoảng 20 phút, rồi rửa lại mặt. Với trẻ em thường hay bị rôm sảy: Lấy lá ngải cứu xay nát rồi lọc lấy nước để tắm.

Trị đau đầu mạn tính (đau liên miên): Dạng đau đầu này, nếu uống giảm đau chỉ khỏi tạm thời, thuốc hết tác dụng lại âm ỉ đau lại.

Ngải cứu tươi 100gr, giã vắt lấy nước (độ nửa bát), cho 1 chút đường kính uống sau bữa ăn sáng, ngày 1 lần cho đến khi hết đau. 1 đợt điều trị thường kéo dài từ 15 đến 20 ngày, nếu chưa khỏi có thể tiếp tục uống. Thuốc này không có phản ứng phụ. Người uống cảm thấy dễ chịu, đau giảm dần chứ không mỏi mệt như dùng thuốc giảm đau.

Có thể chữa đau đầu bằng món ăn với ngải cứu: Ngải cứu 1 nắm tay, mộc nhĩ 3 cái. Thái nhỏ cả 2 loại, trộn với 1 quả trứng gà, hoặc thịt nạc, đem hấp hoặc chiên rán lên ăn.

Có thể chữa đau đầu bằng món ăn với ngải cứu
Một số thắc mắc khi sử dụng ngải cứu

- Ngải cứu có tốt cho phụ nữ mang thai?

Nếu thai phát triển bình thường, không nên dùng bất kỳ dược liệu nào, kể cả ngải cứu trong 3 tháng đầu thai kỳ. Bởi ngải cứu có tính đắng, có khả năng co bóp tử cung đầy thai ra ngoài.

Nếu động thai, tốt nhất nên đến bác sỹ chuyên khoa để tìm hiểu nguyên nhân. Tuy nhiên, trong trường hợp động thai có ra ít máu, có thể dùng ngải cứu sao cháy (ngải thán), sau đó vẩy một chút nước vào cho hết hỏa độc và sắc lên uống.

- Sinh con xong có nên ăn trứng gà ngải cứu?

Trứng gà ngải cứu có tác dụng điều hòa khí huyết, rất tốt với phụ nữ sau sinh. Tuy nhiên, ngải cứu có tính nóng, vì thế thời gian ăn bao lâu phải tùy thuộc vào cơ thể mỗi người, không nên ăn nhiều ngày dễ gây táo bón.
Ngải cứu được coi là tốt cho sức khỏe nhưng nếu dùng quá nhiều có thể gây ra ngộ độc. Độc tính của ngải cứu khiến thần kinh trung ương bị hưng phấn quá mức, dẫn tới chân tay run, toàn thân co giật. Sau vài lần có thể dẫn đến kinh quyết (co cứng), nói sàm, thậm chí tê liệt. Kiểm tra bằng kính hiển vi có thể phát hiện các tổn thương ở tế bào não. Sau khi khỏi bệnh, vẫn thường để lại những di chứng như hay quên, ảo giác, viêm thần kinh...
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp