Melatonin và giấc ngủ



Tuyến tùng là “nhạc trưởng”, tác động đến nhiều cơ quan (tuyến ức, tuyến yên, vùng dưới đồi). Có tác giả còn cho rằng tuyến tùng có liên quan tới Luân xa 6 (còn gọi là Ajna hoặc “con mắt thứ ba” chakra trong hệ thống 7 Luân xa của môn Yoga). Melatonin là một hormone tiết ra từ tuyến tùng, đóng vai trò chính điều hành chiếc đồng hồ sinh học của cơ thể. Tuyến tùng (thông qua melatonin) chỉ đạo các hệ nội tiết và miễn dịch để điều tiết các hormone tăng trưởng, hormone sinh dục và kháng thể (khi nào tiết, tiết ra sao).

Tuyến tùng và melatonin

Giảm sản xuất melatonin có thể là yếu tố gây tỷ lệ ung thư cao ở người làm việc triền miên các ca đêm mà lại có chiếu sáng mạnh.

Chống chỉ định sử dụng melatonin:
khi mang thai, thời kỳ mẹ cho con bú, trẻ em, người ung thư, bệnh Hodgkin, bệnh bạch cầu, u lympho bào, đa u tủy xương.

Trong tuyến tùng, melatonin được sản xuất từ tryptophan, chuyển hóa cho serotonin (là chất trung gian ở não điều khiển tính khí), sau đó cho melatonin. Tại tuyến tùng, melatonin nhận thông tin từ võng mạc qua mô hình hằng ngày về ánh sáng và bóng tối, nên điều chỉnh được chu kỳ 24 giờ ngày/đêm. Khi cơ thể thiếu hụt melatonin sẽ dẫn đến tình trạng mất ngủ hoặc giấc ngủ không đủ chất lượng (hay thức giấc).

Việc sản xuất melatonin bị ức chế bởi ánh sáng và tăng mức khi vào tối, nên melatonin còn được gọi là “hormone của bóng tối”. Đỉnh sản xuất vào giữa đêm, rồi giảm dần vào nửa sau của đêm. Ở vùng mà đêm tối triền miên, phải cần đến sự hỗ trợ của ánh sáng nhân tạo để giảm bóng tối âm u chỉ còn khoảng 8 giờ mỗi ngày. Việc chiếu sáng mạnh làm giảm rõ rệt sự sản xuất melatonin.

Melatonin được tìm ra từ 1958 và ngày càng được chú ý nhiều vì nghiên cứu lâm sàng đã cho thấy: Melatonin kéo dài tuổi thọ của chuột nhắt lên >25%, chuột sống dai hơn, trẻ khỏe hơn, khả năng tính dục tốt hơn; Melatonin làm chậm sự sinh sản ung thư vú ở người; Người Ý có cho thêm melatonin vào hóa trị liệu và miễn dịch trị liệu để điều trị bệnh nhân ung thư; Melatonin tạo giấc ngủ bắt chước giấc ngủ tự nhiên, ít tác dụng phụ hơn hẳn khi so sánh với các thuốc ngủ khác.

Melatonin cũng chống các triệu chứng say máy bay hoặc thay đổi nhịp sinh học cho du khách bay nhiều ngày qua nhiều múi giờ (hiện tượng jet lag), đồng thời, ngăn ngừa bệnh tim nhờ làm hạ cholesterol ở người rối loạn lipid-máu. Gần đây, các nghiên cứu còn cho thấy melatonin hỗ trợ điều trị các bệnh AIDS, Alzheimer, Parkinson, hen, đục thể thủy tinh, đái tháo đường, hội chứng Down và còn là chất chống oxy hóa rất mạnh. Tuy nhiên, những lợi ích sơ bộ cũng còn cần được chứng minh thêm.

Melatonin và giấc ngủ

Mất ngủ tăng theo tuổi, ảnh hưởng xấu tới 40% nữ, 30% nam. Chất lượng giấc ngủ ở người cao tuổi tỷ lệ thuận với lượng melatonin tiết ra ở tuyến tùng. Melatonin vào ban ngày (đầy ánh sáng) có lượng rất thấp, nhưng ban đêm (tràn trề bóng tối) thì lượng đó tăng cao gấp 5 – 10 lần. Người già mất ngủ có lượng melatonin ít hơn một nửa so với ở người trẻ: các cụ cần nằm ở giường lâu, nhưng trằn trọc, thiếu thời gian ngủ. Nếu tăng hàm lượng melatonin, sẽ kết thúc các đêm thao thức. Bởi vậy, người già mất ngủ uống 3mg melatonin trước khi ngủ tối 60phút, dùng trong một tuần sẽ cảm nhận được những thay đổi tích cực: đi vào giấc ngủ nhanh hơn, ngủ sâu hơn, ít phải thức giấc (tiểu tiện đêm), rồi ngủ lại cũng nhanh, giấc mộng có khi thú vị, chói lọi.

Với liều rất thấp có khi cũng đủ hiệu lực, ví dụ 0.1mg melatonin mỗi tối cũng dỗ dành được giấc ngủ. Bởi vậy, melatonin còn là một hoạt chất hữu hiệu để chữa mệt mỏi do du khách khi bay dài ngày (hội chứng jet lag). Việc bay qua hàng vạn cây số, tạm bị rối loạn nhịp sinh học qua nhiều múi giờ, như mất ngủ, hội chứng cúm, thiếu tập trung tư tưởng, mất phương hướng, thay đổi huyết áp, glucose-máu, tính khí, mức năng lượng, khuấy động thức tỉnh, thay đổi mức các hormone… Dù dùng các thuốc ngủ quy ước cũng có thể dỗ giấc ngủ của du khách, nhưng nhiều triệu chứng jet lag vẫn tồn tại. Melatonin rất có hiệu lực để phòng và điều trị jet lag nhờ lập lại cân bằng đồng hồ sinh học trong cơ thể và tác động ở hai mức độ: dỗ dành giấc ngủ tốt hơn và sửa lại cho đúng và nhanh hơn chiếc đồng hồ sinh học đã bị chuệch choạc.

Thận trọng

Melatonin được xếp loại thực phẩm chức năng ở Hoa Kỳ, nhưng Liên minh châu Âu (EU) chưa cho phép bán sản phẩm có chứa hoạt chất này mà không có đơn kê của bác sỹ.

Melatonin tuy là một hoạt chất sinh học được sử dụng trong sản xuất thực phẩm chức năng, nhưng cũng được khuyến cáo nên được dùng dưới sự hướng dẫn của bác sỹ. Trong quá trình sử dụng cũng cần lưu ý một số tác dụng phụ (tuy hiếm) có thể xảy ra ở một vài trường hợp: uống ban ngày gây buồn ngủ; ngủ gà buổi sáng sau khi dùng melatonin buổi tối hôm trước; co và đau dạ dày, chóng mặt, nhức đầu, dễ bị kích thích, giảm dục năng, to vú ở nam giới, giảm lượng tinh trùng. Melatonin cũng có thể khiến cho bệnh trầm cảm nặng hơn, bởi vậy, người trầm cảm cần khởi đầu bằng liều thấp. Những người rối loạn tự miễn khi dùng melatonin có thể làm trội lên các triệu chứng, do melatonin kích thích được hệ miễn dịch. Người hay bị biến chứng ở tư thế đứng (hạ huyết áp), giảm dòng máu tới não khi đứng, nếu dùng melatonin có thể làm tăng những tác dụng có hại này.

Cần luôn luôn ghi nhớ rằng: với melatonin có khi dùng liều thấp lại mang lại hiệu lực cao hơn. Sử dụng lượng quá lớn không chắc đã giúp khuếch đại được năng lượng và sức khỏe. Dùng quá liều hoặc dùng không đúng sẽ gây ra tác dụng ngược lại, làm đảo lộn nhịp sinh học (ngủ ngày – thức đêm). Hiện nay chưa có ranh giới về liều khuyến cáo cho melatonin. Các cá thể đáp ứng rất khác nhau với hiệu lực của melatonin, bởi vậy, cách tiếp cận tốt nhất trong mỗi trường hợp là bắt đầu bằng liều rất thấp, cố giữ liều tối thiểu (chỉ dùng với người lớn và ở mức 3mg). Đặc biệt lưu ý là phải uống trước khi ngủ tối 60 phút, tắt đèn, sẽ ngủ rất say và điều chỉnh được chu kỳ ngủ/thức trong 24 giờ. Nếu phải làm việc ban đêm dưới ánh đèn gay gắt, thì bắt buộc phải dùng trước khi ngủ ngày (tắt đèn, ngủ trong tối).
G.S. Hoàng Tích Huyền
------
(*) Tài liệu tham khảo chính:
1. R.Klatz, R.Goldman: The New anti – aging Revolution, Basic Health Publications, Inc. (2003), trang 103 - 119
2. The Merck Manual; 17. Ed. (1999), trang 1413 và 2457
3. The Pharm. Journal ( Vol. 276); 11/3/2006; trang 298
4. http://en,wikipedia.org/wiki/melatonin (27/02/2007); trang 1- 9
5. http://www.drugs.com/mtm/melatonin.html (27/02/2007)

anhvan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất