Lưu ý khi sử dụng thuốc nhỏ mũi cho trẻ

Khi chọn thuốc nhỏ mũi cho bé, bố mẹ nên cân nhắc và lưu ý chọn thuốc phù hợp

Trẻ ngủ ngáy - Chớ xem thường

Mẹ ơi, con muốn được … massage!

Tác hại kinh hoàng của khói thuốc đối với trẻ!

Để trẻ không bị xâm hại tình dục

Khi trẻ bị chảy mũi, ngạt mũi, ngoài việc tìm các nguyên nhân để điều trị, chúng ta cần nhỏ thuốc tại chỗ cho trẻ được khô mũi và thở thông. Nhỏ nước tỏi ép, hút mũi, rửa mũi quá nhiều hoặc lạm dụng thuốc nhỏ mũi khi bé ngạt, sổ mũi, chỉ khiến bệnh của con thêm nặng. 

Các loại thuốc nhỏ mũi, xịt mũi thông thường

- Nước muối sinh lý (NaCl 9%o) có tác dụng rửa mũi làm cho dịch mũi loãng ra và giữ cho niêm mạc mũi trở lại trạng thái bình thường. Có thể nhỏ 4 - 5 giọt vào một bên mũi rồi hút sạch, ngày làm từ 2 - 4 lần. Chú ý không bơm nước mạnh quá vào mũi để khỏi chảy xuống họng, nhất là trẻ sơ sinh dễ gây sặc. Loại này hoàn toàn không nguy hiểm, có thể dùng lâu dài.

Nước muối sinh lý (NaCl 9%o) có tác dụng rửa mũi làm cho dịch mũi loãng ra và giữ cho niêm mạc mũi trở lại trạng thái bình thường

- Sterimar (nước biển phun sương) giúp niêm mạc mũi trở lại bình thường. Có ưu điểm hơn nước muối sinh lý là có chứa nhiều hoạt kháng dị ứng... Dùng theo dạng phun sương nên có tác dụng làm sạch các rỉ mũi, tăng cường dẫn lưu dịch, loại bỏ các vảy ở trong mũi... vì vậy được dùng trong viêm mũi xuất tiết, sau các thủ thuật ở mũi, sau nạo VA, sau cầm máu mũi... Đây cũng là loại thuốc có thể dùng lâu dài.

Nhóm thuốc co mạch

- Eferin 1% giúp cho niêm mạc cuốn mũi co lại làm cho trẻ thở thông thoáng, dễ chịu. Dùng sunfarin và eferin có tác dụng nhanh chữa ngạt mũi nhưng không nên dùng kéo dài quá 2 tuần vì dùng nhiều có thể gây co mạch.

- Naphazolin 0,05 chống ngạt tốt, nhanh nhưng ảnh hưởng đến tim mạch. Đã có những trường hợp cháu bé dùng naphazolin bị ngộ độc dẫn đến tử vong. Vì vậy tuyệt đối không dùng cho trẻ em dưới 3 tuổi.

- Otrivin là loại thuốc gồm xylometazolin cũng có tác dụng co mạch tốt, phòng ngừa không cho virus, vi khuẩn phát triển, làm sạch hốc mũi, mũi thông thoáng nhanh. Trẻ bị ngạt mũi thường được bác sỹ kê Otrivin. Thuốc có hiệu quả rất nhanh nên được các bà mẹ “tín nhiệm” và dễ dẫn đến lạm dụng. Việc dùng thuốc này lâu ngày có thể làm tổn thương niêm mạc mũi.

Otrivin là loại thuốc gồm xylometazolin cũng có nhiều tác dụng tuy nhiên nếu lạm dụng có thể làm tổn thương niêm mạc mũi

- Pivalone là loại thuốc chủ yếu là tixocortol hay dùng để xịt mũi khá tốt vì đây là loại thuốc xịt (spray) làm sạch chất nhày ở mũi, làm thông thoáng mũi, niêm mạc mũi ít bị tổn thương, ít hại cho trẻ em. Thuốc dùng trong điều trị chảy mũi kéo dài như viêm mũi cấp, viêm mũi mạn, viêm mũi theo mùa, viêm mũi vận mạch và viêm mũi dị ứng. Các loại thuốc trên trước khi nhỏ hoặc xịt mũi đều phải hút hết dịch mũi, nói cách khác phải làm sạch hốc mũi trước khi sử dụng thì thuốc mới có hiệu quả.

- Clorocide (cloramphenicol) 4%o là loại thuốc có kháng sinh dùng để sát trùng mũi. Đặc biệt trong các dịch cúm, sởi có thể dùng đồng loạt cho các vườn trẻ, mẫu giáo. Nhưng nên nhỏ vừa phải (2 - 3 giọt) vì thuốc đắng chảy xuống họng các cháu dễ nôn hoặc trớ. Loại này ít có tác dụng làm co mạch.

- Argyrol 1% là loại thuốc có muối bạc (NO3Ag) có tác dụng sát trùng nhẹ, làm săn niêm mạc, rất tốt cho trẻ trong các trường hợp viêm mũi nhiễm trùng, trong các dịch cúm, sởi. Tuy nhiên cũng không nên dùng thuốc kéo dài quá 2 tuần.

Ngoài các thuốc thông dụng trên hiện nay còn rất nhiều các loại thuốc dùng để xịt mũi cho trẻ đó là: Locabiotal chứa fusafugin rất tốt để sát khuẩn mũi, họng, đề phòng nhiễm khuẩn mũi họng, làm cho niêm mạc mũi họng giữ được độ pH.

Tóm lại, các loại thuốc nhỏ mũi, xịt mũi cho trẻ em hiện rất phong phú và khá phổ biến. Vì vậy các bậc cha mẹ cần phải biết cách lựa chọn và sử dụng cho có hiệu quả và tránh những hậu quả xấu, tốt nhất nên dùng theo sự chỉ dẫn của các bác sỹ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng trẻ em.

Những việc cần làm khi trẻ ngạt, sổ mũi

- Tăng cường cho bé uống nhiều nước, bú mẹ.
- Với trẻ lớn, khi bị sổ mũi hay mũi đặc, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ tập hỉ mũi, hỗ trợ dùng nước muối sinh lý đúng lượng xịt để nước mũi loãng ra. Không nên dùng tay bịt hai bên để hỉ mũi vì sẽ làm tăng áp lực đột ngột vào mũi. Giấy để hỉ mũi nên dùng loại giấy mềm, sạch, chỉ dùng một lần.
- Sử dụng thuốc phải được bác sỹ chỉ định, không tự ý dùng thuốc và các biện pháp xử trí theo dân gian.
- Để trẻ không bị sổ mũi, viêm mũi nên giữ ấm cho trẻ khi ra ngoài trời lạnh, giữ vệ sinh cho trẻ vì hệ miễn dịch của trẻ còn rất yếu, nhất là trẻ dưới 6 tuổi.
Bảo Nhi H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ