Lương y khuyết tật Trần Quang Dũng: Hết lòng vì người nghèo khó

Lương y Trần Quang Dũng

Thiếu tá Nguyễn Xuân Lập - Lương y sáng gương "từ mẫu" trên mảnh đất xứ Nghệ

Vị lương y 30 năm chữa bệnh miễn phí

Vị lương y kỳ tài với bài thuốc nối gân, xương hiệu nghiệm

Lương y Phạm Trọng Hùng: Chữa bệnh bằng tâm đức

Đó là câu chuyện của lương y Trần Quang Dũng (SN 1982), ở xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Không chỉ vượt qua những khó khăn của tật nguyền, vươn lên hòa nhập, khẳng định mình, anh Dũng còn hăng hái tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Anh chính là người tham gia trực tiếp tổ chức, xây dựng đề án thành lập Hội người khuyết tật tỉnh Hà Nam vào năm 2006, một trong những Hội người khuyết tật cấp tỉnh đầu tiên trên cả nước.

Ngoài công việc chính, anh Dũng còn tham gia hàng loạt các hoạt động vì cộng đồng

Sinh ra trong một gia đình có hai anh em, bố mẹ anh Dũng đều làm việc tại Khu điều dưỡng thương binh Yên Nam, huyện Duy Tiên, Hà Nam. Lúc nhỏ sinh ra, anh Dũng cũng bụ bẫm, kháu khỉnh như bao đứa trẻ khác. Nhưng năm lên 2 tuổi, trong một trận ốm nặng, đôi chân anh Dũng cứ dần dần bị teo lại. Thương con, bố mẹ anh Dũng chạy hết nơi này đến nơi khác tìm nơi chữa trị cho con mình. Nhưng bao nhiêu cố gắng, nỗ lực của gia đình cũng không thành khi mà đôi chân của anh Dũng vẫn không có dấu hiệu chuyển biến.

Tuổi thơ của anh chỉ gắn liền với ngôi nhà, nhìn đám bạn cùng trang lứa vui đùa cắp sách đến trường mà anh “thèm” đến ứa nước mắt. Khi anh Dũng được nghe kể về tấm gương của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, chính từ câu chuyện của thầy Ký, đã thôi thúc anh Dũng xin bố mẹ cho đi học. Nhưng số phận như vẫn cố thử thách anh, vừa đến trường học được một tuần, đôi chân lên cơn đau dữ dội, ước mơ đến trường của anh cũng bị dập tắt.

Ở nhà anh Dũng treo rất nhiều bằng khen, giấy khen hoạt động vì cộng đồng người khuyết tật

Thấy con mình ham học, mẹ anh Dũng quyết định tự dạy cho con. Bản chất thông minh, cùng sự chỉ bảo tận tình của mẹ mà anh nắm được toàn bộ chương trình phổ thông. Sẵn có kiến thức căn bản, anh lại trăn trở tìm nghề để có thể tự nuôi sống mình. Gia đình anh vốn có nghề bốc thuốc Đông y gia truyền, nên anh quyết định theo học nghề từ ông nội.

Anh Dũng tâm sự: “Lúc tôi muốn tìm một nghề có thể nuôi sống được bản thân, thực sự rất khó khăn, sau nhiều lần suy nghĩ, tôi quyết định theo nghề bốc thuốc Đông y vì vừa giúp mình vừa giúp người khác. Ngoài việc học từ ông nội, tôi còn tìm đọc thêm các tài liệu nghiên cứu chuyên sâu”.

Để nâng cao trình độ và chuyên môn cũng như học hỏi thêm, năm 2002, Trung ương Hội Đông y Việt Nam mở lớp đào tạo nghề ở thành phố Phủ Lý, anh đã đăng ký tham gia học ngay và là học viên khuyết tật duy nhất của khóa này.

Từ nhà đến lớp học đến tận 15km, đối với một người bình thường thì không sao, nhưng với một người khuyết tật như anh quả thực đó là một thử thách. Ấy vậy mà không ngày nào anh vắng học.

Anh Trần Quang Dũng một lương y khuyết tật đầy bản lĩnh

Sau này, anh Dũng quyết định mở một phòng khám Đông y. Lúc mới đi vào hoạt động phòng khám không có người đến, bởi họ e ngại vì thấy một thầy thuốc còn trẻ, lại tật nguyền. Nhưng dần dần anh Dũng cũng chinh phục được mọi người không chỉ tay nghề giỏi, mà còn ở sự nhiệt tình giúp đỡ người nghèo, người đồng cảnh ngộ. Chẳng mấy chốc, anh trở thành lương y có tiếng trong vùng.

Bản thân mình là người khuyết tật, nên chính anh Dũng hiểu những vất vả, thua thiệt của người khuyết tật. Chính vì vậy, năm 2005, anh Dũng đã mạnh dạn xây dựng đề án thành lập Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam, một trong những Hội Người khuyết tật cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước.

Ban đầu, Hội chỉ là một nhóm tự lực với 11 thành viên là những người cùng cảnh ngộ hàng tuần lại gặp nhau tại phòng khám của anh để trò chuyện, động viên lẫn nhau. Với trăn trở, suy nghĩ phải thành lập Hội để có tư cách pháp nhân và mang lại quyền lợi cho người khuyết tật, anh lặn lội đi Nam Định, Hà Giang để tham khảo về mô hình Hội Người khuyết tật. Sau nhiều nỗ lực, ngày 19/8/2006, Đại hội Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam lần thứ nhất được tổ chức. Tại Đại hội này, lương y Trần Quang Dũng được bầu làm Chủ tịch Hội.

Đến nay, toàn bộ 6 huyện, thành phố của tỉnh Hà Nam đã thành lập được Hội Người khuyết tật và phát triển được 5 Hội Người khuyết tật cấp xã, phường, thị trấn với số người đăng ký tham gia sinh hoạt lên đến trên 1.000 người.

Anh Dũng tâm sự: “Nhiều người chưa hiểu rõ tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hội. Họ nghĩ rằng vào Hội là để nhận quà, nhận tiền bảo trợ chứ không phân biệt được Hội Người khuyết tật không phải là Hội vì người khuyết tật mà là Hội của người khuyết tật. Cái người khuyết tật cần không phải là tiền, là những ánh mắt thương cảm mà là những kiến thức, nghề nghiệp để họ tự nuôi sống mình”.

Hiện nay, anh Dũng đang là Chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh Hà Nam

Có lẽ với anh Dũng, hạnh phúc lớn nhất của anh bây giờ chính là gia đình mình. Vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách anh Dũng nên duyên vợ chồng với chị Lê Thị Mai Duyên. Giờ đây, anh chị đã có hai con, con gái học lớp 4, con trai lên 6 tuổi. Đó chính là tài sản vô giá của anh.

Trước khi chia tay, anh Dũng còn tâm sự: “Với những người khuyết tật như chúng tôi, dù không được số phận ưu ái, nhưng chỉ cần cố gắng, không tự ti, mặc cảm thì sẽ làm được như một người bình thường. Xã hội cũng cần nhìn nhận những người khuyết tật theo một ánh mắt tích cực hơn. Không phải là người khuyết tật thì là người vô dụng”.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội